Trên thực tế, các số liệu tài chính sau khi đã được kiểm toán vẫn tiềm ẩn yếu tố rủi ro về sự thiếu chính xác, rủi ro này phụ thuộc rất nhiều vào danh tiếng và chất lượng của các đơn vị kiểm toán được lựa chọn. Chúng tôi xin đưa ra các quy định của Nhà nước về các tiêu chuẩn tối thiểu mà các doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) được chấp thuận bắt buộc phải tuân thủ căn cứ theo Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Các quy định chung với DNKT được chấp thuận:
* Có vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu từ 2 tỷ đồng trở lên đối với DNKT trong nước; vốn điều lệ tối thiểu là 300.000 USD đối với DNKT có vốn đầu tư nước ngoài;
* Có số lượng kiểm toán viên hành nghề từ 7 người trở lên và có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC;
* Quy đinh về thời gian hoạt động kiểm toán tại Việt Nam :
+ Tối thiểu là tròn 3 năm tính từ ngày thành lập đến ngày nộp đơn đăng ký tham gia kiểm toán. Trường hợp DNKT phải chuyển đổi loại hình theo quy định của Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 của Chính phủ về kiểm toán độc lập và Nghị định 133/2005/NĐ-CP ngày 31/10/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP thì ngày thành lập là ngày ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi chuyển đổi;
+ Trường hợp DNKT hoạt động tại Việt Nam từ tròn 6 tháng đến dưới 3 năm tính từ ngày thành lập đến ngày nộp đơn đăng ký tham gia kiểm toán thì 7 kiểm toán viên hành nghề phải có ít nhất tròn 3 năm kinh nghiệm kiểm toán sau ngày được cấp chứng chỉ kiểm toán viên và đáp ứng các quy định khác.
* Quy định về số lượng khách hàng: Phải có số lượng khách hàng kiểm toán hàng năm tối thiểu là 30 đơn vị trong 2 năm gần nhất. Đối với DNKT tính thời gian hoạt động theo quy định về thời gian hoạt động tại Việt Nam từ tròn 6 tháng đến dưới 3 năm thì tại thời điểm nộp đơn đăng ký tham gia kiểm toán phải có tối thiểu là 30 khách hàng kiểm toán.
* Nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ đăng ký tham gia kiểm toán theo quy định tại Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC.
* Các trường hợp DNKT đã được chấp thuận không được thực hiện kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán theo các quy định tại Quyết định số 89/2007/QĐ-BTC như sau:
+ DNKT có quan hệ về kinh tế như hùn vốn, liên doanh, góp vốn cổ phần… với tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán hoặc ngược lại;
+ DNKT và tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán có cùng một tổ chức hoặc cá nhân sở hữu từ 5% vốn trở lên của mỗi bên;
+ DNKT là khách hàng đang hưởng những điều kiện ưu đãi của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán được kiểm toán (như được cấp tín dụng với các điều kiện ưu đãi, bảo lãnh không có bảo đảm…);
+ DNKT đang thực hiện hoặc đã thực hiện trong 2 năm trước liền kề dịch vụ ghi sổ kế toán, lập báo cáo tài chính, dịch vụ kiểm toán nội bộ, định giá tài sản, tư vấn quản lý, tư vấn tài chính cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết, tổ chức kinh doanh chứng khoán được kiểm toán.
Các quy định chung với kiểm toán viên được chấp thuận
Kiểm toán viên (KTV) hành nghề và người đại diện lãnh đạo doanh nghiệp kiểm toán (DNKT) được chấp thuận kiểm toán cho tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện được quy định tại Điều 14, Nghị định số 105/2004/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm toán độc lập, Thông tư số 64/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 105/2004/NĐ-CP và Thông tư số 60/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động đối với DNKT. Ngoài ra, KTV còn phải đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy định sau đây:
* Có tên trong danh sách đăng ký hành nghề kiểm toán được Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) xác nhận và không phải là người đăng ký làm bán thời gian cho DN kiểm toán;
* KTV hành nghề người Việt Nam phải có ít nhất tròn 2 năm kinh nghiệm kiểm toán sau ngày được cấp chứng chỉ KTV;
* KTV hành nghề người nước ngoài phải có ít nhất tròn 2 năm kinh nghiệm hành nghề kiểm toán tại Việt Nam ;
* Không phải là cổ đông hoặc là người đại diện hợp pháp cho cổ đông có quyền bỏ phiếu của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán được kiểm toán;
* Không phải là người có trách nhiệm quản lý, điều hành của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán được kiểm toán;
* Không phải là khách hàng đang hưởng những điều kiện ưu đãi của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán được kiểm toán;
* Không có quan hệ họ hàng thân thuộc như là bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột với những người có trách nhiệm quản lý, điều hành (kể cả kế toán trưởng) của tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán được kiểm toán.
* DNKT hoặc KTV hành nghề bị đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán có thời hạn vẫn được thực hiện kiểm toán các hợp đồng đã ký và đang thực hiện kiểm toán, nhưng không được ký thêm các hợp đồng mới từ ngày có thông báo của UBCK đến ngày được chấp thuận lần sau.
Nghĩa vụ của DNKT được chấp thuận
* Nắm vững các quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK liên quan đến báo cáo tài chính của đối tượng được kiểm toán.
* Giải trình hoặc cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán khi có khiếu nại theo yêu cầu của UBCK.
* Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết hoặc tổ chức kinh doanh chứng khoán không tuân thủ pháp luật và quy định có liên quan đến báo cáo tài chính được kiểm toán thì phải thông báo và kiến nghị cho đơn vị được kiểm toán có biện pháp ngăn ngừa, sửa chữa và xử lý sai phạm; ghi ý kiến vào báo cáo kiểm toán hoặc thư quản lý về sai phạm chưa được xử lý theo quy định của chuẩn mực kiểm toán.
* Sau khi phát hành báo cáo kiểm toán, nếu có nghi ngờ hoặc có phát hiện tổ chức được kiểm toán có sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật và các quy định có liên quan đến báo cáo tài chính được kiểm toán thì DNKT phải thông báo cho đơn vị được kiểm toán và người thứ ba theo quy định của chuẩn mực kiểm toán và thông báo cho UBCK.
* Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật về kiểm toán.
* Trường hợp phát hiện DNKT lập báo cáo kiểm toán không trung thực, gây thiệt hại cho khách hàng và người sử dụng kết quả kiểm toán thì DNKT phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra hoặc bị xử lý theo quy định của pháp luật.
* DNKT được chấp thuận kiểm toán phải thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.