Định hình không gian phát triển Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00

Một trong những điểm mấu chốt trong xây dựng quy hoạch cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phải định hướng được tổ chức không gian và phát triển kết cấu hạ tầng của vùng.

Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ). Ảnh: Lê Hoàng Vũ Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ). Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Phác thảo không gian phát triển cho ĐBSCL

Những phác thảo ban đầu về không gian phát triển của ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được hình thành. Theo Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ, đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch Tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, thì các đề xuất về không gian phát triển mới sẽ giải quyết được các hạn chế, bất cập của việc định hướng không gian phát triển hiện nay.

Đó là nhìn nhận ĐBSCL như một vùng biệt lập, phát triển trong mô hình khép kín, với Cần Thơ là trung tâm và đánh giá thấp ảnh hưởng của TP.HCM. “Điều này là thiếu tính thực tiễn. Hơn nữa, trục động lực quốc tế quá xa về phía Nam, kết nối với phần tương ứng bên phía Campuchia là khu vực không phát triển về kinh tế. Vẫn còn những mâu thuẫn về tầm nhìn phát triển và không thống nhất được với các ngành khác. Hệ thống đô thị cũng mới chỉ rõ về mặt phát triển sinh thái, chứ chưa có định hướng rõ ràng về chiến lược phát triển kinh tế cho ĐBSCL”, đại diện Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ bày tỏ quan điểm.

Vì thế, trong quy hoạch lần này, không gian phát triển cho vùng ĐBSCL được hoạch định rõ ràng và cụ thể, cho các cụm ngành kinh tế nông nghiệp, cho vùng đô thị và công nghiệp tập trung, cho bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái, cũng như cho không gian phát triển văn hóa - xã hội.

Thậm chí, trong Khung định hướng phát triển ĐBSCL, việc phân vùng không gian cho từng khu vực còn được chia nhỏ hơn nữa. Chẳng hạn, với cụm ngành kinh tế nông nghiệp, sẽ phân định rõ từng phân vùng sinh thái nông nghiệp dựa theo độ mặn của nước, theo thổ nhưỡng, nước… “Phân vùng sinh thái là bước quan trọng đầu tiên trong tiến trình định hướng chuyển đổi cơ cấu của ngành nông nghiệp”, ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.

Dựa trên phân vùng này, chức năng, nhiệm vụ của từng địa phương trong vùng ĐBSCL cũng được hoạch định cụ thể hơn. Chẳng hạn, Cần Thơ sẽ “chịu trách nhiệm” tổng hợp quản lý hành chính, thương mại, đào tạo, nghiên cứu - phát triển và chuyển giao công nghệ và các sản phẩm cao cấp; Bến Tre thì sẽ tập trung phát triển các sản phẩm trái cây và rau màu, trong khi Đồng Tháp là trái cây, hoa, rau, cây cảnh và thủy sản nước ngọt…

Ủng hộ việc Quy hoạch đưa ra việc phân vùng như vậy, song ông Đặng Kim Sơn (Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp) cho rằng, cần có những phân tích để xác định khoảng cách giữa thực trạng sản xuất và tiềm năng, từ đó đưa ra giải pháp.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này, chúng ta có thể đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho ĐBSCL, tạo điều kiện cho toàn vùng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Trong khi đó, liên quan không gian phát triển cho vùng đô thị và công nghiệp tập trung, theo đề xuất của Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ, cần phát triển vành đai đô thị hình trăng lưỡi liềm, kết nối giữa Cửa khẩu Châu Đốc và TP.HCM. Đây chính là cấu trúc lớn cơ bản của vùng.

“Trong vành đai này, sẽ phát triển những chuỗi đô thị và chuỗi sản xuất, cung ứng tổng hợp cho toàn vùng về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trên cơ sở liên kết phát triển kinh tế giữa vùng ĐBSCL với vùng TP.HCM và vùng Đông Nam bộ, cũng như liên kết với các khu vực quốc tế”, Liên danh tư vấn cho biết.

Như vậy là khá rõ ràng, mặc dù TP. Cần Thơ vẫn tiếp tục được xác định là trung tâm của vùng, song thay vì cố gắng “chống lại sức hút” của vùng TP.HCM như trước đây, thì sẽ liên kết phát triển chặt chẽ với khu vực này và vùng Đông Nam bộ và kết nối quốc tế.

Các lĩnh vực kinh tế cụ thể, thì ngoài nông nghiệp, mà tới đây toàn vùng sẽ tập trung tái cấu trúc theo hướng giảm diện tích và nâng cao hiệu quả trồng lúa, đồng thời tăng diện tích và nâng cao hiệu quả canh tác, chế biến rau, hoa, màu, trái cây; cần thúc đẩy ngành chăn nuôi, tái cơ cấu ngành thủy sản…

Chuẩn bị nguồn lực để tăng tốc và bứt phá

Không chỉ hoạch định không gian phát triển, vấn đề mấu chốt để ĐBSCL phát triển chính là phải hoạch định và phát triển được kết cấu hạ tầng thiết yếu. “Kết cấu hạ tầng chính là một trong những điều kiện quan trọng nhất của việc hoạch định phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vùng lãnh thổ và địa phương. Có một hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thì nền kinh tế mới có điều kiện để tăng trưởng nhanh, ổn định và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nói.

Ý kiến trên đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo các tỉnh vùng ĐBSCL. Thậm chí, lãnh đạo tỉnh An Giang nhấn mạnh rằng, ông đồng ý với 5 quan điểm phát triển ĐBSCL mà Khung định hướng đưa ra, song “vấn đề cần thiết ưu tiên” hiện nay là tập trung vào phát triển hạ tầng.

Điều đó cũng lý giải vì sao trong các đề xuất gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng Quy hoạch ĐBSCL, tất cả các tỉnh trong vùng đều kiến nghị đầu tư các dự án trọng điểm.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Trọng Thắng, trên cơ sở định hướng tổ chức không gian phát triển của các ngành, phương hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật cần được tổ chức tập trung nhằm đảm bảo tính khả thi và tối ưu hiệu quả đầu tư. Trong đó, hạ tầng giao thông kết nối được đánh giá là đóng vai trò then chốt và là động lực phát triển quan trọng của vùng ĐBSCL. Do vậy, trong định hướng sắp tới, sẽ ưu tiên phát triển các dự án có tính chất kết nối vùng, như các tuyến cao tốc kết nối Đông - Tây, cao tốc kết nối Cần Thơ - TP.HCM…

“Cần ưu tiên nguồn lực và quyết tâm sớm hoàn thành các tuyến đường bộ quan trọng kết nối các địa phương trong vùng ĐBSCL”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh điều này.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện có thể huy động 3 nguồn lực cho phát triển của ĐBSCL.

Nguồn lực thứ nhất là ngân sách Trung ương, trong đó Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tính toán hoàn thành các tuyến quốc lộ, đặc biệt là đường cao tốc Cà Mau - Bạc Liêu và Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2025.

Ngoài ra, ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng, dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh có tính liên vùng để có điều kiện phát triển trong thời gian tới…

Nguồn lực thứ hai là từ địa phương để thực hiện các dự án hạ tầng.

Nguồn lực thứ ba là từ khu vực ngoài nhà nước, thông qua phương thức đầu tư hợp tác công - tư.

“Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này, chúng ta có thể đầu tư hoàn thiện hạ tầng cho ĐBSCL, tạo điều kiện cho toàn vùng phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục