Điện Quang (DQC) bao giờ mới sáng?

(ĐTCK) Là một trong những doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng lớn nhất cả nước, nhưng kết quả kinh doanh của CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) từ năm 2015 đến nay lại liên tục sụt giảm, thị giá cổ phiếu theo đó cũng lao dốc.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Lợi nhuận tiếp tục suy giảm

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 của Ðiện Quang cho biết, trong quý này, doanh thu của Công ty chỉ đạt 189 tỷ đồng, giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù biên lợi nhuận gộp được cải thiện, đạt 29,1% so với mức 20% cùng kỳ, nhưng không đủ bù đắp ảnh hưởng từ sự giảm mạnh của doanh thu. Kết quả, Công ty thu về 55 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 4,5%.

Một số ý kiến phân tích đánh giá, biên lợi nhuận của DQC tăng là nhờ Công ty thay đổi cơ cấu doanh thu với sản phẩm đèn LED, có biên lợi nhuận gộp cao và giảm dần tỷ trọng các sản phẩm đèn truyền thống như huỳnh quang, compact, đèn tròn… nhưng mức tăng trưởng của mảng này chưa đủ bù đắp cho sự sụt giảm nhanh của mảng truyền thống do tỷ trọng đóng góp lớn trong tổng doanh thu của mảng này.

Giải trình về kết quả kinh doanh quý III, DQC cũng cho biết, sự sụt giảm nhanh của các sản phẩm truyền thống, một số dòng mặt hàng phải ngừng sản xuất do không hiệu quả là nguyên nhân doanh thu giảm mạnh.

Trong khi đó, Công ty đang phải đầu tư nhân sự, hệ thống, phương tiện, kho bãi cho kênh bán hàng gia dụng đang xây dựng, cũng như mở rộng sản xuất. Kết quả là nguồn tiền giảm mạnh, kéo lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm, trong khi các chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh lần lượt 39,6% và 44,3%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất thu về chỉ 9,4 tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ 2018, ghi nhận quý có lợi nhuận trước thuế thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, trong khi doanh thu của Ðiện Quang giảm 20,6% so với cùng kỳ 2018 thì lợi nhuận trước thuế giảm 67,6%, chỉ đạt 30,1 tỷ đồng,

Tại Ðại hội đồng cổ đông hồi đầu năm, dù đã rất thận trọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 60 tỷ đồng, giảm 47% so với mức thực hiện năm 2018 trong khi doanh thu tương đương năm ngoái, nhưng với việc chỉ hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu, lợi nhuận sau 9 tháng, Ðiện Quang được dự báo khó có thể hoàn thành mục tiêu doanh thu, lợi nhuận năm nay. Nếu điều này diễn ra, Công ty sẽ trải qua năm thứ 5 liên tiếp sụt giảm lợi nhuận.

Điện Quang (DQC) bao giờ mới sáng? ảnh 1

Lợi nhuận giảm đã ảnh hưởng đến tình hình chi trả cổ tức của Ðiện Quang. Từ mức cổ tức tiền mặt 30% mệnh giá trong giai đoạn 2016 - 2018, năm nay, Công ty đặt kế hoạch giảm mạnh xuống chỉ còn 15%. Nhưng với tình hình hiện nay, kế hoạch này được đánh giá khó có thể đảm bảo.

Trước diễn biến kém tích cực của tình hình kinh doanh, thị giá cổ phiếu DQC đã liên tục suy giảm. Ðóng cửa phiên giao dịch ngày 6/11/2019 tại 16.900 đồng/cổ phiếu, thị giá sau điều chỉnh các quyền cổ tức được nhận đã giảm hơn 70% trong vòng 3 năm qua.

Tính từ đầu năm đến nay, thị giá DQC đã giảm 39%, cho thấy sự mất kiên nhẫn của nhà đầu tư với triển vọng phục hồi của doanh nghiệp.

Dòng tiền suy yếu, nguồn tiền dự trữ giảm mạnh

Không chỉ doanh thu, lợi nhuận giảm, dòng tiền cũng là vấn đề đáng ngại với Ðiện Quang. Những năm qua, dù kinh doanh có lợi nhuận nhưng dòng tiền kinh doanh thu về âm hoặc thấp hơn đáng kể so với lợi nhuận.

Năm 2017 và 2018, nếu như lợi nhuận sau thuế ghi nhận lần lượt là 110,3 tỷ đồng và 90 tỷ đồng thì dòng tiền hoạt động kinh doanh lại âm 53,3 tỷ đồng và 13,3 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là các khoản phải thu và tồn kho tăng mạnh khiến nhu cầu vốn lưu động gia tăng.

Trong 9 tháng đầu năm nay, tình hình cũng chưa được cải thiện, trong khi lợi nhuận sau thuế thu về 23,6 tỷ đồng thì dòng tiền hoạt động kinh doanh âm gần 3 tỷ đồng.

Trong kỳ, dù khoản phải thu của khách hàng và trả trước cho người bán giảm gần 170 tỷ đồng nhưng các khoản phải trả cũng giảm mạnh, còn hàng tồn kho tăng thêm hơn 30 tỷ đồng khiến dòng tiền kinh doanh chưa có thặng dư.

Dòng tiền kinh doanh âm, song nhu cầu đầu tư, trả nợ, trả cổ tức của Ðiện Quang vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, Công ty đã chi ra 28,5 tỷ đồng đầu tư tài sản cố định, chi 120 tỷ đồng trả các khoản nợ vay ngắn và dài hạn; đồng thời chi trả cổ tức cho cổ đông 47 tỷ đồng và chi gần 100 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ.

Tình hình còn khó khăn hơn khi tháng 4/2019, Công ty bị Tổng cục Thuế ra quyết định xử lý vi phạm về thuế năm 2016; 2016; 2017 và các khoản phải nộp khác với tổng số tiền lên đến 37,93 tỷ đồng.

Nếu như tại thời điểm cuối năm 2017, nguồn tiền và tiền gửi các loại của Công ty lên đến 581 tỷ đồng thì đến 30/9/2019, số dư chỉ còn lại 168 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng qua, số dư tiền các loại của Công ty đã giảm 270 tỷ đồng.

Số dư tiền gửi giảm, tất yếu khoản mục lãi tiền gửi trong doanh thu tài chính cũng giảm theo. Năm 2018, lãi tiền gửi Công ty ghi nhận là 30,5 tỷ đồng, giảm 26,9% so với năm 2017. 9 tháng đầu năm nay, lãi tiền gửi ghi nhận là 9,4 tỷ đồng, tương ứng giảm đến 64% so với cùng kỳ 2018.

Triển vọng kinh doanh chưa sáng

Thành lập từ năm 1973, Ðiện Quang được biết đến là một trong những tên tuổi sản xuất, kinh doanh các loại bóng đèn, thiết bị chiếu sáng lớn nhất cả nước.

Với vị thế dẫn đầu về năng lực sản xuất, thương hiệu tên tuổi, uy tín, Ðiện Quang nhận được rất nhiều kỳ vọng khi kinh tế trong nước duy trì mức tăng trưởng cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân được cải thiện khiến nhu cầu thiết bị chiếu sáng tăng theo.

Thị trường bất động sản phục hồi, đặc biệt là phân khúc bất động sản khu công nghiệp, thương mại đem đến triển vọng sáng cho mảng công trình của Công ty.

Thêm vào đó, việc Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu của Công ty.

Trái ngược với kỳ vọng, kết quả kinh doanh Công ty lại không mấy khả quan. Nguyên nhân được đánh giá đến từ việc các sản phẩm thiết bị chiếu sáng vốn không có nhiều khác biệt, đã dẫn đến khiến cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt.

Như tại phân khúc các sản phẩm LED, báo cáo tháng 4/2019 của CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) dẫn nghiên cứu của IMARC Group, dù dự báo thị trường đèn LED Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 18%/năm trong giai đoạn 2018 - 2023, nhưng áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng cao khi có 200 doanh nghiệp tham gia sản xuất, trong đó có tới 20 công ty nước ngoài như Phillip, Osram… và 3.600 doanh nghiệp nhỏ lắp ráp các linh kiện giá rẻ nhập khẩu cũng như thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các công ty nước ngoài như City Lighting, E-GM Tech bắt đầu chuyển nhà máy sản xuất đèn từ Trung Quốc về Việt Nam.

Các doanh nghiệp trong nước cũng không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, giảm giá thành, giá bán nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Tại Việt Nam, việc thuế nhập khẩu các sản phẩm đèn LED đang là 0% cũng được TVSI đánh giá là nguyên nhân khiến tính cạnh tranh trên thị trường càng khốc liệt với “trên 60% thị phần đèn LED Việt Nam là các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Trong báo cáo thường niên 2019 của Ðiện Quang cũng đã nhận diện rõ những thách thức của Công ty.

Ðó là, ngày càng có nhiều doanh tham gia vào ngành chiếu sáng; Việt Nam chưa có hàng rào kỹ thuật để hạn chế sản phẩm chiếu sáng LED có chất lượng thấp; sự cạnh tranh khốc liệt về giá với các sản phẩm chiếu sáng LED có xuất xứ từ Trung Quốc; Việt Nam chưa có các chính sách bảo hộ về thuế quan cho sản xuất chiếu sáng trong nước.

Áp lực cạnh tranh khiến Công ty phải cắt giảm giá bán để duy trì sức cạnh tranh, đồng thời gia tăng chiết khấu, khuyến mãi dẫn đến chi phí bán hàng tăng mạnh, kéo lợi nhuận đi xuống. Thời gian thanh toán công nợ cho nhà phân phối cũng bị kéo dài, khiến khoản phải thu tăng mạnh, làm nhu cầu vốn lưu động tăng, vòng quay chuyển đổi tiền mặt bị kéo dài đáng kể.

Áp lực cạnh tranh từ hàng nhập khẩu cũng là nguyên nhân khiến Ðiện Quang không được đánh giá hưởng lợi nhiều khi nhà máy của Rạng Ðông tại Hà Nội xảy ra vụ cháy lớn vào ngày 28/8/2019 với thiệt hại ước tính 150 tỷ đồng, hàng triệu sản phẩm bị phá hủy và ảnh hưởng đáng kể đến năng lực sản xuất.

Rõ ràng, dù nhìn nhận một cách tổng thể, triển vọng tăng trưởng của mảng chiếu sáng nói chung, đèn LED nói riêng của Việt Nam vẫn còn rất lớn, Ðiện Quang cũng có lợi thế nhất định từ thương hiệu có tên tuổi, mạng lưới phân phối rộng và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cũng như cơ cấu tài chính vẫn còn khá tốt với tỷ lệ vay nợ thấp.

Tuy vậy, khi khó khăn chung của ngành chưa được giải quyết, không nhiều nhà đầu tư tự tin vào khả năng phục hồi tăng trưởng lợi nhuận của Công ty trong năm tới. Nhất là khi chi phí của Công ty sẽ tăng thêm khi nhà máy đèn LED tại khu công nghệ cao quận 9, TP.HCM đi vào hoạt động.

Tính đến 30/9/2019, chi phí dở dang của Công ty là 151,4 tỷ đồng, chiếm 10% tổng tài sản, chủ yếu là nguồn lực đầu tư cho nhà máy này.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục