Đó là nhận xét của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đưa ra tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ sáng 17/1. Năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp của 7 đơn vị, đến thời điểm hiện tại đã kết thúc kiểm toán tại 5 đơn vị và đang kiểm toán 2 đơn vị.
Cập nhật kết quả kiểm toán đến thời điểm 12/1/2017 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, sai sót trong việc định giá doanh nghiệp làm giảm giá trị tài sản được định giá, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là những sai sót trong việc xác định chi phí thương hiệu, lợi thế kinh doanh, các khoản đầu tư tài chính, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, dự án, công trình đã hoàn thành chưa quyết toán...
Một số ví dụ được nêu ra, chẳng hạn, sau khi kiểm toán, phần vốn tăng thêm của công ty mẹ tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp là hơn 2.300 tỷ đồng; tại công ty mẹ, Tổng công ty Điện lực Dầu khí tăng thêm 2.050 tỷ đồng.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tài sản nhà nước bị định giá thấp, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhiều doanh nghiệp khi định giá tài sản của Nhà nước mới chỉ xác định theo phương pháp tài sản, tức tài sản hữu hình, mà chưa định giá thêm phương pháp dòng tiền chiết khấu, tức là tài sản vô hình. Tài sản này bao gồm: thương hiệu, giá trị tăng trưởng hàng năm...
Việc định giá thấp tài sản nhà nước dẫn đến sự thiếu hiệu quả trong bán phần vốn nhà nước, hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được nhắc đến rất nhiều lần. Thậm chí, gần đây, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu xem xét lại việc định giá và cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, trước nhiều bức xúc từ dư luận.
Theo ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế, định giá thấp tài sản nhà nước và tạo ra nguy cơ thất thoát tài sản nhà nước tập trung nhiều trong lĩnh vực đất đai, bởi hàng triệu héc-ta đất thuê, ở những vị trí đắc địa không được đưa vào định giá doanh nghiệp.
Trên thực tế, theo giám đốc một công ty kiểm toán định giá, định giá doanh nghiệp là việc vô cùng khó khăn và phụ thuộc rất lớn vào các dữ liệu đầu vào nếu áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền trong tương lai.
Cùng một doanh nghiệp, phương pháp tài sản cho giá xấp xỉ 2.000 tỷ đồng nhưng phương pháp chiết khấu dòng tiền lại cho giá trị tới gần 30.000 tỷ đồng. Năng lực và bản lĩnh và tính khách quan của các đơn vị định giá sẽ là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng định giá tại các doanh nghiệp nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa hoặc thoái vốn.
Theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp có quy mô giá trị hơn 500 tỷ đồng, Kiểm toán Nhà nước cần phải kiểm toán định giá để đảm bảo tính chính xác. Qua kết quả kiểm toán định giá 7 doanh nghiệp nhà nước lớn, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 127/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính và xác định giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cho phù hợp với thực tế.
Tại cuộc họp của Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành cho rằng, nhiệm vụ tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới rất nặng nề, nhất là trong giai đoạn nhà nước đang chuẩn bị cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn, vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành với Kiểm toán Nhà nước để tránh thất thoát tài sản của nhà nước.
Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định 59/2011, Nghị định 189/2013 và Nghị định 116/2015 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần đã được Bộ Tài chính hoàn tất trình Chính phủ.
Liên quan đến định giá đất, có quy định, doanh nghiệp cổ phần hóa phải lập phương án sử dụng đất (làm rõ đất nào là xây dựng nhà xưởng, văn phòng công ty, đất nào có ý định xây dựng nhà chung cư, trung tâm thương mại…) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và hoàn thành trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Khi đó, diện tích đất mà doanh nghiệp sử dụng chưa đúng mục đích, chưa phù hợp với quy hoạch, chưa phù hợp với ngành nghề kinh doanh sẽ được các địa phương xem xét, quyết định để thu hồi. Với đất sử dụng vào mục đích xây dựng nhà để bán và xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê, doanh nghiệp phải tính giá trị quyền sử dụng những khu đất này vào giá trị doanh nghiệp.