Định hình cuộc chơi mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Môi trường, xã hội và quản trị (ESG), tiền điện tử (crypto) và các yếu tố liên quan đến công nghệ được cho là xu hướng mà các quỹ đầu tư trên toàn cầu, bao gồm cả quỹ chủ động và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đều quan tâm.
Các quỹ liên quan đến phát triển bền vững ghi nhận lợi nhuận cao hơn các quỹ truyền thống Các quỹ liên quan đến phát triển bền vững ghi nhận lợi nhuận cao hơn các quỹ truyền thống

ESG, đầu tư xanh và khử carbon trở thành chiến lược đầu tư quan trọng

Theo báo cáo của Morningstar, có gần 70% chủ sở hữu tài sản tin rằng, các yếu tố ESG trở nên quan trọng hơn trong 5 năm qua.

Năm 2021, tổng tài sản quản lý của các quỹ ESG tại Mỹ là 4.500 tỷ USD, dự kiến đến năm 2026 sẽ tăng lên 10.500 tỷ USD.

PwC dự đoán, đến năm 2026, giá trị tài sản của các quỹ ESG sẽ chiếm khoảng 20% tổng tài sản của các quỹ đầu tư.

Báo cáo của Morgan Stanley cho biết, nửa đầu năm 2023, các quỹ về ESG hay các quỹ liên quan đến phát triển bền vững có mức lợi nhuận trung bình là 7%, gấp 1,8 lần mức 3,8% của các quỹ truyền thống.

Trong bối cảnh lợi nhuận từ đầu tư toàn cầu ở mức thấp do bất ổn kinh tế, Quỹ đầu tư Toàn cầu (World Fund) lần đầu tiên gây quỹ đã huy động thành công số vốn lên đến 300 triệu Euro (hơn 8.000 tỷ đồng) để đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Sự gia tăng lo ngại về môi trường và biến đổi khí hậu đã thúc đẩy nhiều công ty tài chính đầu tư mạnh mẽ vào các dự án liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Cũng bởi vậy, trong đợt gọi vốn của World Fund có sự góp mặt của các nhà đầu tư tài chính lớn như Quỹ đầu tư châu Âu, Ngân hàng BPI France của Pháp, Công ty đầu tư KfW Capital, Quỹ hưu trí môi trường của Anh.

Song song đó, thế giới đang chạy đua để đạt được các mục tiêu bền vững trong Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015. Việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sẽ đòi hỏi một lượng lớn vốn đầu tư và sự tiến bộ công nghệ vượt bậc. Chìa khóa để đạt được điều đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng quy mô lớn và đại tu các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon.

Nghiên cứu của Morgan Stanley kỳ vọng, thị trường giao dịch tín chỉ carbon sẽ tăng từ 2 tỷ USD vào năm 2020 lên 250 tỷ USD vào năm 2050, khi nhiều công ty và quốc gia tìm cách đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Công nghệ và trí tuệ nhân tạo tiếp tục thống trị

Theo tài liệu nghiên cứu từ Morgan Stanley “Three Investing Trends for 2024 and Beyond”, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động đáng kể đến quá trình đưa ra quyết định trong lĩnh vực đầu tư tài chính và giao dịch chứng khoán.

JPMorgan Chase đang phát triển Index GPT, một nền tảng AI tổng quát có thể chọn các khoản đầu tư phù hợp với nhu cầu của người dùng. Công ty đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho nền tảng này.

Các chuyên gia dự đoán, tổng tài sản quản lý trong thị trường AI sẽ vượt 1,8 tỷ USD vào năm 2024. Con số đó dự kiến sẽ tiếp tục tăng với tỷ lệ tăng trưởng kép gần 8% cho đến năm 2027, đạt 2,27 tỷ USD.

Lĩnh vực công nghệ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quỹ đạo của các quỹ cổ phần toàn cầu năm 2024. Hiệu suất xuất sắc của lĩnh vực này như đã thấy trong năm trước có thể được duy trì, nhờ sự đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số trong các ngành.

Các công ty như Meta và Alphabet đã mang lại lợi nhuận ấn tượng, 31,3% trong năm 2023, vượt xa mức lợi nhuận 22,8% của chỉ số MSCI ACWI.

Sự thống trị liên tục này nhấn mạnh vai trò quan trọng của lĩnh vực công nghệ trong nền kinh tế toàn cầu, mang đến cho các nhà đầu tư những cơ hội sinh lời cao. Khi quá trình số hóa tăng tốc, lĩnh vực công nghệ vẫn là ngọn hải đăng cho các nhà đầu tư đang tìm cách tận dụng các xu hướng biến đổi đang định hình tương lai.

Các quỹ ETF hướng tới dịch vụ công nghệ và truyền thông được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024.

Năm 2023, những ETF trong tốp ghi nhận hiệu suất cao (tính đến ngày 18/12/2023) chủ yếu đầu tư vào các ngành công nghệ và định hướng tăng trưởng như công nghệ tài chính (fintech), tiền điện tử, vũ trụ ảo (metaverse), chất bán dẫn và phần mềm. Những ngành này có khả năng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm năm 2024, mặc dù có thể đi kèm với sự biến động cao.

Ngành chăm sóc sức khỏe duy trì “phong độ” hút vốn

Tổng tài sản quản lý của các quỹ ESG tại Mỹ đến năm 2026 có thể tăng lên 10.500 tỷ USD, gấp 2,3 lần mức 4.500 tỷ USD năm 2021.

Sống thọ hơn từ lâu đã là mục tiêu của con người, những tiến bộ gần đây trong y học và công nghệ đang giúp điều này trở thành một chủ đề đầu tư vững chắc.

Năm 2023, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có năm đầu tiên tăng trưởng thu nhập âm, do chi tiêu liên quan đến dịch Covid-19 (điều khiến lợi nhuận năm 2021 và 2022 tăng đột biến) đã kết thúc.

Tuy nhiên, năm 2024, ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là tiểu ngành dược phẩm sinh học có các dấu hiệu tích cực, đánh dấu thời điểm quan trọng đối với các quỹ đầu tư toàn cầu đầu tư vào ngành này. Những đổi mới như AI, y tế từ xa và các thiết bị theo dõi đang cách mạng hóa các phương pháp điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Dược phẩm và công nghệ sinh học, với ngân sách nghiên cứu và phát triển tăng đáng kể, đang đi đầu trong quá trình chuyển đổi này, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng. Sự hồi sinh không chỉ là sự phục hồi, mà còn là sự tái định nghĩa, mang đến cho các nhà đầu tư chiến lược một con đường đầy hứa hẹn để thu được lợi nhuận cao.

Morgan Stanley ước tính, các phương pháp điều trị béo phì mới (giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ, góp phần đưa ra các lựa chọn sống lành mạnh hơn) sẽ trở thành mang lại doanh số tới 77 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Trong khi đó, một phương pháp mang tính cách mạng trong điều trị ung thư (sử dụng phương pháp tiêu diệt các tế bào bị bệnh trong khi vẫn giữ lại các mô khỏe mạnh) hứa hẹn sẽ cách mạng hóa việc điều trị, có thể giúp biến cái gọi là hóa trị thông minh trở thành thị trường toàn cầu trị giá 140 tỷ USD trong 15 năm tới, tăng từ khoảng 5 tỷ USD năm 2022. Thêm vào đó là tiềm năng AI sẽ tăng tốc chu kỳ đổi mới công nghệ sinh học và dược phẩm, có thể dẫn đến 50 liệu pháp mới trong khoảng thời gian 10 năm, mang lại cơ hội trị giá hơn 50 tỷ USD.

Bởi vậy, y tế, chăm sóc sức khoẻ luôn nằm trong danh mục ưa thích đầu tư của các thương vụ M&A với các quỹ đầu tư, gồm cả quỹ đầu tư tư nhân.

Chuyển động đáng chú ý trong lĩnh vực tiền điện tử

Đầu năm 2024, bước ngoặt của ngành công nghiệp tiền điện tử là Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phê duyệt 11 hồ sơ xin mở quỹ ETF Bitcoin giao ngay, bao gồm hồ sơ từ các công ty quản lý tài sản lớn như BlackRock, Ark Investments/21Shares, Fidelity, Invesco và VanEck. Quyết định này đã tạo cú huých đẩy giá Bitcoin lập đỉnh giá mới trên 70.000 USD trong tháng 3/2024.

Ý tưởng về quỹ ETF Bitcoin giao ngay đã mất cả 1 thập kỷ cho tới khi trở thành hiện thực và được kỳ vọng sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với Bitcoin, vì mang lại cơ hội đầu tư gián tiếp cho các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.

Thị trường tiền điện tử có thể ví như một trò chơi mạo hiểm đối với các nhà đầu tư trong những năm gần đây. Mặc dù vậy, một số nhà phân tích đang có những dự báo lạc quan về thị trường này. Đơn cử, Standard Chartered dự đoán, giá Bitcoin có thể đạt 100.000 USD vào cuối năm 2024, chủ yếu nhờ sự kiện “halving” (giảm một nửa phần thưởng khối dành cho các thợ đào Bitcoin nhằm duy trì sự khan hiếm của Bitcoin) dự kiến diễn ra ngày 19/4 tới, cũng như việc SEC phê duyệt quỹ ETF Bitcoin.

Bảo Hân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục