Điều kiện kinh doanh tinh vi “hành” doanh nghiệp

(ĐTCK) Tình trạng “chẻ nhỏ” thêm nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện với tư duy cản trở, bó hẹp kinh doanh đang tiếp tục là rào cản lớn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi gia nhập thị trường, cũng như trong quá trình hoạt động. Đây là cảnh báo của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tại hội thảo về điều kiện kinh doanh năm 2017 vừa diễn ra.
Điều kiện kinh doanh tinh vi “hành” doanh nghiệp

Theo số liệu rà soát của CIEM, tính đến thời điểm này, có khoảng 3.407 điều kiện kinh doanh trực thuộc đủ mọi ngành nghề. Trong đó, một số ngành có số lượng điều kiện kinh doanh lớn nhất như lĩnh vực công thương với trên 400 điều kiện, ngành y tế với xấp xỉ 327 điều kiện.

Các điều kiện kinh doanh này tồn tại dưới hình thức tương tự như giấy phép con nằm trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Vấn đề đáng quan tâm là hiện nay, theo quy định, có 234 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây được coi là ngành nghề “cha mẹ” mà từ đó, có rất nhiều ngành nghề “con, cháu” với các điều kiện kinh doanh kèm theo. Ví dụ, ngành nghề mẹ là kinh doanh vận tải, ngành nghề con gồm vận tải taxi, hàng hóa, xe buýt…

Tính theo cách “chẻ nhỏ” này, theo thống kê của CIEM, hiện tổng số ngành nghề con có điều kiện kinh doanh kèm theo lên tới con số 600. Tính chung, trên cả nước có khoảng 300 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các ngành nghề có điều kiện.

Cụ thể, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho biết, các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh không rõ ràng, cấu trúc phức tạp khi đưa ra rất nhiều điều kiện “con cháu” theo kiểu trá hình, từ đó tạo thêm gánh nặng chi phí và gây khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp.

Điển hình là ngành kinh doanh kế toán, ngoài đáp ứng điều kiện phải bảo đảm tỷ lệ góp vốn của kế toán viên, có ít nhất hai thành viên và có đăng ký hành nghề, điều kiện kinh doanh trong ngành nghề này lại đặt thêm yêu cầu về phẩm chất đạo đức nghề nghiệp trung thực, tính liêm khiết, có bằng tốt nghiệp đại học, có thời gian công tác từ 60 tháng trở lên.

Hay như nghị định về mũ bảo hiểm yêu cầu nhà phân phối phải có cửa hàng, có địa chỉ rõ ràng, đồng thời quy định phải công khai danh sách đại lý.

Một ví dụ khác được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nêu lên là thông báo giá của doanh nghiệp phải được cơ quan quản lý xác nhận, phương án kinh doanh phải được phê duyệt.

Hay một loạt các trường hợp như dự thảo thông tư mới yêu cầu phải dán tem cho các ấn phẩm xuất bản, giấy uỷ quyền của nhà sản xuất theo quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công thương.

Chưa kể một loạt các văn bản chấp thuận tuyến hoạt động và phương án khai thác tuyến của cơ quan có thẩm quyền nơi đơn vị kinh doanh nộp đơn đăng ký vận tải hành khách đường thủy nội địa theo tuyến cố định…

“Điều này cho thấy, hiện nay, việc nhận diện các giấy phép rất khó khăn do bị biến tướng dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau, tạo cơ hội để nhiều đơn vị dùng giấy phép và điều kiện kinh doanh loại trực tiếp đối thủ trong ngành thay vì cạnh tranh”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, theo ông Phan Đức Hiếu, trong quá trình rà soát 50 nghị định, có một xu hướng đang quay trở lại: cái gì điều kiện kinh doanh không thống nhất được, cơ quan quản lý sẽ đẩy sang thành tiêu chuẩn, quy chuẩn.

“Như vậy, ở nhiều nơi, cải cách điều kiện kinh doanh không hề làm giảm được các điều kiện doanh nghiệp phải tuân thủ mà thực chất chỉ là đưa sang dạng khác tinh vi hơn”, ông Hiếu nhận xét.

Đánh giá về tình trạng này, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, một số nhân sự thuộc bộ máy quản lý đang “sản xuất” ra giấy phép và giấy phép ngày càng tinh vi. Đây là các cá nhân có lợi ích trực tiếp, rõ ràng liên quan đến việc cấp phép. Trong khi đó, nhóm người kiểm soát giấy phép rất ít và không có lợi ích đi kèm nên rất khó tìm ra các điều kiện kinh doanh chưa hợp lý.

“Chúng ta cần tìm ra giải pháp cụ thể để kiểm soát việc đẻ ra quá nhiều giấy phép con, thay vì kêu gọi sự tự giác của cán bộ sản xuất giấy phép, bởi việc này gần như không hiệu quả”, ông Cung nói.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục