Bạo phát…
Năm 2007 vẫn tiếp tục là năm thăng hoa của TTCK Trung Quốc. Chỉ số Shanghai Composite Index (SCI), chỉ số chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc, đạt mức tăng 162%. Bước sang năm 2008, chỉ số SCI tiếp tục đạt những kỷ lục mới. Ngày 18/1/2008, SCI đạt mức 1.518,27 điểm, tăng 4,5% so với cuối năm 2007.
Sự lớn mạnh của TTCK Trung Quốc còn được thể hiện bởi giá trị vốn hoá thị trường. Trung tuần tháng 1/2008, giá trị vốn hoá của TTCK Trung Quốc là 4.700 tỷ USD, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.
Trong năm 2007, sàn Thượng Hải đứng đầu thế giới về hoạt động IPO với tổng số vốn huy động lên tới 60,3 tỷ USD, vượt qua cả hai sàn London và NewYork. Chỉ tính riêng trong tháng 11, các công ty đã huy động được khoảng 48,62 tỷ USD qua các đợt IPO - vượt qua con số 31,81 tỷ USD mà các doanh nghiệp huy động được ở Hồng Kông và 43,47 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm ở London. Năm 2007, thế giới được chứng kiến vụ IPO lớn nhất của Petrochina với 8,39 tỷ USD tại sàn Thượng Hải. Và tất nhiên, đi cùng với sự phát triển của TTCK là dòng ngoại tệ rất lớn đổ vào Trung Quốc.
Đối mặt khó khăn
Gần đây, có khá nhiều vấn đề Trung Quốc đang đối mặt tương đồng với những khó khăn của Việt Nam . Đó là tình trạng lạm phát cao, đồng nội tệ lên giá, sự tăng trưởng nóng của tín dụng, bong bóng bất động sản. Năm 2007, tốc độ lạm phát của Trung Quốc là 4,3%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2007, các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã dành 3.360 tỷ NDT cho các khoản vay mới (khoảng 450 tỷ USD, gần bằng 16% GDP năm 2006). Năm 2007, đồng NDT đã tăng giá 6,9% so với USD. Ngày 14/1/2008, đồng NDT đã đạt mức 7,2566 NDT/USD, sau khi Trung Quốc thông báo dự trữ ngoại hối vượt hơn 1.530 tỷ USD vào cuối năm 2007. Theo dự báo, đồng NDT sẽ đạt 6,98/USD vào cuối năm.
Tuy nhiên, các vấn đề này đang được Trung Quốc xử lý khá “hài hoà”. Lạm phát tăng cao, nhưng vẫn tương đương với nhiều nước trong khu vực và chưa vượt quá tốc độ tăng trưởng GDP. Mặt khác, TTCK Trung Quốc vẫn tăng trưởng cao, bất chấp các vụ IPO khổng lồ.
Xử lý tốt dòng ngoại tệ
Trung Quốc có khá nhiều kênh tiêu thụ ngoại tệ. Trong khi phát triển TTCK, nước này theo đuổi chiến lược mang tên: “Phân khúc thị trường theo từng loại nhà đầu tư”. Với chiến lược này, Trung Quốc đã hình thành các thị trường khác nhau, trong đó có thị trường cổ phiếu loại B (B-shares). Cổ phiếu loại B là những cổ phiếu do các công ty nội địa của Trung Quốc phát hành, dành riêng cho nhà đầu tư nước ngoài. Các cổ phiếu này được định danh bằng đồng NDT nhưng được chi trả cổ tức và mua bán bằng ngoại tệ (hiện nay, các nhà đầu tư trong nước đã được tham gia mua bán cổ phiếu loại B nên quy mô giao dịch tương đối lớn). Ngược lại, là cổ phiếu loại A (A-shares) vốn chỉ dành riêng cho nhà đầu tư trong nước. Cả hai loại cổ phiếu này được niêm yết trên các sàn giao dịch của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn các loại cổ phiếu khác như: H-shares; N-shares; S-shares, Red chips…
Việc hình thành cổ phiếu loại B đã làm giảm nhu cầu chuyển đổi từ ngoại tệ sang nội tệ để đầu tư. Do vậy, sẽ giảm áp lực cho ngân hàng trong việc thu gom ngoại tệ nhằm ổn định tỷ giá. Đối với thị trường các cổ phiếu loại A, Trung Quốc đã cấp hạn ngạch đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Tháng 11/2007, Trung Quốc đã mở rộng hạn ngạch từ 10 tỷ USD lên 30 tỷ USD theo Luật QFII (Quanlified Foreign Institutional Investors). Do vậy, đã hạn chế việc chuyển đổi sang nội tệ nhằm đầu tư vào cổ phiếu loại A.
Đây là một hướng đi để các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phát triển thị trường dựa trên các công cụ định danh bằng ngoại tệ. Một trong các công cụ đó là phát hành trái phiếu chính phủ định danh bằng USD. Trong tương lai, không ngoại trừ việc cho phép các doanh nghiệp phát hành các công cụ định danh bằng ngoại tệ trên thị trường nội tệ. Điều này sẽ làm cân bằng cung cầu ngoại tệ, giảm áp lực lên tỷ giá.
Một điều khác biệt so với Việt Nam là hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc khá mạnh. Bên cạnh đó là hoạt động mua lại (M&A) các công ty nước ngoài. Có khá nhiều vụ việc “đình đám” trong giới đầu tư quốc tế khiến ngay cả nước Mỹ hùng mạnh cũng phải lo lắng. Trong bối cảnh các ngân hàng Mỹ đang chao đảo trước khủng hoảng nhà đất thì lĩnh vực này trở thành “mồi ngon” cho Trung Quốc. Một số vụ M&A điển hình như chi 3 tỷ USD để mua 10% cổ phiếu Quỹ đầu tư Blackstone (tập đoàn đầu tư tư nhân lớn thứ hai thế giới của Mỹ) hay như vụ Công ty Đầu tư Trung Quốc (CIC) mua 5 tỷ USD cổ phiếu của Morgan Stanley.
Trung Quốc cũng hướng tới việc đầu tư vào TTCK các nước nhằm tìm kiếm lợi nhuận và giảm áp lực tăng giá đồng nội tệ. Động thái gần đây nhất là việc Uỷ ban Pháp chế Trung Quốc cho phép các ngân hàng được đầu tư tiền mặt mua cổ phiếu nước ngoài. Theo dự báo của HSBC, trong năm 2008, Trung Quốc sẽ đầu tư 250 tỷ USD vào thị trường châu Á.
Tóm lại, Trung Quốc đã đào những kênh “thoát nước” để giảm bớt lượng ngoại tệ đổ vào. Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc đã tung ra số NDT bằng 40% lượng cung tiền để mua vào gần 1.000 tỷ USD ngoại tệ mạnh, nhưng lạm phát bình quân chưa đến 1%, trong khi tốc độ tăng cung tiền lên đến 16% và tốc độ tăng dự trữ ngoại hối trên 24%.
Tuy nhiên, không phải mọi việc đều trọn vẹn. Năm 2007, sự gia tăng của dòng vốn ngoại dù không tạo nên những áp lực quá lớn lên lạm phát và tỷ giá, nhưng Trung Quốc vẫn không thể tránh khỏi tác động của lý thuyết bộ ba bất khả thi. Việc tạo ra sự luân chuyển mạnh hơn trong dòng vốn đang tạo ra chiều hướng đi lên trong lạm phát và tỷ giá. Và để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc buộc phải lựa chọn giữa hai mục tiêu: kiềm chế lạm phát và giảm bớt sự tăng giá của đồng nội tệ.
Theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt
Tại Hội nghị “Central Economic Work Conference 2007” cuối năm 2007, đã rút ra một kết luận chung: Trung Quốc sẽ chuyển chính sách tiền tệ từ “thận trọng sang thắt chặt” trong năm 2008, nhằm kiểm soát lạm phát và hạn chế sự tăng trưởng nóng của nền kinh tế. Trung Quốc đã đặt mục tiêu lạm phát là 4,6%, chỉ tăng 0,3% so với năm 2007. Đồng thời, giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP là 8%. Đi kèm với chính sách tiền tệ, hội nghị này cho rằng, chính sách tài khoá thận trọng sẽ giúp Trung Quốc giải quyết tốt hơn hai mục tiêu trên.
Những động thái trong năm 2007 cho thấy quyết tâm thực hiện chính sách này. Ngày 20/12/2007, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã thông báo, từ ngày 21/12/2007, lãi suất cơ bản tiền gửi kỳ hạn 1 năm tăng 27 điểm phần trăm lên 4,14%, trong khi lãi suất cho vay tăng 18 điểm phần trăm lên 7,47%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 6 trong năm 2007. PBOC cho rằng, mục đích chính của hành động này để nâng lãi suất tiền gửi ngắn hạn lên nhằm mục đích ngăn chặn tiền gửi của các hộ gia đình và doanh nghiệp chảy vào chứng khoán, đồng thời kìm hãm lạm phát.
Về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, PBOC đã tăng 50 điểm phần trăm lên 15%. Quy định mới này có hiệu lực từ ngày 25/1/2008. Như vậy, với việc theo đuổi một chính sách tiền tệ thắt chặt, Trung Quốc đang chấp nhận sự đánh đổi việc tăng giá của đồng NDT. Hay nói cách khác, mối quan ngại về sự tăng giá của các tài sản tài chính (giá cổ phiếu và bất động sản) là một yếu tố quan trọng hơn để thận trọng với dòng vốn vào so với sự tăng giá của đồng NDT. “NDT sẽ vẫn là một trong những công cụ chính để chống lạm phát”, Sean Callow, nhà chiến lược ngoại hối của Westpac Banking Corp tại Singapore nói. Điều này cho thấy, trong năm 2008, Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận sự đánh đổi sự sụt giảm của TTCK để kiềm chế lạm phát.