Hoàn vốn lâu
Dự án Điện gió Phú Lạc của Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình đã hoàn tất giai đoạn I với quy mô 24 MW, gồm 12 trụ tua-bin có công suất 2 MW/trụ. Năm 2009, sau khi Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình được thành lập, việc đầu tưvào lĩnh vực phong điện đã được triển khai. Tuy nhiên, phải tới tận tháng 7/2015, Dự án mới hoàn tất các công tác chuẩn bị, đặc biệt là thu xếp xong tài chính để chính thức khởi công xây dựng giai đoạn I.
Có quy mô đầu tư hiện tại khoảng 1.100 tỷ đồng, trong đó vốn vay của Ngân hàngTái thiết Đức (KfW) chiếm 85%, vào tháng 9/2016, cả 12 trụ điện gió của giai đoạn I đã được tiến hành nghiệm thu và chính thức phát điện hoà lưới điện quốc gia. Tính tới thời điểm hiện nay, Công ty đã phát được 56 triệu kWh lên lưới điện.
Đầu tư vào điện sạch, nhưng tâm tư lớn nhất của doanh nghiệp chính là giá mua điện sạch hiện nay quá thấp, khiến doanh nghiệp rất vất vả.
Với giá mua điện gió 7,8 UScent/kWh và chưa nhìn thấy tín hiệu tăng thêm, giai đoạn I của Dự án Điện gió Phú Lạc có quy mô đầu tư 1.100 tỷ đồng, tính ra phải mất ít nhất 14 năm để hoàn vốn.
Ông Bùi Vạn Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cho hay, doanh thu một năm đạt gần 100 tỷ đồng, nhưng mất 80 tỷ đồng để trả nợ vốn vay và lãi, phần còn lại chỉ đủ để trang trải cho vận hành, bảo dưỡng và trả lương.
Được biết, Hiệp hội Điện gió Bình Thuận đã đề xuất Bộ Công thương, Chính phủ nâng giá mua điện gió lên 9,5 UScent/kWh từ năm 2016 và trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Thuận đầu năm 2017 có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đề nghị này cũng đã được nhắc lại.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Thịnh cho hay, nếu giá điện gió không tăng, Công ty sẽ không đầu tư thêm vào điện gió vì không có lãi. Hiện ngoài giai đoạn I đã đi vào vận hành, Công ty đang có kế hoạch triển khai thêm 4 dự án điện gió khác tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lắc và Gia Lai, với tổng quy mô lên tới 500 MW. Tuy nhiên, tất cả đều đang chờ tín hiệu giá.
Với giá mua điện gió 7,8 UScent/kWh và chưa nhìn thấy tín hiệu tăng thêm, giai đoạn I của Dự án Điện gió Phú Lạc có quy mô đầu tư 1.100 tỷ đồng, tính ra phải mất ít nhất 14 năm để hoàn vốn.
Theo ông Thịnh, với giá điện gió hiện nay, rất khó để các nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án điện gió để đạt được con số 800 MW vào năm 2020.
Phân tích về giá mua điện và năng lực nội địa hóa thiết bị để kích thích phát triển dự án điện gió, vị này cho hay, hiện Việt Nam chỉ nội địa hóa được một phần nhỏ trong tổng chi phí. Chẳng hạn phần trụ gió có thể chế tạo trong nước (chiếm 20% giá thành), còn lại hầu hết phải nhập khẩu.
Trong tương lai, Việt Nam có thể sản xuất được thêm phần cánh quạt (10% giá thành), máy phát (7%) và một số phần nhỏ khác…, với khả năng nội địa hóa tối đa chỉ khoảng 40-50%, còn lại những phần chính như tua-bin gió phải nhập khẩu. Hiện phần cột gió đã có một doanh nghiệp Hàn Quốc tại Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) sản xuất được và phần máy phát do một nhà đầu tư của Mỹ sản xuất tại Hải Phòng.
Cơ hội với mặt trời
Ngoài đầu tư vào điện gió, Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình cũng lắp đặt xong mô hình thí điểm điện mặt trời để chuẩn bị cho một quy mô lớn hơn.
Cụ thể, tại trên diện tích 400 ha của Dự án Điện gió Phú Lạc, Công ty đã có kế hoạch đầu tư 150 MW điện mặt trời với 3 giai đoạn đều nhau. Hiện giai đoạn I của Nhà máy Điện mặt trời Phú Lạc với công suất 50 MW đang triển khai các bước lập FS, đánh giá tác động môi trường, vay vốn và ký hợp đồng mua điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
“Về lâu dài, nếu thị trường điện gió Việt Nam phát triển mạnh, đủ sức thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực sản xuất các phần khó hơn, thì hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa cao hơn 40%. Quan trọng nhất bây giờ là thị trường đầu ra của điện gió, trong đó nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng chờ Chính phủ tăng giá mua điện. Với mức giá 7,8 UScent/kWh, hiện rất khó cân bằng tài chính dự án, nên nhiều nhà đầu tư còn lưỡng lự”, ông Thịnh cho biết.
Ông Thịnh cho hay, theo tính toán của Công ty, làm điện mặt trời hiệu quả hơn điện gió.
Giá điện mặt trời đã được phê duyệt ở mức tương đương 9,35 UScent/kWh. Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đưa ra triển vọng và đặt kế hoạch khai thác được khoảng 850 MW điện mặt trời vào năm 2020; sẽ nâng lên 4.000 MW vào năm 2025 và có thể khai thác khoảng 12.000 MW vào năm 2030.
Với thực tế là các tấm pin/lưới năng lượng cần diện tích rất lớn, được cho là khó khăn trong đầu tư phát triển năng lượng mặt trời, EVN và các nhà đầu tư đã nghiên cứu tận dụng diện tích mặt nước trên các hồ và hồ thủy điện Đa Nhim đang được tính toán là dự án chiến lược, thí điểm.
Ông Nguyễn Trọng Oánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi cho biết, hồ Đa Nhim có đặc điểm lặng gió, xung quanh kín, mực nước dao động rất thấp, tối đa chỉ 2 m và ở vùng có bức xạ mặt trời rất lớn. Số liệu khảo sát của Công ty từ tháng 4/2016 đến nay cho thấy bức xạ mức cao so với trung bình của Việt Nam.
“Tiềm năng của hồ này cực lớn. Diện tích của mặt hồ dự tính cho khoảng 400 MW điện, nhưng giai đoạn I chúng tôi làm khoảng 50 MW. Hiện nay, chúng tôi đang lập báo cáo đầu tư”, ông Oánh cho biết.