Định vị thương hiệu Việt trong chuỗi dệt may toàn cầu

(ĐTCK) Có tên trong hàng ngũ những công ty mạnh nhất Việt Nam trong lĩnh vực dệt may ở mảng xuất khẩu, hiện thực hóa giấc mơ ghi tên Việt Nam trong chuỗi dệt may toàn cầu là đích đến mà Công ty cổ phần May Sông Hồng đang nỗ lực theo đuổi.
Định vị thương hiệu Việt trong chuỗi dệt may toàn cầu

Ghé thăm đại bản doanh của May Sông Hồng tại thành phố Nam Định một ngày cuối năm, chúng tôi ngay lập tức cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, ngăn nắp, đặc biệt là sự say mê, niềm hạnh phúc của người lao động khi được dùng bàn tay, khối óc cùng xây dựng, vun đắp cho Công ty mà họ trìu mến gọi là ngôi nhà thứ hai của mình.

Đây đó trên khoảng sân rộng vẫn còn những tấm pano, cột chống sử dụng cho sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Công ty. Nếu hỏi rằng ai đã gắn bó với Sông Hồng hơn một thập kỷ, chắc hẳn là cả một rừng cánh tay. Trong số hơn 10.000 người lao động đang làm việc cho Công ty, theo Tổng giám đốc Bùi Việt Quang, có rất nhiều gia đình gắn bó với Sông Hồng đến thế hệ con, cháu.

Hành trình của Sông Hồng đến nay gói trong 3 giai đoạn. Trước cổ phần hóa vào năm 2004, đây chỉ là doanh nghiệp may nhỏ với 1.000 - 2.000 nhân công; khi Việt Nam gia nhập WTO, May Sông Hồng lớn hơn chút với quy mô hơn 3.000 người; giai đoạn sau WTO là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục, đưa Công ty liên tục phát triển không ngừng cho đến ngày nay.

Năm 2018 đánh dấu nhiều bước ngoặt lớn của May Sông Hồng, bước qua tuổi “đang xoan”; niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và đặc biệt là đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu ước đạt từ 3.900 tỷ đồng đến 3.950 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2017.

Việc giảm mảng gia công, đẩy mạnh mảng FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), bên cạnh đó là tối đa hóa chi phí, chọn lọc đối tác, chọn lọc thị trường có giá trị gia tăng cao đã giúp Công ty tăng trưởng bứt phá.

“Sau 13 năm chuyển đổi, đầu tư bài bản, đặc biệt là cải thiện quản trị, minh bạch trong mọi hoạt động, đến nay, May Sông Hồng đã đạt được thành quả vượt bậc”, CEO Bùi Việt Quang chia sẻ.

So với các doanh nghiệp trong nước đang niêm yết, các chỉ số tài chính như ROE, ROA, EPS của May Sông Hồng đều vượt trội, nhưng theo ông Quang, đó chưa hẳn là mục tiêu đủ thỏa mãn. Bởi so với các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực dệt may, vẫn có nhiều khía cạnh, nhiều chỉ tiêu, Sông Hồng phải học hỏi và phấn đấu.

Anh Quang nói: “May Sông Hồng đã có thể tiếp xúc trực tiếp với nhiều khách hàng lớn, lấy được đơn hàng mà trước đây mình phải gia công cho họ. Nhưng về quản trị, về giao thương quốc tế, Công ty vẫn phải nỗ lực phấn đấu để có khả năng cạnh tranh ngang ngửa các doanh nghiệp FDI”.

Nuôi giấc mơ ghi tên Việt Nam trong chuỗi dệt may toàn cầu, CEO Bùi Việt Quang cho biết, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu đạt 500 triệu USD (hiện là 200 triệu USD). Theo kế hoạch, năm 2019, Sông Hồng sẽ đầu tư một nhà máy mới hiện đại ở huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) với quy mô gần 3.000 lao động.

Công ty đang tập trung xây dựng các phòng thiết kế mẫu đủ lớn tại Nam Định, Hà Nội và Hồng Kông, những nơi có nguồn nhân lực chất lượng cao để chuyển Công ty sang trạng thái hoạt động kinh doanh thật sự chủ động, bền vững và hiệu quả.

Sông Hồng đang tích lũy nguồn lực tài chính, đầu tư về con người, quản trị để sẵn sàng cho những cơ hội đang rộng mở phía trước. “Phải có đội quân chuyên nghiệp. Họ có thể là những nhân sự tài năng người Việt, nhưng cũng có thể là người nước ngoài, châu Á, châu Mỹ, châu Âu. Chúng tôi sẽ thành lập các mắt xích , các chuỗi cung ứng của riêng mình ở khắp thế giới”, vị tổng giám đốc trẻ chia sẻ.

Anh tin rằng, cơ hội hiện nay là rất lớn. Việt Nam sau chiến tranh bị bế quan tỏa cảng, nhưng giờ đã là thời của thế giới phẳng, internet có ở khắp nơi, giao thương đi lại dễ dàng. Thế hệ trẻ có khả năng tiếp cận trình độ thế giới không thua kém bạn hàng ở những nước phát triển.

Có nhiều công nghệ, phần mềm đã được sử dụng, chứng minh tính hiệu quả, giúp doanh nghiệp đi sau có thể đi tắt và tiến rất nhanh. Vấn đề với các doanh nghiệp là lựa chọn một cách phù hợp.

Có một sợi chỉ đỏ trên hành trình của May Sông Hồng, theo anh Bùi Việt Quang, là doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung vào thế mạnh cốt lõi, không đi vào sở đoản. Ở thị trường nội địa, chăn ga gối đệm Sông Hồng đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, liệu đây có phải là bàn đạp, là bệ đỡ để tới đây Sông Hồng sẽ lấn sân sang hàng thời trang?

Tổng giám đốc Bùi Việt Quang cho biết, Công ty chưa tính đến việc này, trên sân nhà, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái rất khốc liệt và doanh nghiệp nhiều khi có cảm giác bị đơn độc trong cuộc chiến này. May Sông Hồng sẽ chỉ tập trung cho thế mạnh mà mình đã tạo dựng được, cũng như có kinh nghiệm hiểu biết sâu nhất.

500 triệu USD kim ngạch xuất khẩu không phải là mục tiêu quá xa vời với một doanh nghiệp khát khao và luôn luôn tìm kiếm cơ hội như May Sông Hồng. Đại dương xanh của Công ty còn rất rộng lớn.

Theo đánh giá của Bùi Việt Quang, thị trường còn nhiều cơ hội trong 15 - 20 năm nữa, bởi châu Á được đánh giá là nơi có chính trị ổn định, con người chăm chỉ, khéo léo (điều này đặc biệt quan trọng với ngành dệt may), tính tuân thủ cao, chi phí dễ chịu…

Hiện nay, trong 10 đồng xuất khẩu của Sông Hồng, thị trường Mỹ chiếm tới 8 đồng, song dư địa của thị trường này theo quan điểm của Bùi Việt Quang còn rất lớn, đủ để các doanh nghiệp Việt tiếp tục chiến đấu và tăng trưởng.

“Thị trường luôn luôn có, vấn đề là mình có tìm thấy và tạo ra cơ hội mới không”, anh nhìn nhận. 

Ai “khai thiên, lập địa” đều mong muốn doanh nghiệp mình đã một đời gây dựng sẽ trường tồn. Không có nhiều doanh nghiệp đạt được thành công như Sông Hồng, nhất là lứa doanh nghiệp ra đời ở những năm đầu tiên khi Việt Nam thực hiện công cuộc Đổi mới.

500 triệu USD kim ngạch xuất khẩu không phải là mục tiêu quá xa vời với một doanh nghiệp khát khao và luôn luôn tìm kiếm cơ hội như May Sông Hồng. Đại dương xanh của Công ty còn rất rộng lớn.    

Đến Sông Hồng, dấu ấn của những người tiên phong, những bậc cha chú đã chèo lái doanh nghiệp từ những ngày gian khó như ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty là cực kỳ đậm nét. Quan điểm kinh doanh nhân văn, cách “dụng nhân” và nghệ thuật quản trị doanh nghiệp mà người thuyền trưởng đã dày công kiến tạo ở đây chính là những kinh nghiệm, là gen trội mà thế hệ lãnh đạo thứ hai của Sông Hồng như Tổng giám đốc Bùi Việt Quang luôn mong muốn lĩnh hội và giữ gìn.

“Người xưa vẫn có câu “Ôn cố tri tân”, chúng tôi luôn ghi nhớ và tuyệt đối thống nhất, Sông Hồng sẽ phát triển dựa trên nền tảng. Nền tảng sản xuất, kinh nghiệm kết hợp với công nghệ, tri thức và sức trẻ, sức sáng tạo sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp”, CEO trẻ tâm sự.

Ở bất kỳ doanh nghiệp nào, trong bước chuyển giao thế hệ, đây đó sẽ có những thời điểm, những vấn đề, những cái mới mà thế hệ công thần của doanh nghiệp cảm thấy hụt hẫng, chưa đồng thuận. Nhưng nếu thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp kế cận kiên trì, giải thích và hành động vì mục tiêu cao nhất là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, kinh nghiệm cho thấy những bất đồng sẽ sớm được hóa giải. May Sông Hồng có được sự may mắn ấy. Đó là tầm nhìn xa của thế hệ đi trước, đã ươm mầm, bồi dưỡng, chuẩn bị cho giai đoạn kế thừa.

Bởi vậy, những lãnh đạo cấp cao thế hệ thứ hai của Sông Hồng đều được đào tạo rất cơ bản về nghiệp vụ và ngoại ngữ. Họ còn rất trẻ, sức lực sung mãn, thông minh, tràn đầy sinh lực và nhiệt huyết. Họ được trang bị các kiến thức về công nghệ và các công cụ quản trị nhà máy theo các phương pháp hiện đại. Họ được tự do tung hoành trong một thế giới rộng lớn.

Ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc FPTS, cổ đông lớn đã đồng hành với May Sông Hồng hơn 10 năm nay kể, bỏ vốn vào doanh nghiệp, các nhà đầu tư trước hết “chấm” con người, “chấm” lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp. Về điểm này, May Sông Hồng có lợi thế và chắn chắn Công ty sẽ đạt tới những đỉnh cao mới.       

Anh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục