Đối lập
Giữa tháng 3, khi lãi suất vay vốn trên thị trường bứt xa mốc trần 12%/năm, ông Lê Đức Thuý, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia trả lời báo chí cho rằng, nếu thắt chặt tiền tệ sẽ khiến lãi suất tăng cao, thậm chí gây thêm sức ép lạm phát.
Lập luận của ông Thuý là lãi suất cao sẽ khiến nhiều DN phải thu hẹp sản xuất, qua đó làm giảm nguồn cung hàng hoá. Trong khi đó, lãi suất vay vốn tăng cao làm tăng mạnh chi phí đầu vào của DN và DN sẽ tìm cách tăng giá bán sản phẩm. Hai yếu tố này sẽ đẩy giá hàng hoá lên mức cao hơn, đẩy lạm phát cao thêm.
Tuy nhiên, một phương án xưa nay được coi là truyền thống để chống lạm phát, đó là tăng lãi suất. Bởi lẽ, theo lý thuyết, khi lãi suất thị trường tăng, ngoài việc tác động làm giảm nguồn cung hàng hoá, thì đồng thời làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân, thậm chí với một tốc độ nhanh hơn.
Trả lời câu hỏi của ĐTCK, liệu giảm lãi suất thị trường sẽ ảnh hưởng thế nào tới lạm phát, ông Martin Rama, kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã phản bác ý kiến cho rằng, giảm lãi suất sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. Ở chiều ngược lại, ông Rama, đại diện cho WB tiếp tục khuyến nghị Việt Nam thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, hướng tới tăng trưởng kinh tế một cách bền vững hơn.
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục đưa ra khuyến nghị, thắt chặt tiền tệ là cần thiết để kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
...và “linh hoạt”
Vậy là đã có những luồng ý kiến trái chiều về vấn đề tác động của việc làm giảm lãi suất vay vốn trên thị trường. Ý kiến nào đúng?
Thực tế hiện nay, thị trường ngân hàng đang dần đi vào ổn định và có lẽ cơ quan quản lý không có lý do để thay đổi chính sách tiền tệ. Như ĐTCK đã từng đề cập, số tiền khoảng 60.000 tỷ đồng mà NHNN cho các ngân hàng thương mại vay trong thời điểm đầu tháng 2/2010, đang giúp cho hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định.
Đợt đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) thành công trong tuần trước là một dấu hiệu chứng tỏ điều này. Tổng số 2.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2, 3 và 5 năm đã được bán hết với mức lợi suất tương ứng là 11,3%, 11,4% và 11,5%, khi mà lượng bỏ thầu đạt tới trên 8.000 tỷ đồng.
Đây là đợt bán TPCP thành công nhất từ đầu năm tới nay. Đương nhiên, TPCP là công cụ tốt nhất để các ngân hàng vay vốn từ NHNN qua thị trường mở trong trường hợp cần vốn, nhưng lượng đặt mua rất cao chứng tỏ rằng, hệ thống ngân hàng không thiếu vốn.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, trước thời điểm cuối tháng 4, đầu tháng 5, khi mà số tiền vay khoảng 60.000 tỷ đồng tới hạn trả lại cho NHNN, cơ quan này đang nghiên cứu phương án gia hạn vay vốn cho các ngân hàng thương mại.
Hết quý I/2010, các chỉ tiêu về lạm phát và tăng trưởng kinh tế GDP đều ở mức chấp nhận được. Những khuyến nghị điều chỉnh chính sách tiền tệ từ các chuyên gia có lẽ vẫn chỉ là để tham khảo.
Vấn đề là ở chỗ, khuyến nghị của các chuyên gia nêu trên đều được đưa ra dựa trên lý thuyết về tiền tệ và không ai đưa ra được một kịch bản rõ ràng cho lập luận của mình. Trong cuộc trao đổi, ông Rama ủng hộ phương án tăng lãi suất thị trường và khi đó thị trường sẽ tìm được một điểm cân bằng mới. Tuy nhiên, khi được hỏi cụ thể hơn rằng, tại điểm cân bằng mới, lãi suất huy động/cho vay sẽ là bao nhiêu thì ông Rama chưa có câu trả lời.
Từ nhiều năm qua, NHNN luôn sử dụng từ “linh hoạt” trong điều hành chính sách tiền tệ. Linh hoạt có thể hiểu là “tuỳ cơ ứng biến”. Hiện tại, thị trường ngân hàng đang ổn định, trong khi mục tiêu tăng trưởng, lạm phát vẫn đang được kiểm soát. Có lý do để tin rằng, chính sách tiền tệ sẽ không có nhiều thay đổi cho tới khi một trong hai mục tiêu “có vấn đề”. Khi đó, lại cần “linh hoạt”.