Điều doanh nghiệp cần

0:00 / 0:00
0:00
"Lúc này, được hoạt động thông suốt là điều doanh nghiệp cần hơn cả, chứ không hẳn là các giải pháp hỗ trợ tài chính”.
Trong báo cáo mới công bố của VASEP, chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Trong báo cáo mới công bố của VASEP, chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã nói như vậy sau khi suy nghĩ rất lâu trước câu hỏi, ông chờ đợi gì từ kịch bản phục hồi và thúc đẩy kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện.

Chính phủ hiện có rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, từ các nhóm giải pháp trước mắt như thúc đẩy tốc độ tiêm vắc-xin cho người lao động, giảm chi phí sản xuất thông qua các chính sách giãn, hoãn các khoản phải nộp..., đến những giải pháp dài hạn hơn như cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn...

Sẽ còn nhiều giải pháp hỗ trợ mạnh hơn, quyết liệt hơn cho doanh nghiệp mà các bộ, ngành, địa phương cấp bách thực hiện ngay khi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân đang hoạt động rốt ráo, khi Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được ban hành.

Sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp đang cạn dần nguồn dự trữ, cạn dần sức lực tìm được phao cứu trợ đúng lúc.

Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã xấu hơn rất nhiều so với một vài tháng trước. Nhiều ngành, lĩnh vực đã rơi vào thế đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi lưu thông hàng hóa khi các lần giãn cách tiếp tục kéo dài. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất là mắt xích trong các chuỗi cung ứng đã phải dừng hoạt động, giảm công suất... Nguy cơ mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng đã xuất hiện trong báo cáo của Bộ Công thương gửi Chính phủ.

Cũng phải nhấn mạnh rằng, trong báo cáo tình hình doanh nghiệp 8 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 8 tháng qua là 85.508 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có tới 43.165 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Đây cũng chính là nhóm doanh nghiệp có thể sẽ trở lại ngay khi nhận được các hỗ trợ kịp thời, phù hợp.

Nhưng vấn đề là các doanh nghiệp không thể tồn tại nếu không được hoạt động.

Trong báo cáo do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) công bố đầu tuần này, chỉ 30-40% doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Số doanh nghiệp còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại sản xuất do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, doanh nghiệp bị mất khách hàng do giãn cách quá lâu, do không đảm bảo tiến độ giao hàng.

Đặc biệt, mối lo lớn đang nổi lên là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vắc-xin, nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid-19… Đó là chưa kể chủ trương của nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 cùng với việc chỉ tập trung vào mục tiêu chống dịch...

“Đây là lúc mọi điều hành của Chính phủ cần đảm bảo yêu cầu thông suốt, từ các giải pháp phòng chống dịch bệnh đến hỗ trợ doanh nghiệp, không thể để tái diễn tình trạng ách tắc lưu thông, cả con người lẫn hàng hóa chỉ bởi các yêu cầu giấy phép không phù hợp. Không thể bàn về phục hồi kinh tế nếu mỗi địa phương, mỗi ngành thực thi một cách. Vài ngày trước, có doanh nghiệp nhắn tôi, họ đã đợi cả đêm để hoàn thành các thủ tục cấp giấy đi đường, trong khi Thủ tướng Chính phủ đã nói không để phát sinh thêm bất cứ loại giấy phép con nào”, ông Cung bày tỏ quan điểm về sự thông suốt trong bối cảnh bình thường mới mà ông và nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi.

Điều này có nghĩa, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần phải đặt trong một chương trình phục hồi, kích thích kinh tế, với hệ thống các giải pháp tạo nên sức cộng hưởng, từ đầu tư công, kích thức đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài... đến nghiên cứu, đề xuất các danh mục ưu đãi đầu tư mới phù hợp với mô hình tăng trưởng mới, với xu thế chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... Các chính sách an sinh, hỗ trợ đào tạo lao động... cũng phải được cân nhắc ngay.

Tất nhiên, trong bối cảnh hiện tại, nỗ lực phục hồi có thể sẽ phải bắt đầu từ việc chấp nhận những nỗi đau. Đó là sẽ có những doanh nghiệp phá sản, dừng lại. Ngoài ra, có thể có những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay không đạt được như kế hoạch... Song với nguyên tắc và yêu cầu thông suốt trong chỉ đạo, điều hành, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại cũng như giải pháp dài hạn sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư mới, thúc đẩy cơ hội kinh doanh mới. Khi đó, doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ không chỉ là đứng dậy tại vị trí cũ, mà vươn lên với sức chống chịu mới, năng lực mới cùng cơ hội mới.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục