Đầu tháng 3/2015, Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC công bố bản báo cáo nhận định, lạm phát vẫn tăng chậm hơn và về gần tới mức 0, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm thêm mức 0,5% đối với lãi suất thị trường mở (OMO). Song song với đó, các ngân hàng thương mại cũng giảm thêm lãi suất huy động của các kỳ tiền gửi ngắn hạn dao động ở mức khoảng 0,3%-0,5%/năm.
Mặc dù một lãnh đạo cao cấp NHNN tại thời điểm đó đã chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, NHNN chưa có động thái cắt giảm lãi suất nhưng thị trường khá âm ỉ về khả năng NHNN cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng cơ hội để hạ lãi suất là không còn nhiều với nguyên nhân là “điện, xăng tăng giá ngáng đường hạ lãi suất”.
Trong diễn biến mới nhất của hai mặt hàng chiến lược này, từ chiều ngày 11/3, xăng tăng giá đột ngột 1.600 đồng/lít và tiếp đó ngày 16/3, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên là 1.622,05 đồng/kW/h (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 7,5% so với giá bán lẻ điện bình quân trước ngày 16/3 là 1.508,85 đồng/KWh.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 trên địa bàn Hà Nội vừa công bố cho thấy đã tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 0,65% so cùng kỳ năm ngoái. Dù giá hai mặt hàng trên chưa phản ánh nhiều lên giá cả các hàng hóa khác, tuy nhiên, trong tháng 4 tới đây điều này sẽ xảy ra. Đây là nguyên nhân nhận định rằng CPI tháng 4/2015 có thể sẽ duy trì mức tăng khá cao do tác động mạnh và rõ hơn từ việc tăng giá xăng, điện vừa qua.
“Giá điện, xăng tăng có thể ảnh hưởng tới CPI tăng khoảng 0,3 - 0,5% tuy nhiên, mức tăng của lạm phát sẽ không đáng kể và dự kiến cả năm lạm phát cũng chỉ khoảng 4%. Như vậy, với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm có thể giảm thêm mức 1%/năm nữa mà vẫn còn lợi nhuận thực dương 0,5 điểm phần trăm”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định.
Đồng quan điểm trên, Tổng Giám đốc một ngân hàng cho rằng, giá điện, điện và xăng dầu tăng có tác động khiến CPI tăng giá, nhưng nếu nói là ngáng trở hạ lãi suất là không hẳn. Có nhiều khả năng hạ lãi suất tiền gửi vì tiền trong hệ thống khá dồi dào mà mức độ cho vay ra vẫn khá chậm chạp.
“Số liệu tăng trưởng tín dụng được NHNN công bố cho biết, hoạt động cho vay trong 2 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng dương 0,68% nhưng việc cho vay ra trên thực tế vẫn rất trì trệ. Cần có những động thái khẩn trương từ đầu năm để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra và lãi suất huy động có khả năng giảm tiếp để hỗ trợ lãi suất cho vay giảm”, vị Tổng Giám đốc nói.
Thông tin NHNN cho biết, lãi suất cho vay VND dành cho các lĩnh vực ưu tiên được các TCTD áp dụng phổ biến ở mức 7%/năm đối với kỳ hạn ngắn, lãi suất cho vay trung dài hạn được các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng ở mức 9-10%/năm; lãi suất cho vay dành cho các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 7-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9,5-11%/năm đối với trung dài hạn.
Như vậy, mặt bằng lãi suất cho vay đang thấp hơn mức lãi suất trong thời kỳ 2005-2006. Từ những ngày đầu tháng 3/2015, mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm từ 0,3-0,5% và đều dưới mức trần theo qui định là 5,5%/năm. Điều này đã tạo ra xu hướng giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới, được kỳ vọng quanh mức 0,5-1%/năm trong năm nay.
Bên cạnh đó, các ý kiến đều cho rằng, hạ lãi suất còn phải tính đến mối tương quan giữa lãi suất đồng USD với VND và câu chuyện tỷ giá trong bối cảnh thị trường ngoại hối biến động hai tuần qua. Đồng thời, liệu có thể dẫn đến sự dịch chuyển hành vi của nhà đầu tư khi chuyển dòng tiền từ VND sang USD, hay vàng hoặc thị trường bất động sản và thậm chí cả TTCK. Thực tế, gần đây thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc và TTCK tăng điểm trở lại.
Nếu thực hiện theo lãi suất thực dương thì vẫn còn cơ sở hạ lãi suất nữa, tuy nhiên trước sự biến động của tỷ giá thời gian qua thì việc hạ lãi suất nữa sẽ dẫn tới rủi ro khi người dân chuyển tiền gửi của mình sang nắm giữ USD, hoặc chuyển hướng sang các thị trường có tính rủi ro hơn.