Ngày 25/11, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về báo cáo kỳ II điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Báo cáo tại hội nghị, liên danh tư vấn đề xuất qua nghiên cứu và đánh giá quy hoạch, TP.HCM phát triển theo mô hình đa trung tâm là phù hợp. Khi đó, sẽ xây dựng những trung tâm đô thị quy mô lớn ở các cửa ngõ Thành phố- nơi có quỹ đất lớn, giá đất thấp, nhằm kiến tạo nơi sống và làm việc cho số đông người lao động và tăng mật độ dân số.
Vì vậy, đơn vị tư vấn đề xuất quy hoạch phát triển 5 vùng đô thị gồm: vùng trung tâm (khu trung tâm hiện hữu, quận Bình Thạnh, một phần quận 12 và Gò Vấp); TP Thủ Đức; TP phía Bắc (huyện Hóc Môn, Củ Chi); TP phía Tây (khu vực quận Bình Tân, huyện Bình Chánh); TP phía Nam (Quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ).
Góp ý cho bản quy hoạch, ông Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lưu ý, khi làm quy hoạch thì cũng cần chuẩn bị ngay một kế hoạch để thực hiện tránh trường hợp có quy hoạch rồi nhưng kế hoạch không theo kịp dẫn đến vỡ quy hoạch. Ông cũng lưu ý khi điều chỉnh quy hoạch chung cần chú ý đến vấn đề văn hóa, dù là thành phố hội nhập nhưng vẫn phải có đặc trưng riêng, có cái hồn của đô thị.
Nhìn nhận quy hoạch ở tầm nhìn dài hạn, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, bản dự thảo quy hoạch chọn hướng phát triển chủ đạo về phía Nam Thành phố là chưa hợp lý.
Ông Sơn cho rằng, theo quy hoạch dân số TP.HCM sẽ tăng lên hơn 20 triệu người khiến nhu cầu về nhà ở càng lớn. Nếu phát triển nhà ở khu vực phía Nam (Quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ) đây vùng đất thấp lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nước biển dâng và biến đổi khí hậu nên không phù hợp cho việc xây dựng đô thị, tăng mật độ dân số tại khu vực này.
Vì vậy, nên chọn hướng phát triển chủ đạo về hướng Tây Bắc (khu vực Hóc Môn, Củ Chi) vì khu vực này có nền đất cao phù hợp cho việc xây dựng các khu nhà ở cao tầng, giá rẻ cho người lao động vì nền móng vững chắc, chi phí xây dựng thấp.
“Phương án trên vừa giúp TP.HCM giãn dân ở khu vực nội thành, vừa giúp giảm thiệt do tình trạng biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng gây ngập úng. Và quan trọng nhất là việc phát triển đô thị về hướng Tây Bắc sẽ giúp Thành phố không tốn kém chi phí để giải quyết các vấn đề như ngập úng về sau” ông Sơn đề xuất.
Vị chuyên gia này cho rằng, hiện nay Cần Giờ vẫn phải ưu tiên là khu dự trữ sinh quyển, mọi sự phát triển ở đây phải đặt vấn đề môi trường lên hàng đầu. Ông Sơn lo ngại khi phát triển các khu đô thị và cảng biển ở Cần Giờ, nếu lấy đường Rừng Sác là trục đường chính thì sẽ “phá” hỏng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
Vì vậy, cần xây dựng một tuyến đường vòng qua khu đô thị ở phía tây Cần Giờ làm trục đường chính, còn đường Rừng Sác để phục vụ du lịch với mật độ xe ít.
Tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi giao Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng đơn vị tư vấn tổng hợp, phân nhóm các ý kiến đóng góp.
Những ý kiến áp dụng được thì cập nhật trong quá trình hoàn thiện đồ án, những nội dung cần nghiên cứu tiếp thì có thông báo cho các chuyên gia, các nhà khoa học tham gia góp ý. Trong đó, những vấn đề liên quan đến tầm nhìn cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp.
Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh lần điều chỉnh quy hoạch này Thành phố sẽ kiến tạo những không gian phát triển mới. Dự kiến, TP.HCM sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Xây dựng trong tháng 1/2024.