Định hình bức tranh kinh tế Việt Nam

(ĐTCK) Sự phân chia đa cực rõ ràng hơn mang đến những bài toán mới cho các quốc gia, cũng như doanh nghiệp nhằm xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới trong bối cảnh phải định vị lại bản thân trên thị trường toàn cầu.
Ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và công nghệ cao nói chung đang thiếu hụt trầm trọng nhân sự chất lượng cao. Ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và công nghệ cao nói chung đang thiếu hụt trầm trọng nhân sự chất lượng cao.

Xu hướng chuyển dịch

Năm 2024 chứng kiến những thay đổi lớn trên bình diện vĩ mô trong khu vực và toàn cầu. Những diễn biến về địa chính trị, ảnh hưởng của chiến tranh, sự thay đổi ở các vị trí lãnh đạo tại 70 quốc gia trong năm “siêu bầu cử”, đặc biệt ở Mỹ, trở thành lực đẩy khiến thế giới xoay trục.

Bên cạnh đó, xu thế tiêu dùng tập trung vào các sản phẩm công nghệ, sử dụng công nghệ để mua sắm, hay tập trung tiêu dùng vào các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm với chất lượng tốt hơn cũng là những điểm đáng chú ý.

Trong đó, công nghệ là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn nhất trong những năm vừa qua, với chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) là động lực chính của ngành trên hành trình hướng đến cột mốc doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Theo dự báo của Deloitte, ngành công nghiệp bán dẫn chạm mốc doanh thu 588 tỷ USD trong năm 2024, với 8,5% doanh thu đến từ chip GenAI.

Trong thời gian qua, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đã ghi nhận sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn.

Theo Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn, hiện Việt Nam đã thu hút khoảng 174 dự án FDI trong ngành với tổng vốn đăng ký khoảng 11,6 tỷ USD.

Gần nhất, lễ ký kết với NVIDIA tiếp tục đặt dấu ấn nổi bật, hứa hẹn sẽ định hình một hệ sinh thái bán dẫn phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Năm 2024, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam ước đạt 18,23 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA), một con chip thường trải qua ba khâu sản xuất chính: thiết kế, sản xuất và đóng gói. Trong đó, khâu thiết kế tạo ra khoảng 53% tổng giá trị, khâu chế tạo chiếm 24% và đóng gói chiếm 6%.

Hiện nay, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đảm nhiệm chính hạng mục thiết kế; Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản phụ trách chính phân mục sản xuất và công đoạn lắp ráp; kiểm thử được thực hiện tại Đài Loan, Trung Quốc đại lục.

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu về vi mạch điện tử, tập trung ở những hoạt động lắp ráp, kiểm thử và đóng gói, đem lại giá trị gia tăng thấp. Với việc chuỗi giá trị của ngành bán dẫn đã vượt mốc 1.000 tỷ USD, Việt Nam có tiềm năng và chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội để mở rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị này trong tương lai.

Tham gia vào các công đoạn cuối của quy trình, Việt Nam được biết đến là trạm phục vụ cho các tập đoàn lớn như Intel, Samsung và Hana Micron. Theo số liệu năm 2023, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu bán dẫn lớn thứ ba của Mỹ với giá trị lên đến 562 triệu USD, chỉ đứng sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).

Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đã phần nào định hướng rõ ràng kế hoạch đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng đầu về bán dẫn.

Xác định có ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn đến năm 2050, Chính phủ kỳ vọng khai thác đồng thời thế mạnh sẵn có, cũng như xây dựng nền tảng để đưa đất nước lên một vị thế mới, có thể làm chủ nghiên cứu và chủ động phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.

Động thái này thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài khi lựa chọn đầu tư vào Việt Nam, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp lớn trong nước tham gia sâu hơn vào bước thiết kế, xa hơn là tự chủ sản xuất và đóng gói trong tương lai.

Có lợi thế về trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai thế giới, Việt Nam hiện sở hữu môi trường kinh doanh thuận lợi với chính trị ổn định, mức ưu đãi thu hút so với các quốc gia trong khu vực, chi phí nhân công hấp dẫn với khả năng sử dụng tiếng Anh, có trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin.

Các yếu tố này mang lại một số lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, phần nào định hình bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyển động chính sách tích cực

Trong những năm qua, Việt Nam có nhiều nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, trong đó các ngành công nghiệp công nghệ cao được xem là yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển bền vững và gia tăng sức cạnh tranh toàn cầu.

Theo chỉ đạo tại Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội ban hành ngày 29/11/2023 và tham khảo kinh nghiệm từ các nước tiên tiến, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP về Quỹ Hỗ trợ đầu tư (Nghị định 182).

Nghị định 182 không chỉ cải cách chính sách ưu đãi đầu tư, mà còn giúp Việt Nam củng cố và tăng cường vị thế cạnh tranh trong cuộc đua thu hút các ngành công nghệ cao.

Chính sách này sẽ tạo ra một cú hích quan trọng, giúp doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao có thể tiếp cận các nguồn lực tài chính cần thiết để phát triển, tập trung vào đầu tư thực chất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và công nghệ.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.

Bà Trần Thị Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.

Ngoài ra, chính sách này được áp dụng một cách bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, không phân biệt quốc gia đầu tư. Điều này tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, đảm bảo các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước đều có cơ hội tham gia và áp dụng các hỗ trợ, qua đó đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo Deloitte Việt Nam, nghị định này là động thái kịp thời để góp phần gia tăng vị thế cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam ở các ngành công nghiệp chiến lược mũi nhọn. Cơ hội việc làm, trình độ công nghệ đồng thời được hưởng lợi, góp phần đổi mới, gia tăng tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam từ ngành công nghiệp truyền thống sang ngành công nghiệp cao có giá trị gia tăng lớn.

Ngoài ra, trong Phiên họp thứ 41, Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với nội dung đáng chú ý về ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn. Dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), Luật sẽ tạo nên một hành lang pháp lý quan trọng nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành trong thời gian tới.

Những chuyển động về chính sách này cho thấy sự khẩn trương, quyết tâm chính trị cao của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Thích ứng để nắm bắt cơ hội

Được đánh giá là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, doanh thu ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đã tăng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến năm 2021. Để nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội trong tương lai, Việt Nam đã lên kế hoạch và đã triển khai nhiều nội dung cốt lõi, như hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng cho ngành.

Deloitte khuyến nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo dõi sát sao những chuyển động, diễn biến trong nước, đặc biệt về mặt pháp lý, đồng thời tham khảo kinh nghiệm, ý kiến của các đơn vị tư vấn nhằm có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất trong việc sẵn sàng nắm bắt, tận dụng cơ hội.

Hiện tại, Việt Nam đang cam kết với OCED nhằm thực hiện những yêu cầu của trụ cột 2, bên cạnh phát triển nhiều chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư mới.

Bên cạnh đó, công tác rà soát, đánh giá các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn để giảm thiểu công tác hành chính, hay đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ đang được thực hiện khẩn trương là những điểm đáng lưu tâm, với mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, năng suất lao động cho cơ quan nhà nước.

Một trong những vấn đề trọng tâm của ngành công nghiệp bán dẫn nói riêng và công nghệ cao nói chung là sự thiếu hụt về nhân sự chất lượng cao. Theo báo cáo của Deloitte, trên toàn cầu, hơn 1 triệu nhân sự tay nghề cao sẽ cần được bổ sung nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành đến năm 2030.

Tại Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn, chênh lệch nhiều so với nhu cầu 50.000 kỹ sư vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu dự kiến, trong đó bao gồm 15.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn.

Cũng theo báo cáo của Deloitte, bức tranh nhân sự trong ngành công nghiệp bán dẫn đã thay đổi rất nhiều so với 2 - 3 năm trước, khi số lượng, chất lượng nhân sự và kỹ năng cần được hỗ trợ, đầu tư thay đổi nhanh chóng trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đứng trước thực tế này, doanh nghiệp cần đánh giá lại chiến lược thu hút nhân tài, tận dụng tối đa mối quan hệ với các đối tác, cơ sở giáo dục, đào tạo.

Trên hết, tổ chức phải xác định được khả năng hiện tại và mục tiêu tương lai, từ đó có một kế hoạch nhân sự phù hợp nhằm phát triển và tạo dựng lợi thế bền vững trong ngành nghề.

Trần Thị Thúy Ngọc
Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục