Điều kiện kinh doanh làm khổ doanh nghiệp mới

Lịch họp mới của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã được xếp vào ngày 30/8 tới, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu khởi động lại Tổ này để thúc đẩy việc rà soát quy định về điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp lại có nơi để kể chuyện.
Ông Phạm Minh Thiện tại gian hàng của Công ty TNHH Cỏ May ở Hội chợ xuất khẩu ASEAN - Ấn Độ 2017. Ảnh: Minh Đông Ông Phạm Minh Thiện tại gian hàng của Công ty TNHH Cỏ May ở Hội chợ xuất khẩu ASEAN - Ấn Độ 2017. Ảnh: Minh Đông

Gạo… khóc

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) không muốn bình luận gì thêm về các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.

“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lắm rồi, đến nhiều nơi rồi, nhưng không được”, ông Thiện chán nản.

Ông Thiện vừa trở về từ Thái Lan, cùng với gạo Cỏ May sau khi tham dự Hội chợ xuất khẩu ASEAN - Ấn Độ 2017. Nhưng ngậm ngùi là, dù có tới 6 nhà phân phối đăng ký làm việc, để bàn chuyện mua bán gạo, nhưng ông Thiện đã phải né, không gặp.

“Tôi không thể giải thích cho họ hiểu là tôi không đủ điều kiện để xuất khẩu sản phẩm do chính mình làm ra, dù tôi có cơ sở để khẳng định là nếu được xuất khẩu, được cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Thái Lan, gạo Việt Nam có khả năng thắng cao”, ông Thiện nói.

Hai năm trước, năm 2015, Cỏ May đã đưa được thương hiệu gạo chất lượng cao Nosavina vào siêu thị ở Singapore chỉ sau 1 lần bán thử khoảng 300 tấn. Thương hiệu này được đánh giá là “ăn đứt” gạo Thái cùng chất lượng, khi giá chỉ khoảng 1,2 USD/kg so với 2 USD/kg của gạo Thái.

Chỉ có điều, Công ty TNHH Cỏ May không phải là đơn vị xuất khẩu, mà Công ty Cỏ May Pte.Ltd do Cỏ May thành lập tại Singapore nhận trách nhiệm này. Đây là cách mà các chuyên pháp lý tư vấn để Cỏ May tránh “vòng kim cô” của Nghị định 109/2010/NĐ-CP.

“Chi phí đội lên, nhưng gạo Việt chất lượng cao sẽ từ Singapore đến các nước trong ASEAN. Không có điều kiện kinh doanh khó hiểu trên, gạo của Việt Nam sẽ nổi tiếng như cá tra của Việt Nam”, ông Thiện trầm ngâm.

Sức sáng tạo bị kìm kẹp

Không chỉ ông Thiện của Cỏ May, ông Đặng Quang Vinh, Nghiên cứu viên Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) và nhiều chuyên gia kinh tế tham gia rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo (thuộc Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam - RCV) cũng không thể trả lời được khúc mắc của Cỏ May.

“Nghị định 109/2010/NĐ-CP đưa ra các điều kiện rất ngặt nghèo cho doanh nghiệp muốn tham gia thị trường. Đó là phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất 1 cơ sở xáy, xát thóc gạo công suất tối thiểu 10 tấn/giờ; phải xuất khẩu 12 tháng liên tục mới được cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Nghĩa là, sẽ không có cửa cho các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp nhỏ”, ông Vinh phân tích.

Đáng tiếc là các quy định yêu cầu về quy mô, cách thức hoạt động, thậm chí là công nghệ sản xuất… kiểu như Nghị định 109 không hề xa lạ với phương thức quản lý nhà nước hiện tại. Trong kinh doanh vận tải đường bộ, doanh nghiệp chạy tuyến cố định từ 300 km phải có ít nhất 20 xe với đơn vị có trụ sở ở thành phố trực thuộc Trung ương, từ 10 xe với các địa phương còn lại, từ 05 xe trở lên đối với huyện nghèo… Doanh nghiệp kinh doanh gas LPG cần bồn chứa 3.000 m3…

Vấn đề ở chỗ, việc xây dựng một thương hiệu gạo, hay các chuỗi sản xuất, dịch vụ thường bắt đầu từ quy mô nhỏ, sản xuất nhỏ rồi tùy theo tình hình thị trường sẽ phát triển lớn hơn.

“Một doanh nghiệp gạo có thể chỉ xuất khẩu một lượng nhỏ để thăm dò thị trường, tạo thói quen cho thị trường. Họ cần gì bỏ hàng tỷ đồng đầu tư kho chứa khi chưa cần đến”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đặt câu hỏi khi lý giải nguyên nhân đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý trên.

Trong góc nhìn của chuyên gia chuyên về doanh nghiệp này, thì điều kiện kinh doanh kiểu như trên không chỉ cản trở doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, mà còn loại bỏ những ngành nghề kinh doanh đáng ra có thể phát triển mạnh, như dịch vụ cho thuê kho bãi, dịch vụ xay xát chuyên nghiệp…

“Tư duy quản lý bằng điều kiện đã làm méo mó thị trường. Đáng ra doanh nghiệp có thể chia sẻ rủi ro khi lượng sức tham gia từng khâu đoạn của chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ, thì họ phải ôm toàn bộ các công đoạn này chỉ để đảm bảo đủ điều kiện theo quy định. Sẽ không có bất cứ sự sáng tạo, sáng kiến kinh doanh nào có thể tồn tại được trong điều kiện này”, ông Cung nói.

Trở lại câu chuyện của điều kiện kinh doanh gạo, Nghiên cứu của RCV đã phát hiện ra rằng, các doanh nghiệp đang có giấy phép, nhất là hai ông lớn Vinafood 1 và Vinafood 2 không có động cơ nâng giá xuất khẩu của gạo Việt Nam dù được giao đàm phán hợp đồng tập trung.

“Lý do đơn giản là họ không cần cạnh tranh, có lợi thế chính sách”, ông Cung nói.

Và đương nhiên, các doanh nghiệp hiện hữu, đang có lợi thế nhờ đã có giấy chứng nhận có điều kiện kinh doanh không muốn thay đổi gì nhiều cơ chế hiện tại. Trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 109/2010NĐ-CP, các điều kiện trên vẫn còn, dù các con số có nhỏ đi.

“Nếu tư duy quản lý vẫn bằng tiền kiểm, sẽ rất khó tạo nên thay đổi gì trong thị trường này. Chúng tôi đã đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh hiện tại, thay bằng điều kiện về chất lượng cho từng loại gạo theo bộ tiêu chuẩn về chất lượng gắn với thương hiệu quốc gia”, ông Cung nói.

Trong tuần tới, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sẽ bắt đầu mổ xẻ các điều kiện kinh doanh theo hướng này.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục