Định hình chương trình phục hồi, phát triển kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
Một chương trình tổng thể đang được xây dựng nhằm phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, từ đó tạo nền tảng để tăng tốc phát triển trong những năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Gặp nhiều khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh Gặp nhiều khó khăn do Covid-19, doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ để nhanh chóng phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh

Không để “lỡ nhịp” phục hồi kinh tế

Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 đang dần được định hình. Đó sẽ là một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn, phù hợp với năng lực nội tại và các đặc điểm của nền kinh tế để hỗ trợ nền kinh tế, đồng thời bảo đảm ổn định ngân sách, tài chính quốc gia, như lời của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Không quá khó hiểu vì sao chương trình này đang gấp rút được xây dựng để trình Chính phủ thông qua. Hơn một lần, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về nguy cơ “lỡ nhịp”, đi sau sự phục hồi kinh tế toàn cầu của kinh tế Việt Nam và tại Hội nghị tham vấn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào cuối tuần qua, điều này đã một lần nữa được nhấn mạnh.

Với tăng trưởng GDP quý III/2021 âm 6,17%, và 9 tháng là 1,42%, gần như chắc chắn, Việt Nam sẽ có năm thứ hai liên tiếp không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Nhưng vấn đề không chỉ là năm 2021, mà còn là nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng của giai đoạn 2021 - 2025, cũng như các mục tiêu dài hơi hơn vào năm 2030.

“Chúng ta cần một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, để không “lỡ nhịp” khi bước vào trạng thái bình thường mới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói. Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, song những chính sách này mới chỉ nhằm giải quyết khó khăn trong ngắn hạn, chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế.

Trong khi đó, chúng ta lại thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ, với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc.

“Một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là rất cấp thiết để có được những chính sách đúng đắn, tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Và giờ đây, những phác thảo ban đầu của Chương trình đã có. Theo đó, có 8 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Trước tiên, là kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.

“Đây là nhóm nhiệm vụ giải pháp quan trọng, cấp bách ngay từ đầu năm 2022 nhằm ‘thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19’, tạo nền tảng cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế bền vững”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và lý giải, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19 là yếu tố tiên quyết, không thể thiếu để phục hồi kinh tế.

Trong khi đó, nhóm giải pháp thứ hai tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát.

Các nhóm giải pháp tiếp theo là tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước; phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng, tài chính, sản xuất, phát triển chuỗi cung ứng…

Cùng với đó, là phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước; phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

“Thời gian thực hiện Chương trình cần đủ dài để có thể xây dựng và triển khai các giải pháp tạo cơ sở phục hồi mạnh mẽ, vững chắc cho doanh nghiệp, nền kinh tế, góp phần phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân cả giai đoạn 2021 - 2025 là 6,5 - 7%/năm”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đảm bảo lưu thông hàng hóa và dòng luân chuyển lao động là yếu tố quan trọng giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Đảm bảo lưu thông hàng hóa và dòng luân chuyển lao động là yếu tố quan trọng giúp phục hồi sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn

Mấu chốt là cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế

Đồng tình với các đề xuất ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, song chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, đây là một chương trình lớn, mang tính tổng thể, do vậy, nên chăng phải thiết kế theo chương trình, chứ không phải chỉ là nhóm giải pháp, bởi như thế là quá “bình thường”.

“Chương trình đầu tiên nên là đẩy nhanh tiêm chủng gắn với phục hồi kinh tế”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói và đề xuất các chương trình khác cần tập trung thực hiện, như chương trình phục hồi doanh nghiệp và tái cơ cấu nền kinh tế; chương trình phục hồi du lịch; chương trình khơi thông nguồn lực để phát triển, bao gồm cả thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ODA, tái cơ cấu đầu tư công, tập trung phát triển hạ tầng; chương trình cải cách thể chế, nâng cao năng lực của bộ máy chính quyền cơ sở…

“Đi kèm với các chương trình quan trọng này, phải có chương trình quản lý rủi ro”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói, đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, cần có các quyết sách lớn, các biện pháp đột phá, chấp nhận tăng bội chi để sớm phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 - 2023, sau đó tăng tốc phát triển trong 2 năm còn lại của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Trong khi đó, tư vấn cho Việt Nam, các chuyên gia của Tập đoàn tư vấn BCG (Boston Consulting Group) cho rằng, Việt Nam nên thiết kế một chương trình tổng thể bao gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu là bảo vệ người dân, phòng chống dịch; giai đoạn hai là phục hồi; giai đoạn ba là tận dụng thời cơ để chuyển đổi và phát triển nền kinh tế.

