Điều đọng lại từ vụ thất thoát vốn Nhà nước tại Oceanbank

(ĐTCK) Sau gần nửa tháng xét xử, vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm đã kết thúc ở giai đoạn sơ thẩm. Những cáo buộc về nguyên Chủ tịch và một số thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên quan trực tiếp đến vấn đề quản lý, bảo toàn, giám sát vốn nhà nước.
Các bị cáo nghe tuyên án ngày 29/3. Ảnh: TTXVN Các bị cáo nghe tuyên án ngày 29/3. Ảnh: TTXVN

Thực trạng bức tranh tài chính u ám của Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceabank) thời kỳ 2012 - 2014 một lần nữa được tái hiện trong bản án sơ thẩm do Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tuyên chiều 29/3/2018.

Hàng loạt số liệu cũ của Ngân hàng như lợi nhuận trước thuế sau thanh tra (ngày 31/3/2014) âm hơn 10.188 tỷ đồng; âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần tiếp tục được trích dẫn để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của các bị cáo nguyên là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và hậu quả xảy ra.

Bên cạnh trách nhiệm hình sự, Tòa án cũng quy buộc nghĩa vụ bồi thường dân sự đối với các bị cáo. Do giữ vai trò chính, bị cáo Đinh La Thăng lĩnh mức án 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, buộc bồi thường 600 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại, nguyên là thành viên Hội đồng quản trị PVN lĩnh án từ 15 tháng cải tạo không giam giữ đến 7 năm tù giam cùng về tội danh trên và liên đới bồi thường số tiền 200 tỷ đồng còn lại.

Nếu áp theo điều luật mà cơ quan tố tụng truy tố thì mức án và số tiền bồi thường trên thực ra không khó đoán định. Tuy nhiên, sau bản án, vẫn còn nhiều điều trăn trở, đặc biệt là câu chuyện “ký trước, báo cáo sau” phải được hiểu thế nào?

Những sai phạm của bị cáo Đinh La Thăng bắt nguồn từ việc ký Nghị quyết Hội đồng quản trị số 7289 ngày 1/10/2008 để PVN góp vốn 400 tỷ đồng vào Oceanbank và Nghị quyết số 4658 ngày 31/5/2010, góp bổ sung 300 tỷ đồng (đợt 2), nâng tổng số vốn góp của PVN tại Oceanbank lên 700 tỷ đồng (chiếm 20% vốn điều lệ của Oceanbank) khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Hội đồng xét xử, trước khi ra Nghị quyết góp vốn đợt 2, không có bất cứ tài liệu nào thể hiện bị cáo chỉ đạo PVN khảo sát, đánh giá lại tình trạng hoạt động của Oceanbank, mục đích tăng vốn điều lệ, hiệu quả đầu tư lần góp vốn lần đầu. Từ khi đồng ý phương án tăng vốn đến khi biểu quyết ban hành Nghị quyết để thực hiện, bị cáo không báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, sau khi nhận được Công văn số 7119/VPCP-ĐMDN ngày 7/10/2010 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng thường trực, bị cáo không chỉ đạo PVN rà soát lại các dự án, danh mục đầu tư, nguồn vốn của PVN để báo cáo lại Thủ tướng trước khi cho chuyển tiền góp vốn vào Oceanbank.

Sau khi ra các nghị quyết để thực hiện góp vốn 700 tỷ đồng, ông Đinh La Thăng mới có công văn đề nghị Chính phủ chấp thuận các phương án góp vốn.

Điều này là trái với khoản 3, Điều 27 (Quyền hạn của Hội đồng quản trị), Quy chế quản lý tài chính Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 142/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ quy định “trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và xây dựng, đầu tư ra ngoài công ty mẹ…”.

Trong phần nhận định, Hội đồng xét xử nhấn mạnh: “Cần phải nhận thức rằng Thủ tướng Chính phủ đồng ý về mặt nguyên tắc chủ trương góp vốn của doanh nghiệp, còn các doanh nghiệp nói chung, trong đó có PVN khi thực hiện đầu tư ra ngoài công ty mẹ đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về quy trình này, trong đó nhiều ý kiến còn đặt ra vấn đề tính tự chủ của doanh nghiệp.

Trước đó, đại diện PVN có một số lời trình bày tại tòa với tư cách nguyên đơn dân sự trong vụ án. Theo PVN, tinh thần thượng tôn pháp luật cần đi cùng với tính tự chủ của doanh nghiệp.

Việc PVN chủ động ký thỏa thuận với đối tác, ban hành các nghị quyết và quyết định nội bộ, sau đó xin ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền khi quy định của pháp luật yêu cầu là cần thiết để đáp ứng thực tiễn sản xuất kinh - doanh, với điều kiện hiệu lực thực thi của các văn bản trên phụ thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, điều này giúp người phê duyệt có cơ hội tiếp cận tối đa thông tin trước khi ra quyết định. Quy trình này phù hợp với thực tế công việc tại PVN nói riêng và hầu hết doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nói chung. Vì vậy, PVN mong Hội đồng xét xử lưu tâm để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và tính tự chủ của doanh nghiệp, trong đó có PVN.

Số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng đã tỏ tường khi Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc Oceanbank. Việc buông lỏng giám sát người đại diện phần vốn Nhà nước đối với người đứng đầu doanh nghiệp cũng được nêu ra. Song không chỉ đến khi vụ án này được đưa ra xét xử, các chuyên gia mới đặt vấn đề về bài toán quản lý vốn nhà nước.

Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định về việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với mục đích nhằm tách bạch chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Đề án này được kỳ vọng sẽ giải bài toán nâng cao hiệu quả quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Hà Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục