Ông Lê Thế Sơn, Kế toán trưởng PPC cho biết, giá bán điện bình quân trong năm 2017 cao hơn 2016, giúp Công ty ghi nhận hiệu quả kinh doanh cao hơn.
Điểm thuận lợi đáng kể trong hoạt động sản xuất của PPC là về vị trí địa lý. Nằm gần mỏ than Vàng Danh và Mạo Khê nên Công ty rất thuận tiện trong việc nhập nguyên liệu, giúp chi phí vận chuyển thấp.
Nhà máy Phả Lại 1 trong những năm gần đây thường xuyên được đầu tư kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp thiết bị, nên dù đã vận hành khai thác trên 30 năm, nhưng các tổ máy vẫn phát điện ổn định và hiệu quả ở mức 90-95% công suất thiết kế, trong khi máy móc thiết bị đã khấu hao gần hết, nên chi phí sản xuất giảm. Nhà máy Phả Lại 2 mới được đầu tư mới với công nghệ hiện đại, năng suất cao, hứa hẹn khả năng hoạt động ổn định và hiệu quả trong dài hạn.
PPC hiện đang vận hành 2 nhà máy nhiệt điện tại Phả Lại với công suất 1.040 MW. Đồng thời, PPC sở hữu 25,97% cổ phần tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng với công suất 1.200 MW và 16,35% cổ phần tại Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh với công suất 1.200 MW.
Dự kiến trong năm 2017, PPC đạt tổng doanh thu khoảng 6.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 900 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty sẽ vượt 25% so với kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Trong tổng lợi nhuận năm, có 215 tỷ đồng từ khoản hoàn nhập dự phòng đầu tư vào Nhiệt điện Quảng Ninh.
Cũng trong năm, PPC đã thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư. Cụ thể, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của PPC giảm 5 lần, chỉ còn 450 tỷ đồng (đầu năm là 2.110 tỷ đồng). Nợ phải trả cũng giảm hơn một nửa xuống 2.374 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 987 tỷ đồng (giảm 35%) và nợ dài hạn là 1.387 tỷ đồng (giảm 64%).
Điều mà giới đầu tư và tổ chức tư vấn lưu ý đối với PPC là nguồn vốn vay bằng JPY. Bởi trên thực tế, biến động tỷ giá JPY/VND đã chi phối lợi nhuận của PPC trong một số thời điểm nhất định.
Tuy nhiên, do đã thanh toán trước hạn hơn 2/3 khoản nợ vay bằng JPY, nên khoản 6 tỷ JPY dư nợ còn lại dự kiến sẽ thanh toán trong năm 2018. Với việc trả khoản nợ lớn bằng đồng JPY, giúp PPC trở thành công ty phát điện thuần túy hơn, thay vì bị phụ thuộc nhiều vào tỷ giá JPY/VND.
Trong báo cáo phân tích về PPC mới đây, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cũng nhấn mạnh, tình hình tỷ giá JPY/VND diễn biến thuận lợi đang là lợi thế của PPC trong giai đoạn hiện tại. BSC đưa ra dự báo, trong năm 2017, doanh thu của PPC đạt 6.207 tỷ ( tăng 4% so với năm 2016) và lợi nhuận sau thuế đạt 835 tỷ đồng, tương ứng EPS 2017 đạt 2.300 đồng/CP.
Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý về tình hình thủy văn miền Bắc tiếp tục thuận lợi cho các doanh nghiệp thủy điện trong quý III và IV/2017, dẫn tới sản lượng huy động từ nguồn giá rẻ này sẽ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, khiến sản lượng từ nhiệt điện có thể giảm nhẹ 0,43%, xuống còn 46,62%.
Cùng với đó, việc Bộ Công thương ngừng triển khai thị trường điện cạnh tranh và ưu tiên dùng điện khí sẽ giúp mặt bằng giá điện tăng so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá điện trung bình ASP đạt khoảng 1.223 đồng/kWh với dự báo giá than giảm 4% năm 2017. Thêm vào đó, từ năm 2017, giá trần trên CGM cũng tăng 8%.
“Chúng tôi dự báo biên lợi nhuận gộp của PPC năm 2017 có thể đạt khoảng 14%, cao hơn nhiều so với năm 2016 ở mức 8%”, báo cáo của BSC đánh giá.
Với dự đoán EPS 2017 là 2.300 đồng/CP, cổ phiếu PPC đang giao dịch tại mức P/E là 9.08x, trong khi mức trung bình ngành nhiệt điện hiện tại vào khoảng 15x, cho thấy PPC đang tương đối hấp dẫn ở thời điểm này.
Để phán ánh rủi ro của khoản đầu tư vào Nhiệt điện Quảng Ninh và Nhiệt điện Phả Lại 1 đã hết khấu hao, làm phát sinh lớn chi phí sửa chữa hàng kỳ và tác động tới sản lượng điện huy động từ nhà máy này, BSC cho rằng, PPC sẽ được giao dịch tại mức P/E 10.5x với giá khuyến nghị là 24.150 đồng/CP, trong khi giá PPC đang được giao dịch ở mức 22.750 đồng/CP (chốt phiên ngày 29/12).