Định lượng tiêu chí “giao dịch bất thường”

(ĐTCK) Hiện thị trường hoàn toàn không biết được khi nào thì một giao dịch được Sở GDCK cho là bất thường, khi nào thì không?
Định lượng tiêu chí “giao dịch bất thường”

Lần đầu tiên, một dự thảo thông tư riêng giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK đã được cơ quan quản lý công bố để lấy ý kiến các thành viên thị trường, từ nay đến 24/10/2012. Văn bản này sẽ thay thế Quyết định số 127/2008/QĐ-BTC ngày 31/12/2008 ban hành kèm theo Quy chế giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK.

Sở GDCK sẽ phải xây dựng tiêu chí về giao dịch bất thường

Theo dự thảo này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở GDCK sẽ có trách nhiệm giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý những hành vi giao dịch nội bộ, thao túng thị trường và các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về chứng khoán và TTCK liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán.

Điểm đáng chú ý là quy định, Sở GDCK sẽ xây dựng các tiêu chí cảnh báo bất thường đối với các giao dịch trên thị trường khi có sự thay đổi bất thường về giá, khối lượng và phương thức giao dịch của nhà đầu tư. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định việc xử lý tin đồn chưa có căn cứ để kiểm chứng, các thông tin được phản ánh trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Khi phát hiện các dấu hiệu các giao dịch bất thường thông qua việc giám sát định kỳ, Sở GDCK phải báo cáo UBCK trong vòng 24 giờ và tiến hành kiểm tra bất thường theo ủy quyền hoặc chỉ đạo của UBCK. Việc kiểm tra sẽ được thông báo bằng văn bản tới đối tượng kiểm tra 2 ngày trước khi tiến hành kiểm tra, yêu cầu thành viên giao dịch, các đối tượng liên quan cung cấp giải trình các thông tin liên quan đến giao dịch và kiểm tra tại trụ sở của thành viên giao dịch, tổ chức liên quan đến giao dịch chứng khoán khi cần thiết.

 

Tiêu chí về giao dịch bất thường, có hay chưa có?

Thực tế tại Quyết định số 127/2008/QĐ-BTC, Bộ Tài chính đã có quy định các Sở GDCK phải ban hành Hệ thống tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán bất thường. Tuy nhiên dường như những tiêu chí này chưa rõ ràng hoặc chưa được công khai trong việc giám sát giao dịch năm qua.

Tìm kiếm trên website của hai Sở GDCK, nhà đầu tư không thể tìm thấy những tiêu chí giám sát giao dịch chứng khoán bất thường này. Do đó, thị trường hoàn toàn không biết được khi nào thì một giao dịch được Sở GDCK cho là bất thường, khi nào thì không? Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến việc nhiều giao dịch được các thành viên thị trường cho là bất thường (như diễn biến giá SBS gần đây) và báo chí cũng đã lên tiếng, nhưng các cơ quan quản lý không có hồi đáp nào.

Về việc giám sát, thông tin duy nhất mà nhà đầu tư thỉnh thoảng thấy được là hai Sở GDCK yêu cầu DN có giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liên tiếp mà không theo xu hướng chung của thị trường, hoặc giá cổ phiếu niêm yết tăng trần hoặc giảm sàn từ 10 phiên liên tiếp trở lên phải công bố các sự kiện liên quan có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu. Tuy nhiên, đây lại là quy định bắt buộc đối với các tổ chức niêm yết tại điểm 2.1.6, mục IV, Thông tư 09/2010/TT-BTC, nên DN phải có nghĩa vụ công bố, chứ không hẳn vì yêu cầu giám sát giao dịch bất thường.

Cần công khai định nghĩa giao dịch bất thường

Nếu coi giao dịch bất thường là việc cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn 5 phiên liên tiếp, thì đây là quy định quá cứng nhắc, thậm chí vô nghĩa. Thực tế các cổ phiếu có thể tăng (giảm) hết biên độ trong suốt cả phiên giao dịch, nhưng cuối phiên điều chỉnh nhẹ. Hoặc tăng (giảm) hết biên độ trong 4 phiên liên tiếp, rồi tạm nghỉ và lại tăng tiếp 4 phiên nữa thì vẫn có thể lách quy định này.

Điều quan trọng hơn là hai Sở GDCK nên công bố công khai những tiêu chí giám sát giao dịch bất thường để cả thị trường cùng giám sát, như vậy hiệu quả giám sát sẽ cao hơn. Các tiêu chí giám sát cũng cần linh hoạt hơn, ví dụ thay vì giám sát cổ phiếu liên tục tăng (giảm) hết biên độ, thì có thể giám sát việc thay đổi giá cổ phiếu từ 10-20% trong vòng 1 tuần phải báo cáo. Các giám sát bất thường cũng nên tập trung vào sự đột biến về khối lượng giao dịch so với các phiên trước, ví dụ tăng trên 50% so với khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên liên tiếp. Sở GDCK cũng có thể giám sát đối chiếu các lệnh đặt mua/bán với quy mô lớn tăng đột biến trong những phiên giá cổ phiếu có biến động mạnh.

Ngoài ra, Sở GDCK cần nỗ lực ngăn ngừa được hành vi giao dịch “chui” của các cổ đông nội bộ trên cơ sở có đầy đủ thông tin về số tài khoản của những người này. Nếu lỡ để lọt các giao dịch chui này thì cần công bố cảnh báo vi phạm ngay sau phiên giao dịch. Như vậy, thị trường sẽ trở nên minh bạch hơn.

Việc yêu cầu các tổ chức niêm yết báo cáo giải trình cũng nên được làm chặt chẽ hơn. Thay vì những giải trình vô nghĩa như công ty không biết gì, vẫn làm ăn tốt, giá biến động theo thị trường… thì cần buộc DN công bố kết quả kinh doanh đến tháng gần nhất, các thay đổi về nhân sự, hợp đồng dự án, ghi nhận doanh thu bất thường…. Như vậy, Sở GDCK sẽ có căn cứ tốt hơn trong việc giám sát hành vi giao dịch nội gián.

Một công cụ nữa cần có là đường dây nóng tại Sở. Từ đây, nhà đầu tư có thể phản ánh để Sở trả lời công khai những vấn đề bất thường mà thị trường nêu ra, thay vì cứ giám sát giao dịch một cách âm thầm, việc Sở, Sở làm, việc nhà đầu tư thắc mắc, cứ thắc mắc.

Nguyễn Quang
Nguyễn Quang

Tin cùng chuyên mục