“Sau mỗi đợt dịch, câu hỏi được đặt ra luôn là nền kinh tế khi nào thì phục hồi và bật lên. Điều này phụ thuộc vào tiến độ chuyển đổi nền kinh tế”, đại diện BCG nói và đề xuất 6 nhóm giải pháp để kinh tế Việt Nam sớm phục hồi.

Đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, bởi đây tiếp tục là động năng cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam; thúc đẩy đầu tư hạ tầng; đẩy nhanh chương trình chuyển đổi số; tái cấu trúc, hiện đại hóa doanh nghiệp nhà nước; hỗ trợ khu vực tư nhân quốc tế hóa; huy động nguồn lực, đặc biệt từ thị trường vốn quốc tế, để tận dụng thời cơ phát triển trong thời gian tới.

“Đó là những giải pháp quan trọng và có những nền kinh tế đã thực hiện thành công. Tuy vậy, Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng và có lộ trình cụ thể, cũng như có sự thống nhất trong định hướng thực hiện các biện pháp phục hồi và phát triển kinh tế”, đại diện BCG nói.

Trong khi đó, ông Jacquest Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin - điều kiện quan trọng nhất cho phục hồi kinh tế, cũng như thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương, thì Việt Nam cần “lấp đầy” các khoảng trống về thể chế.

“Đây là chìa khóa rất quan trọng. Phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Jacquest Morisset nói.

Có chung quan điểm, ông Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho rằng, trong lúc nền kinh tế chưa kịp tăng trưởng nhanh trở lại, thì phải tranh thủ thời cơ thực hiện tái cơ cấu kinh tế, để có được mô hình tăng trưởng mới, tạo nền tảng cho sự bật tăng của nền kinh tế khi khó khăn đi qua.

Mạnh tay “chi” để tạo nền tảng phục hồi

Có một câu hỏi luôn được đặt ra là nguồn lực đâu để thực hiện các chương trình hồi phục nền kinh tế?

Thực tế, thời gian qua, Việt Nam cũng đã áp dụng nhiều gói chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ thuế phí… vào khoảng 6,7 tỷ USD. Nếu tính cả các khoản hỗ trợ qua các kênh khác như Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, các khoản miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí, thì quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (11,4% GDP), Malaysia (5,3% GDP), thì mức hỗ trợ này vẫn thấp.

Thêm nữa, theo quan điểm của chuyên gia Cấn Văn Lực, điểm khác biệt của các gói hỗ trợ của Việt Nam và các nước là họ có những gói hỗ trợ cả trong ngắn hạn và dài hạn, trong khi Việt Nam chỉ có gói ngắn hạn. Họ triển khai nhanh gọn, trong khi Việt Nam triển khai chậm.

“Các nước đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công để hỗ trợ nền kinh tế. Chúng ta cũng nới lỏng, chấp nhận các tỷ lệ này cao hơn, sau đó, khi kinh tế phục hồi thì sẽ có lộ trình củng cố tài khóa, củng cố kinh tế vĩ mô”, ông Lực nói.

Một cách thẳng thắn, khi đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, muốn phục hồi kinh tế thì phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao hơn, mạnh tay chi nhiều hơn trước đây.

Theo ông Cung, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa chính sách để phát triển, hồi phục kinh tế, nhưng ta lại đang trói ta bằng chính các quy định về tỷ lệ nợ công, tỷ lệ bội chi ngân sách. “Không thể cứ tự trói ta ở tỷ lệ bội chi 3 - 4% như hiện nay nữa, mà phải chi tiêu nhiều hơn, mạnh tay hơn trong giai đoạn này”, ông Cung nhấn mạnh.

Trong khi Chính phủ chưa thể sớm công bố một gói hỗ trợ nhiều tỷ USD để thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế, các đề xuất từ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp đều cho rằng, để sớm phục hồi nền kinh tế, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tiêm phòng vắc-xin, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ hiện hữu, đồng thời công bố một cách thống nhất quy trình chống dịch, cũng như lộ trình mở cửa nền kinh tế.

“Điều này để đảm bảo các doanh nghiệp có thể lên kế hoạch phục hồi sản xuất - kinh doanh”, đại diện của AmCham nói và một lần nữa bày tỏ nỗi lo về việc mỗi địa phương áp dụng một biện pháp chống dịch khác nhau, không nhất quán.

“Để phục hồi sản xuất, phải đảm bảo lưu thông hàng hóa và dòng luân chuyển lao động”, vị đại diện này nói.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục