Tăng giá là cần thiết
Xét về mặt cơ chế, việc tăng tỷ giá cũng như tăng giá xăng dầu, giá điện là một sự tiến bộ. Đó là việc cần phải làm không thể trì hoãn, bởi càng trì hoãn chúng ta sẽ rơi vào cơ chế bao cấp, bù lỗ. Theo tính toán của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, giá xăng A92 hiện nay là 16.400 đồng/lít, nếu tính đủ chi phí thì nó phải là 19.200 đồng/lít, vậy phải tăng 17,1%. Giá diesel hiện là 14.750 đồng/lít, nếu tính đủ phải là 18.250 đồng/lít, tăng 24,6%. Mức giá này là chưa có thuế nhập khẩu cho ngân sách.
Giá điện cần điều chỉnh tăng, mặc dù việc tăng giá điện ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành thép. Tuy nhiên, có rất nhiều dự án cán thép của nước ngoài tại Việt Nam. Thứ nhất, về nguyên tắc, họ tận dụng việc giá điện Việt Nam đang rẻ so với thế giới. Có những dự án lên tới 8 tỷ USD, dựa trên cơ sở tính toán giá điện thấp, giá dầu diesel thấp. Thứ hai, cán thép ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, trong khi Việt Nam là quốc gia mà vấn đề môi trường đang bị xem nhẹ, không phải trả phí môi trường. Do vậy, câu chuyện tăng giá điện là hoàn toàn đúng.
Bên cạnh đó, việc tăng giá từ đầu năm sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm tính toán các phương án sản xuất - kinh doanh kỹ lưỡng. Các doanh nghiệp sử dụng quá nhiều nhiên liệu và năng lượng trong sản xuất bắt buộc sẽ phải tính toán phương án tiết kiệm, đổi mới công nghệ để hạ giá thành sản phẩm nhằm cạnh tranh được trên thị trường.
Nhìn ra bên ngoài, tại nhiều nước khác, xăng, dầu tăng bao nhiêu thì trong nước cũng tăng giá bấy nhiêu, nhưng họ không bị lạm phát, vì giá sản phẩm không tăng, lãi suất rất thấp. Bởi lẽ, các doanh nghiệp chủ động tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ mới, làm các biện pháp để hấp thụ mức độ tăng giá của thị trường.
Rõ ràng, xét trên các yếu tố vĩ mô, tăng giá điện, xăng dầu là một hành động tích cực, đủ bù đắp được chi phí và có nguồn thu cho ngân sách. Đồng thời, xăng dầu sẽ không bị buôn lậu sang các quốc gia láng giềng. Càng chậm điều chỉnh càng lỗ, mà bù lỗ thì Nhà nước lấy nguồn từ đâu? Tăng giá là một bước tiến bộ về cơ chế. Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia đang đề nghị tăng giá điện 20%, còn xăng dầu thì điều chỉnh lên mặt bằng giá cơ sở.
Những tác động và giải pháp
Theo tính toán của chúng tôi, nếu điều chỉnh xăng lên mức giá cơ sở là 19.200 đồng/lít thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 0,51%. Giá điện nếu điều chỉnh tăng 40% sẽ làm tăng CPI lên 1,6%, còn nếu điều chỉnh tăng 20% sẽ làm tăng CPI lên 0,74%. Cộng cả 3 yếu tố là điều chỉnh xăng dầu lên mặt bằng giá cơ sở, điều chỉnh giá điện tăng 20% và tỷ giá USD/VND tăng 9,3% như vừa qua, sẽ làm CPI tăng lên khoảng 2,3 - 2,4% trong năm 2011. Nhưng lợi thế của điều chỉnh giá lần này là: thứ nhất, ngân sách không phải bù lỗ; thứ hai, khuyến khích tiêu dùng tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng; thứ ba, không làm “chảy máu” bù lỗ của ngân sách ra nước ngoài; thứ tư, ngăn ngừa tình trạng buôn lậu qua biên giới.
Để kiểm soát tốt được nền kinh tế, Chính phủ cần bàn bạc một phương án tổng thể về điều hành ổn định kinh tế vĩ mô 2011, bao gồm cả chính sách tiền tệ, tài khoá, thương mại, cải cách thủ tục hành chính... Biện pháp quan trọng nhất trong năm 2011 là phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, trong đó có tiết kiệm triệt để chi tiêu công, giám sát chặt chẽ và nâng cao hiệu quả của đầu tư công, dành vốn cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần phải thắt chặt hơn. Kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước tăng tín dụng 23%, tăng tổng phương tiện thanh toán dưới 20% trong năm 2011 cần được thực hiện nghiêm, tránh xảy ra như trong năm 2010. Bởi trong năm 2010, Chính phủ nói thắt chặt chính sách tiền tệ, nhưng thực tế, tổng phương tiện thanh toán tăng 28% và tín dụng tăng tới 30%. Tuy có giảm so với các năm trước, nhưng như vậy vẫn chưa gọi là thắt chặt, mà là nới lỏng. Đặc biệt, phần nới lỏng đó dồn hết vào khu vực công, phát hành quá nhiều trái phiếu chính phủ, trái phiếu Ngân hàng Phát triển và trái phiếu của chính quyền địa phương.
Chính phủ và các ngân hàng đang cho vay quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp nhà nước, những dự án khổng lồ, trong khi doanh nghiệp tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn nghiêm trọng dẫn đến sản xuất hàng hoá gặp khó khăn lớn, trong khi khu vực này thu hút lao động là chủ yếu. Do vậy, cần phân bố lại nguồn lực, có thể chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng phân bố nhiều cho khu vực tư, trái phiếu chính phủ không phát hành nhiều, ngân sách cần phải tiết kiệm.
Dự báo TTCK
Nhiều ý kiến lo ngại, nhưng tôi cho rằng, việc tăng giá điện, xăng dầu, tỷ giá có thể ảnh hưởng tích cực đến TTCK, bởi đó là một bước cải cách về cơ chế khiến cho mặt bằng giá theo đúng nguyên tắc thị trường, ngân sách không bị thâm hụt. Khi vốn của nền kinh tế không bị dồn vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu Ngân hàng Phát triển và các loại trái phiếu chính quyền địa phương, thì sẽ có một luồng vốn lớn cho khu vực tư, trong đó có TTCK.
Nhưng nếu tỷ giá vừa điều chỉnh được ổn định bằng các công cụ chính sách tiền tệ thì mới có lợi cho TTCK. Nếu điều hành chính sách tiền tệ không giữ ổn định trong linh hoạt và còn tiếp tục tăng tỷ giá thì điều đó sẽ bất lợi cho TTCK, vì nhà đầu tư sẽ lo ngại, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài bị áp lực tỷ giá sẽ đầu tư ít hơn vào Việt Nam. Nhà đầu tư trong nước sẽ tìm kiếm các nguồn đầu tư khác để giữ giá trị đồng tiền của mình như mua bất động sản, vàng, USD. Do vậy, điều chỉnh tỷ giá lớn như vậy thì phải giữ được ổn định, tuy nhiên ổn định không có nghĩa là cứng nhắc, có thể lên xuống xung quanh mức đó.
Bắt đầu từ quý II trở đi, lãi suất nhiều khả năng sẽ giảm và TTCK vì thế có cơ hội tăng. Khi người ta vay mượn dễ dàng hơn, các doanh nghiệp khu vực tư (trên TTCK chủ yếu là các doanh nghiệp tư) vay mượn dễ dàng hơn, doanh nghiệp sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Khoản vay trực tiếp cho các công ty chứng khoán và các nhà đầu tư cũng rẻ hơn, nên TTCK sẽ có sự khởi sắc. Có thể từ quý II hoặc quý III, TTCK sẽ tốt lên.