Điều khiến Trung Quốc lo sợ nhất từ cuộc gặp Trump - Kim

Kịch bản tồi tệ nhất với Bắc Kinh là Kim Jong-un nhượng bộ trước Trump và biến Triều Tiên thành đồng minh của Mỹ.
Kim Jong-un (trái) trò chuyện cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Liên, Trung Quốc hồi tháng trước. Ảnh: AFP. Kim Jong-un (trái) trò chuyện cùng Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại Liên, Trung Quốc hồi tháng trước. Ảnh: AFP.

Trước khi cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra, Trung Quốc dường như đã chiếm thế thượng phong khi hai lần đón ông Kim tới nước này và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh vẫn không thể che giấu được nỗi lo lắng về những kịch bản có thể xảy ra tại sự kiện trọng đại này, theo NYTimes.

Nhiều chuyên gia phân tích cho biết các lãnh đạo Trung Quốc, vốn không quen với vị thế "đứng ngoài trông vào", đang ngày càng bất an về việc liệu họ có giữ được đồng minh Triều Tiên trong vòng tay của mình sau cuộc gặp Trump – Kim hay không.

Điều họ lo sợ nhất là Kim có thể tìm cách chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách kết thân với Mỹ.

Kim có thể làm điều này bằng cách đưa ra một số thỏa thuận với Trump, chẳng hạn như cam kết phá hủy kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự giúp đỡ của Mỹ nhằm giảm bớt hoặc thậm chí là xóa bỏ sự phụ thuộc gần như hoàn toàn của Triều Tiên vào Trung Quốc.

"Bài học lịch sử cho thấy Triều Tiên không phải lúc nào cũng yên tâm với Trung Quốc và luôn có não trạng báo thù", sử gia Trung Quốc Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua), người chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, cho biết. "Kết quả tồi tệ nhất của cuộc gặp là Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên cùng đứng về một phía và Trung Quốc bị hạ gục".

Trung Quốc cũng có thể lo lắng rằng Mỹ sẽ tận dụng cuộc gặp ở Singapore để hướng Triều Tiên thống nhất với Hàn Quốc, một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington.

Điều này đồng nghĩa với kịch bản quân đội Mỹ sẽ hiện diện ngay trước bậc thềm Trung Quốc sau khi xóa bỏ vai trò "vùng đệm" của Triều Tiên.

Một khả năng nữa cũng có thể xảy ra là Triều Tiên sẽ "đảo chiều" trong quan hệ đồng minh, giống như những gì Trung Quốc từng làm vào năm 1972. Khi tổng thống Mỹ Richard Nixon thăm Bắc Kinh vào năm đó, Mao Trạch Đông đã quyết định từ bỏ đồng minh truyền thống Liên Xô để hướng tới quan hệ hữu hảo hơn với Mỹ.

"Trung Quốc có thể coi hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim giống như chuyến thăm Trung Quốc của Nixon", bà Tôn Vận (Yun Sun), chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, nói. "Nếu Trung Quốc có thể làm như vậy, tại sao Triều Tiên lại không"?

Dù vậy, các chuyên gia phương Tây cho rằng khả năng Triều Tiên thay đổi đồng minh từ Trung Quốc sang Mỹ là không cao, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Trump, người bị các đồng minh ở châu Á coi là một đối tác "không chắc chắn".

"Triều Tiên không có lý do gì để tin rằng Mỹ sẽ sẵn sàng hay có khả năng bảo vệ họ trước Trung Quốc", Hugh White, chiến lược gia quốc phòng Australia, nhận định.

"Chẳng ai ở Bình Nhưỡng tin rằng Mỹ có thể chiến đấu và chiến thắng trong cuộc xung đột trên bộ ở biên giới Trung Quốc".

Theo các chuyên gia, kết quả được Trung Quốc trông đợi hơn cả ở cuộc gặp thượng đỉnh này là Trump và Kim cùng ký một hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và dọn đường cho việc Mỹ rút hơn 28.000 binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc.

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên, đồng thời làm xói mòn niềm tin của các đồng minh của Mỹ ở châu Á về cam kết an ninh của Washington.

Nhưng khả năng xảy ra kịch bản này là rất thấp, bởi Tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẽ không đưa vấn đề quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc ra thảo luận trong cuộc gặp với Kim Jong-un.

Triều Tiên tự chủ hơn 

Điều khiến Trung Quốc lo sợ nhất từ cuộc gặp Trump - Kim ảnh 1

 Kim Jong-un bắt tay Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm qua. Ảnh: StraitsTimes.

Nhiều chuyên gia tin rằng thay vì ngả về Mỹ hay tiếp tục phụ thuộc Trung Quốc, Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ tìm cách tăng sự tự chủ của Triều Tiên.

Đường lối đối ngoại này được thể hiện bằng cuộc gặp gần đây với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và chuyến thăm Bình Nhưỡng sắp tới của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

"Cũng như bất cứ cường quốc hạng trung nào khác, Triều Tiên mong muốn không phụ thuộc vào các siêu cường, cả Mỹ lẫn Trung Quốc, và Kim Jong-un đang tìm cách giữ thăng bằng để hướng tới mục tiêu đó", White nói.

"Đây chính là mục đích của vũ khí hạt nhân. Điều Kim muốn là giữ càng nhiều sự tự chủ và năng lực hạt nhân càng cao càng tốt".

Kể từ khi lên nắm quyền, Kim đã có nhiều động thái đi ngược lại với mong muốn của Trung Quốc, như vụ xử tử Jang Song-thaek, người được coi là đầu mối liên lạc chính giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Ông cũng không đến Trung Quốc trong suốt 6 năm cầm quyền đầu tiên, làm dấy lên đồn đoán về sự lạnh nhạt giữa hai đồng minh truyền thống này.

Một số chuyên gia ở Bắc Kinh cho rằng, Triều Tiên từ lâu đã thể hiện sự bất mãn khi bị coi là em út đứng cạnh "anh cả" Trung Quốc, được thể hiện bằng thực tế Triều Tiên không cho dựng bất cứ tượng đài nào tưởng niệm khoảng 400.000 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng khi chiến đấu ở nước này trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Nhưng ngay cả khi đạt được thỏa thuận về vấn đề hạt nhân với Mỹ, Kim Jong-un sẽ phải đối mặt với một bài toán mới: Dựa vào ai để khôi phục và phát triển nền kinh tế Triều Tiên.

Trump từng thẳng thừng tuyên bố rằng tái thiết nền kinh tế Triều Tiên là nhiệm vụ của Trung Quốc và Hàn Quốc, chứ không phải của Mỹ. "Triều Tiên là quốc gia láng giềng của họ, không phải của Mỹ", ông nói.

Gánh nặng này nhiều khả năng sẽ được dồn sang vai Trung Quốc, quốc gia gần đây hăm hở trợ giúp Triều Tiên về kinh tế để hàn gắn quan hệ, theo giáo sư Thành Hiểu Hà (Cheng Xiaohe), chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.

Trung Quốc từng siết chặt quan hệ thương mại với Triều Tiên theo sự hối thúc của Trump, nhưng sự phối hợp để thực hiện lệnh trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng này giờ đây đang ngày càng lỏng lẻo. "Trung Quốc không tin Trump, trong khi Mỹ không tin Trung Quốc", giáo sư Thành nói.

Nhưng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc từng phải trả giá đắt khi nỗ lực giúp đỡ Triều Tiên xây dựng kinh tế. Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc trong lĩnh vực khai khoáng và khai thác than thường phàn nàn về việc bị đối tác Triều Tiên "lừa gạt" mà không có sự bảo vệ pháp lý nào.

Cây cầu đường sắt lớn do Trung Quốc xây dựng qua sông biên giới Áp Lục từ năm 2009 đến nay vẫn còn dang dở, do phía Triều Tiên nhất quyết không chịu nối ray bên lãnh thổ của mình.

Trung Quốc không có quan chức cấp cao nào dự hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim ở Singapore, nên họ sẽ phải lắng nghe thông tin về cuộc gặp từ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người sắp có chuyến công du tới Bắc Kinh.

Ông Tập gần đây cũng đã chấp nhận lời mời tới thăm Triều Tiên của Kim Jong-un, nhiều khả năng là vào cuối tháng này, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh rất sốt ruột trong việc nắm bắt ý định thực sự của Bình Nhưỡng.

Chuyến thăm Bình Nhưỡng này của ông Tập sẽ là một phần trong chiến lược hậu Singapore của Kim Jong-un để khẳng định vị thế tự chủ của mình và cho thấy ông không nghiêng về Trung Quốc hay Mỹ.

"Kim dường như đang theo đuổi chiến lược tái cân bằng giữa hai thế lực hơn là một cuộc 'đào tẩu' về phía Mỹ", John DeLury, giáo sư Trung Quốc học tại Đại học Yonsei ở Hàn Quốc, nhận định.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục