Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam dựa trên 4 dòng sản phẩm

Để đạt mục tiêu thu hút 10 - 10,5 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2020, việc xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam đang là vấn đề khá cấp thiết. Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Lê Tuấn Anh (ảnh trên), Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) xoay quanh chủ đề này.

Theo ông, Việt Nam đã có thương hiệu du lịch trên thị trường quốc tế hay chưa?

Có thể khẳng định ngay rằng, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, du lịch Việt Nam đã có thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới. Nhưng thương hiệu đó dường như được hình thành một cách tự nhiên, theo đó du lịch Việt Nam được nhận dạng như là “một điểm đến mới, hấp dẫn ở châu Á”, khơi dậy tính tò mò, muốn tìm hiểu, khám phá của du khách quốc tế.

Điều này lý giải tại sao tỷ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam mới chiếm hơn 30%, vì khi điểm đến hấp dẫn chỉ do “mới, lạ”, thì thường khách chỉ đến một lần cho biết, rồi sau đó sẽ tìm đến một điểm du lịch mới, lạ khác.

Do đó, muốn tăng tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Việt Nam, tăng doanh thu từ du lịch, thì ngành du lịch cần chủ động định vị lại thương hiệu.

Một số chuyên gia du lịch nước ngoài khuyến nghị Việt Nam nên chọn slogan “bếp ăn của thế giới” làm thương hiệu du lịch. Quan điểm của ông thế nào?

Cho dù ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới, nhưng không nên vì thế mà chọn ẩm thực làm thế mạnh cho thương hiệu du lịch quốc gia. Mục tiêu quan trọng nhất của du lịch là phải kéo khách đến đất nước mình để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Do vậy, nếu định vị thương hiệu du lịch Việt Nam dựa trên ẩm thực, thì du khách ở mọi nơi trên thế giới có thể không cần đến Việt Nam, mà vẫn có thể thưởng thức các món ngon Việt, cho dù hương vị, khung cảnh không trọn vẹn như thưởng thức tại Việt Nam. 

Một số nước đã thành công với việc quảng bá ẩm thực, thì Việt Nam nên tìm lựa chọn khác để tạo sự khác biệt.

Ngành du lịch đang chủ trương định vị thương hiệu du lịch dựa trên thế mạnh của 4 dòng sản phẩm chủ đạo là du lịch văn hóa, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái và “du lịch thành phố” (city break), một dòng sản phẩm đang được các chuyên gia marketing quốc tế đề xuất.

Với bề dày lịch sử hàng ngàn năm, nền văn hóa phong phú, đa dạng của 54 dân tộc, cùng nhiều danh lam thắng cảnh, bờ biển dài hơn 3.200 km…, 3 dòng sản phẩm đầu tiên trên có lợi thế tạo nên một thương hiệu mạnh của du lịch Việt Nam. Với định hướng này, ẩm thực Việt Nam cũng sẽ có mặt trong dòng sản phẩm chủ đạo du lịch văn hóa.

Riêng với “du lịch thành phố”, tuy còn có nhiều ý kiến chưa thống nhất, nhưng chúng tôi vẫn giữ quan điểm nên chú trọng dòng sản phẩm này, nhằm thu hút những nhà đầu tư vào hạ tầng du lịch tới Việt Nam.

Với kinh phí được xem là khá eo hẹp như hiện nay, ngành du lịch sẽ tính toán thế nào để có đủ nguồn vốn thực hiện bộ nhận diện này?

Trong tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, việc bố trí kinh phí cho hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam đã là cố gắng lớn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, bên cạnh ngân sách nhà nước, những năm qua, còn có sự góp sức của ngân sách địa phương và từ mô hình hợp tác công – tư trong xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam.

Với kinh phí dành cho xúc tiến du lịch hiện nay, Tổng cục Du lịch vẫn chưa thể thiết lập văn phòng đại diện tại những thị trường trọng điểm, mà chỉ có thể tập trung quảng bá thương hiệu ở những thị trường trọng điểm và truyền thống, như ASEAN, Đông Bắc Á, châu Âu…

Việc xây dựng, phát triển, quản lý thương hiệu du lịch Việt Nam là cả một quá trình lâu dài, nhưng trước hết, phải bắt đầu từ định vị thương hiệu du lịch Việt Nam và xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu du lịch Việt Nam. Hiện ngành du lịch sắp hoàn thành bộ nhận dạng thương hiệu du lịch Việt Nam dựa trên logo và slogan “Việt Nam - Timeless Charm” (Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận) cùng với các thương hiệu nhánh, gắn với 4 dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đã nêu trên.

Để tạo đà cho việc quảng bá bộ nhận dạng thương hiệu này, thì công tác quảng bá xây dựng thương hiệu du lịch đang được thực hiện thế nào?

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có kế hoạch cử công chức đảm nhiệm vai trò tùy viên văn hóa tại các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, phụ trách cả công tác xúc tiến du lịch tại nước sở tại. Ở một số thị trường trọng điểm, chúng ta đã có Trung tâm Văn hóa Việt Nam đảm đương các nhiệm vụ này. Hiện có một số cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng sẵn sàng nhận làm đại diện cho du lịch Việt Nam, song cũng cần cân nhắc để lựa chọn mô hình hoạt động phù hợp, đảm bảo tính khách quan, vì lợi ích chung của cả ngành.

Hải Hà thực hiện (baodautu)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục