Diện mạo mới của thị trường bảo hiểm Việt Nam

(ĐTCK-online) Vượt qua khó khăn do nền kinh tế suy giảm, các DN bảo hiểm vẫn vươn lên mạnh mẽ. Không chỉ đảm bảo an toàn hệ thống, ổn định trong hoạt động, các DN còn đạt được mức tăng trưởng cao. Đây là dấu ấn rất đáng ghi nhận của các DN bảo hiểm Việt Nam vào thời điểm 10 năm ngày truyền thống của ngành. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm.
Ông Trịnh Thanh Hoa Ông Trịnh Thanh Hoa

Thị trường bảo hiểm đến nay đã có sự tăng trưởng về quy mô DN và người dân tham gia bảo hiểm với mức tăng trung bình 15%/năm. Ông nhận định gì về con số này?

Trong báo cáo ngày 8/12/2009, Ngân hàng Thế giới đánh giá: “Trong vài năm vừa qua, khu vực bảo hiểm của Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng đáng chú ý. Mặc dù còn rất non trẻ, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã vượt qua các thị trường của Indonesia và Philippines về số lượng và quy mô các công ty cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ”. Tiềm năng thị trường bảo hiểm ở nước ta còn rất lớn, bao gồm bảo hiểm con người, tài sản và trách nhiệm, kể cả những loại hình bắt buộc mới khai thác được 80 - 90%. Nhưng nếu tính về tốc độ tăng trưởng thì tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm vượt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế gấp 2 - 3 lần. Ví dụ, năm 2008, GDP tăng 6,23% trong khi doanh thu phí bảo hiểm tăng 20% so với năm 2007; năm 2009, dự kiến GDP tăng khoảng 6%, trong khi doanh thu phí bảo hiểm dự kiến tăng khoảng 15% so với năm 2008. Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường vẫn còn nhiều, kể cả lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ. Nếu các DN bảo hiểm tập trung khai thác vào các lĩnh vực tiềm năng, doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng hơn nữa. Ngoài ra, các DN bảo hiểm cũng cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý rủi ro, từ đó đẩy mạnh tăng trưởng về hiệu quả.

 

Ông có thể cho biết, những lĩnh vực nào các DN bảo hiểm nên quan tâm khai thác trong điều kiện hiện nay?

Hiện còn một số lĩnh vực mà các DN bảo hiểm đang bỏ ngỏ hoặc chưa chú trọng khai thác. Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, hiện có 11 DN khai thác được tất cả 6 triệu hợp đồng bảo hiểm trên tổng số khoảng 86 triệu dân. Trong số 80 triệu dân còn lại, có rất nhiều người nghèo không có đủ khả năng tham gia các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thông thường. Vì vậy, DN bảo hiểm nhân thọ cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm vi mô (bảo hiểm dành cho người nghèo, với số tiền bảo hiểm và mức phí bảo hiểm thấp). Ngoài ra, hệ thống y tế, hưu trí của Việt Nam chưa cao, các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, liên kết đơn vị còn mới, các DN bảo hiểm nhân thọ nên tích cực liên kết với ngân hàng, bưu điện…, để phát triển các sản phẩm này, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, các DN bảo hiểm cũng cần lưu ý mở rộng, phát triển các kênh phân phối, phát triển nhiều sản phẩm bảo hiểm mới để người dân ở mọi vùng miền có thể tiếp cận.

Diện mạo mới của thị trường bảo hiểm Việt Nam ảnh 1

Tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm vượt tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế gấp 2 - 3 lần

Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, hiện nay trên thị trường có 27 DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực chưa được bảo hiểm hoặc bảo hiểm rất hạn chế, ví dụ như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, bảo hiểm bảo lãnh, các loại hình bảo hiểm trách nhiệm đối với bên thứ ba... Việc triển khai các loại hình bảo hiểm này còn hạn chế do nhận thức, khả năng tài chính của bên mua bảo hiểm, do hiệu quả kinh doanh không cao đối với DN bảo hiểm và do Nhà nước chưa có nhiều cơ chế hỗ trợ đẩy mạnh các sản phẩm này. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, DN bảo hiểm và các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của bảo hiểm.

 

Theo ông, các DN bảo hiểm nên thực hiện những biện pháp gì để đảm bảo phát triển bền vững?

Các DN bảo hiểm cần rà soát lại hoạt động kinh doanh của mình, có chiến lược ngắn hạn và dài hạn, tái cấu trúc công ty. Đồng thời, chủ động thực hiện các quy định về an toàn tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán của DN. Xây dựng các phương án cụ thể đối phó khi khả năng xấu nhất xảy ra. Thực hiện chính sách quản lý chi phí hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng công tác quản trị điều hành, giảm thủ tục hành chính, nâng cao công tác tự quản thông qua xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình quản lý nghiệp vụ; kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo hiểm. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh để giảm thiểu chi phí, hạn chế các trường hợp trục lợi bảo hiểm. Nghiên cứu, phát triển và đa dạng hoá sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, trình độ nhận thức và sự phát triển của thị trường; tăng cường tính minh bạch của sản phẩm nhằm củng cố niềm tin của người tham gia bảo hiểm. Cần tập trung vào các mảng thị trường còn bỏ ngỏ và nhiều tiềm năng. Cùng với đó là duy trì và nghiên cứu phát triển các kênh phân phối sản phẩm mới qua ngân hàng, bưu điện, e-commerce, telemarketing..., nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

 

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến việc hạ phí bảo hiểm tràn lan là một trong những bất cập tồn tại trên thị trường. Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp gì để hạn chế các bất cập này, làm lành mạnh thị trường bảo hiểm trong thời gian tới?

Trên thế giới, Luật Kinh doanh bảo hiểm nghiêm cấm các DN hạ phí dưới mức phí chuẩn (hoạt động kinh doanh bảo hiểm dựa trên xác xuất thống kê tổn thất). Tại Việt Nam, từ nhiều năm trước đây, các DN bảo hiểm, đặc biệt là các DN bảo hiểm phi nhân thọ hay cạnh tranh dưới hình thức hạ phí bảo hiểm hay chi trả tiền hoa hồng trực tiếp cho khách hàng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiện tượng này ngày càng giảm do các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng chặt chẽ. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các DN bảo hiểm được thực hiện thường xuyên, quy mô lớn và chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, theo quy định mới về xử phạt hành chính các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bên cạnh việc áp dụng hình thức phạt tiền đối với tổ chức và cá nhân vi phạm, các biện pháp xử phạt bổ sung như buộc bãi nhiệm chức danh đã được Bộ Tài chính phê chuẩn hay đình chỉ chức danh do DN đã bổ nhiệm, thu hẹp có thời hạn phạm vi hoạt động của DN bảo hiểm…, thực sự có tính răn đe, khiến các DN nghiêm túc hơn rất nhiều trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000. Theo đó, chúng tôi đang cân nhắc việc yêu cầu các DN bảo hiểm đăng ký quy tắc, điều khoản và biểu phí trước khi áp dụng, tránh hạ phí tuỳ tiện, đồng thời tạo mặt bằng chung cho toàn thị trường, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh. Sắp tới, Bộ Tài chính có thể thuê chuyên gia tính phí độc lập để xem xét, đánh giá việc tính phí, trích lập dự phòng của các DN bảo hiểm nhằm giúp thị trường phát triển bền vững.

Thanh Đoàn thực hiện.
Thanh Đoàn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục