Điều lệ mới của các DNNN, tăng quyền kiểm soát nội bộ

(ĐTCK) Theo dự thảo Nghị định ban hành điều lệ mẫu của tổng công ty và DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ban kiểm soát có nhiệm vụ “tuýt còi” chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), cũng như các chức danh lãnh đạo khác nếu để xảy ra sai phạm.
Điều lệ mới của các DNNN, tăng quyền kiểm soát nội bộ

Đừng để “hữu danh vô thực”

Dự thảo Nghị định ban hành điều lệ mẫu của tổng công ty và DN mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng vừa công bố lấy ý kiến rộng rãi, có một nội dung đáng chú ý là khi phát hiện sai sót, hoặc có hành vi vi phạm của HĐTV (chủ tịch công ty) và người quản lý điều hành, kiểm soát viên phải thông báo ngay bằng văn bản với HĐTV (chủ tịch công ty) và yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi này, đồng thời có giải pháp khắc phục hậu quả. Sau 7 ngày kể từ ngay ra thông báo trên, nếu người có hành vi vi phạm không chấm dứt vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả, kiểm soát viên phải báo cáo Bộ, UBND cấp tỉnh xem xét, giải quyết…

Điều lệ mới của các DNNN, tăng quyền kiểm soát nội bộ ảnh 1

Đối với Vinapaco, nên quy định cho phép đầu tư vào các DN trồng rừng, sản xuất giấy, hay in ấn, vận tải...

Nhìn nhận về quy định trên, luật gia Vũ Xuân Tiền, Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia Hà Nội cho rằng, quy định trên không có gì mới theo thông lệ quốc tế, nhưng rất thời sự đối với hoạt động của các tổng công ty, các DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Theo thông lệ quốc tế, ban kiểm soát được tổ chức độc lập với ban điều hành và có chức năng giám sát mọi hoạt động của ban điều hành. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam , không hiếm trường hợp ban kiểm soát chỉ là “người giúp việc” cho ban điều hành, dẫn đến tình trạng ban kiểm soát tồn tại theo kiểu “hữu danh vô thực”.

“Không riêng gì dự thảo Nghị định, mà ở nhiều văn bản pháp lý khác tại Việt Nam luôn có một nguyên tắc là tạo cơ chế cho chủ thể có hành vi vi phạm tự xử lý sai phạm trước. Trường hợp cố tình trì hoãn, hoặc không khắc phục sai phạm theo yêu cầu, thì mới kiến nghị cấp trên xử lý. Bởi vậy, dự thảo đưa ra quy định trên là rất cần thiết…”, ông Tiền nói và cho rằng, điều quan trọng hơn là cần có các chế tài rõ ràng, khả thi để đảm bảo vai trò của ban kiểm soát được phát huy trên thực tế, góp phần nâng cao chất lượng quản trị DN.

 

Cần “chặn” đầu tư ngoài ngành

Tình trạng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đua nhau lập các công ty con, cháu, chắt, liên kết tràn lan với công ty bên ngoài trong thời gian qua, đã gây nên nhiều hệ lụy mà đến nay vẫn khó khắc phục như: đầu tư ngoài ngành tràn lan, hiệu quả đầu tư thấp, thậm chí xuất hiện những dấu hiệu không minh bạch trong các quan hệ giao dịch giữa các tổng công ty, công ty 100% vốn nhà nước với các công ty liên doanh, liên kết.

Liên quan đến vấn đề này, theo một chuyên gia trong lĩnh vực quản lý tài chính DNNN, việc dự thảo Nghị định quy định cho phép các tổng công ty được đầu tư tới cấp công ty cháu, các công ty liên kết, nhưng lại thiếu quy định chi tiết các điều kiện ràng buộc về các ngành nghề hoạt động của các công ty này phải đáp ứng, thì tổng công ty mới được phép đầu tư, nên dễ dẫn đến tiếp tục tái diễn tình trạng đầu tư ngoài ngành nghề chính.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Tiền, dự thảo Nghị định cần làm rõ nội hàm của khái niệm thế nào là đầu tư ngoài ngành nghề chính. Trên cơ sở đó xác lập mức độ, phạm vi đầu tư giữa tổng công ty với các công ty con, cháu, công ty liên kết. Theo đó, muốn ngăn chặn hiệu quả tình trạng đầu tư ngoài ngành nghề chính, dẫn đến rủi ro lớn cho phần vốn nhà nước tại các DN, cần hình thành quy định pháp lý cho phép các tổng công ty được đầu tư vào các công ty con, cháu, công ty liên kết theo chuỗi giá trị theo thông lệ quốc tế. Chẳng hạn, đối với hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), quy định nên cho phép Vinapaco được đầu tư vào các công ty con là DN trồng rừng, các DN sản xuất giấy; Vinapaco còn được phép đầu tư vào các công ty cháu là các DN bán buôn, bán lẻ giấy, văn phòng phẩm, hoặc các DN in ấn, xuất bản thường xuyên sử dụng một lượng giấy lớn; và để chủ động cho khâu vận chuyển nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất giấy, hoặc vận chuyển giấy đi tiêu thụ, Vinapaco còn được phép liên kết với các DN vận tải…

Khi làm rõ chuỗi giá trị trong hoạt động như trên, theo nhiều chuyên gia, sẽ tránh lặp lại vết xe đổ kiểu như Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhưng lại đi đầu tư vào những ngành chẳng liên quan tới lĩnh vực điện, như viễn thông; hay Tập đoàn hóa chất Việt Nam, Vinapaco đem vốn đầu tư vào công ty chứng khoán…

Tân Văn
Tân Văn

Tin cùng chuyên mục