Điều thú vị về tuổi của các CEO Việt trong Top 500
(ĐTCK) Những doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đang được lãnh đạo bởi các CEO tuổi Kỷ Hợi, Tân Sửu, Mậu Tuất và Giáp Ngọ và hầu hết đều là những doanh nhân từng trải, lão luyện thương trường.
Thống kê dữ liệu về tên và tuổi của CEO các doanh nghiệp VNR500 (500 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất Việt Nam) của Vietnam Report cho thấy, số lượng CEO sinh năm 1959 (Kỷ Hợi) và sinh năm 1961 (tuổi Tân Sửu) là chiếm tỷ trọng lớn nhất, tương ứng mỗi nhóm chiếm 7,4% toàn bảng xếp hạng.
Cơ cấu tuổi theo can chi của CEO các doanh nghiệp trong BXH VNR500 năm 2013.
Chiếm tương ứng 6,6% và 6% số CEO trong bảng xếp hạng VNR500 là nhóm Mậu Tuất (sinh năm 1958) và Giáp Ngọ (sinh năm 1954) cho thấy, những năm 50 và đầu 60 của thế kỷ 20, khi đất nước vẫn còn bị chia cắt lại là giai đoạn sản sinh và nuôi dưỡng nhiều tài năng lãnh đạo lớn nhất.
Khi đất nước thống nhất (năm 1975) và bắt đầu công cuộc đổi mới (từ năm 1986) là lúc lứa thế hệ này đã trưởng thành, ý chí và kinh nghiệm sống đã được hun đúc đủ mạnh, dám nghĩ dám làm và vững vàng đối diện với mọi khó khăn trên thương trường.
Độ tuổi trung bình của 50 doanh nghiệp đầu tiên trong VNR500 năm nay là 53, trong khi độ tuổi trung bình của 50 doanh nghiệp cuối của bảng xếp hạng (tương đương với vị trí từ 450-500) là 48.
Tính chung 500 doanh nghiệp, độ tuổi trung bình của các CEO là 50 tuổi. Dường như có một sự “liên quan tương đối” giữa độ tuổi của CEO và độ “trưởng thành” của doanh nghiệp, theo đó các doanh nghiệp lớn có thứ hạng càng cao thì CEO càng gần độ tuổi chin muồi (khoảng 50-55 tuổi), khi kinh nghiệm và sự từng trải đã trở thành lão luyện.
CEO có độ tuổi lớn nhất là 77 tuổi. CEO trẻ tuổi nhất là 31 tuổi.
Trong thời gian vừa qua, “tuyển sếp ngoại” đã trở thành trào lưu trong giới kinh doanh tại Việt Nam với kỳ vọng người lãnh đạo mới này sẽ đem một luồng gió mới về cho doanh nghiệp thông qua sự đổi mới tư duy và phong cách điều hành. Đồng thời trong xu thế toàn cầu hóa, lãnh đạo thông thạo ngoại ngữ phổ biến trong kinh doanh (tiếng Anh) và có kinh nghiệm làm việc/ hợp tác với nhiều công ty lớn trên thế giới sẽ mang lại nhiều hơn nữa các cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt.
Sự thật, đã không ít các doanh nghiệp làm được điều đó, đặc biệt trong các tổ chức tài chính, ngân hàng. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc lãnh đạo người Việt không đủ năng lực. Sẽ là sai lầm nếu không nhắc tới những thành công của các doanh nhân: ông Trương Gia Bình (FPT), bà Mai Kiều Liên (Vinamilk), bà Phạm Thị Việt Nga (Dược Hậu Giang), ông Phạm Nhật Vượng (VinGroup ) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Cà phê Trung Nguyên) - những cái tên đã được ghi danh trên bảng thành tích không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực và trên toàn thế giới, đã từng hoặc đang tiếp tục trực tiếp lãnh đạo doanh nghiệp vững mạnh đi lên và liên tục xuất hiện trong bảng xếp hạng VNR500 nhiều năm qua.
Vietnam Report cho rằng, điều này thể hiện, lãnh đạo Việt cũng có những “tuyệt chiêu” riêng của mình.
Họ Nguyễn, Trần "áp đảo" trong cơ cấu họ của CEO các doanh nghiệp VNR500 năm 2013.
Một thông tin khá thú vị đó là, 14,4% CEO doanh nghiệp VNR500 là người nước ngoài, trong khi số lượng doanh nghiệp FDI trong bảng là hơn 15%, đồng nghĩa với việc vẫn có các CEO người Việt điều hành các doanh nghiệp ngoại tại Việt Nam.
Xét về họ, các CEO họ Nguyễn chiếm phần đông nhất (26,9%), tiếp đến là họ Trần (10,6%) và Lê (8,6%). Không ai hiểu người Việt bằng chính người Việt, trên đất Việt.
Trong năm Giáp Ngọ 2014, hi vọng các CEO Việt tiếp tục giữ được niềm nhiệt huyết của mình để cùng đồng hành với doanh nghiệp hướng tới mục tiêu “khẳng định thương hiệu, vươn tầm quốc tế”.