Định vị thương hiệu cho hàng “Made in Viet Nam” tại EU chưa được quan tâm đúng mức

Quá trình thực thi EVFTA vẫn bộc lộ một số khó khăn cần lưu ý, theo nhận định của Chính phủ.
Giày dép là mặt hàng tiềm năng xuất khẩu vào EU - Ảnh minh họa. Giày dép là mặt hàng tiềm năng xuất khẩu vào EU - Ảnh minh họa.

Đó là một trong những hạn chế được Chính phủ nêu tại báo cáo về việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), vừa được gửi tới Quốc hội.

Hiệp định này chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, tình hình thực thi được báo cáo Quốc hội hằng năm.

Kim ngạch hai chiều giảm

Về kết quả hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ cho biết, thặng dư thương mại của Việt Nam với các nước EU trong năm 2022 đạt 31,4 tỷ USD, tăng 35,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, dù có mức thặng dư thương mại lớn thứ 2, chỉ sau Hoa Kỳ nhưng tỷ trọng thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam còn chưa cao, tương ứng là 12,6% và 4,3%.

Năm 2023, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, quý II/2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 14,78 tỷ USD, tăng 7,4% so với quý I/2023, nhưng giảm 9,7% so với quý II/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU đạt 28,55 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 9% trong tổng kim ngạch của cả nước. Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 14,26 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2023, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – EU trong 6 tháng đầu năm 2023


Quý II/2023 (triệu USD)

Tăng/giảm so với quý I/2023 (%)

Tăng/giảm so với quý II/2022 (%)

6 tháng đầu năm 2023 (triệu USD)

Tăng/giảm so với cùng kỳ năm 2022 (%)

Tỷ trọng kim ngạch của EU/ tổng của cả nước (%)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu

14.784

7,4

-9,7

28.548

-10,0

9,0

Xuất khẩu

10.976

5,2

-11,5

21.404

-10,8

13,0

Nhập khẩu

3.807

14,1

-5,2

7.143

-9,6

4,7

Cán cân thương mại

7.169

1,1

-14,4

14.261

-10,6


Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về kết quả thu hút đầu tư, năm 2022, EU có 146 dự án đầu tư được cấp mới tại Việt Nam, mặc dù có sự giảm nhẹ so với năm 2021 (giảm 12 dự án) tuy nhiên, quy mô vốn lại tăng. Theo đó, vốn đăng ký cấp mới trong năm 2022 đạt 15 tỷ USD (tăng 13 tỷ USD so với năm 2021). Tổng vốn đăng ký cũng đạt 24 tỷ USD (tăng 10 tỷ USD so với năm 2021).

Trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, chỉ có 11/26 nước EU ghi nhận tăng vốn đầu tư, cụ thể là Đan Mạch (tăng 1.307 triệu USD), Pháp (tăng 35 triệu USD), Lúc-xăm-bua (tăng 34 triệu USD) và Thụy Điển (tăng 26 triệu USD). Trong số các nước EU có mức độ sụt giảm vốn đầu tư nhiều nhất phải kể đến Hà Lan (giảm 755 triệu USD), Đức (giảm 27 triệu USD) …

Theo lĩnh vực, 5 nhóm ngành mà EU đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam là công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; thông tin và truyền thông và giáo dục và đào tạo.

Doanh nghiệp FDI vẫn “áp đảo”

Quá trình thực thi EVFTA vẫn bộc lộ một số khó khăn cần lưu ý, theo nhận định của Chính phủ.

Đó là, xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU dù tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng tỷ trọng của các thị trường này còn tương đối khiêm tốn (tỷ lệ này ở nhiều tỉnh chưa đến 10%). Ngoài ra, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng.

Đáng chú ý là các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn của Việt Nam như giày dép, da giày, điện thoại và linh kiện, máy móc thiết bị. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn thực hiện gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm. Việc xây dựng và định vị thương hiệu cho các mặt hàng “Made in Viet Nam” tại thị trường khó tính như thị trường EU chưa được quan tâm…

Hạn chế nữa là số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường EU còn khiêm tốn. Số lượng các doanh nghiệp nhập khẩu nhìn chung thấp hơn số lượng doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng; khả năng đáp ứng, tuân thủ các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu ngày càng nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan; doanh nghiệp thiếu chủ động trong đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để hưởng ưu đãi.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô hoặc theo đơn đặt hàng gia công của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường của EU còn hạn chế, báo cáo nêu.

Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động, theo báo cáo, nghị định quy định về tổ chức đại diện người lao động và thương lượng tập thể chứa đựng nhiều nội dung mới, phức tạp, chưa có tiền lệ đối với hệ thống pháp luật Việt Nam cần tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thảo luận, cho ý kiến trước khi ban hành.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục