Việc ban hành Luật Kiểm toán độc lập, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động kiểm toán độc lập, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đang tạo ra một diện mạo mới cho thị trường.
Cùng với sự ra đời của TTCK, dịch vụ kiểm toán độc lập cũng có những bước tiến vượt bậc về số lượng và chất lượng. Theo thống kê của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), tính đến ngày 20/3/2012, cả nước đã có 152 công ty kiểm toán đăng ký hành nghề, thu hút gần 10.000 người lao động, trong đó, có trên 1.400 kiểm toán viên.
Dư địa hoạt động của công ty kiểm toán rộng hơn, tạo đà cho sự phát triển của thị trường này
Doanh thu toàn ngành liên tục tăng trưởng. Nếu như năm 2009, doanh thu toàn ngành đạt 2.200 tỷ đồng, thì đến năm 2010, con số này là 2.743 tỷ đồng và năm 2011 là 3.046 tỷ đồng. Trong năm 2011, cả nước có thêm 7 công ty kiểm toán mới được thành lập theo hình thức công ty TNHH 2 thành viên; 43 công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán DN niêm yết, công ty đại chúng, so với con số 35 công ty trong năm 2010. Đến hết năm 2011, đã có trên 2.400 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên cấp nhà nước.
Thông qua hoạt động dịch vụ kiểm toán và tư vấn tài chính, kế toán, những năm qua, các công ty kiểm toán đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp, các dự án quốc tế, nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp nắm bắt được kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách về tài chính, loại bỏ được chi phí bất hợp lý, tạo lập các thông tin tài chính tin cậy. Hoạt động kiểm toán độc lập đã xác định được vị trí trong nền kinh tế thị trường, góp phần thực hiện công khai minh bạch thông tin tài chính, ngăn ngừa và phát hiện sai phạm tài chính, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành kinh tế - tài chính của doanh nghiệp và Nhà nước, tạo thêm sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được, hoạt động kiểm toán độc lập cũng tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Việc tăng trưởng về số lượng chưa đi liền với chất lượng; nhiều công ty kiểm toán đã liên tục thay đổi pháp nhân, nhân sự kiểm toán viên cũng dịch chuyển và xáo trộn không ngừng. Việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực kế toán của các kiểm toán viên vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng giá phí kéo dài trong nhiều năm khiến chất lượng kiểm toán có dấu hiệu đi xuống, chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng cũng như của các cấp quản lý... Những hạn chế, tồn tại này được phân tích là do hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động kiểm toán không còn đủ sức bao quát hết mọi vấn đề cũng như thiếu những chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với những vi phạm trong lĩnh vực này.
Việc Luật Kiểm toán ra đời và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2012 và Nghị định hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật được ban hành, có hiệu lực từ 1/5/2012 đã tạo hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho phát triển thị trường kiểm toán độc lập, góp phần nâng cao tính minh bạch thông tin trong nền kinh tế. Trong bối cảnh Việt Nam chính thức mở cửa thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, Luật Kiểm toán độc lập đã đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của thời kỳ mới với quy định về cung cấp dịch vụ qua biên giới, cho phép DN kiểm toán nước ngoài được mở chi nhánh tại Việt Nam.
Nhiều quy định mới về công ty kiểm toán, đối tượng được kiểm toán và dịch vụ kiểm toán lần đầu được đề cập trong Luật. Ví dụ như quy định về giờ làm việc của kiểm toán viên hành nghề, buộc kiểm toán viên phải làm việc chuyên nghiệp cho công ty kiểm toán nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ, tránh “kẽ hở” luật pháp để một số người có chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề công tác tại đơn vị khác nhưng vẫn đăng ký hành nghề, cung cấp dịch vụ ...
Ngoài ra, quy định về vốn pháp định 3 tỷ đồng (5 tỷ đồng từ năm 2015), xét trong bối cảnh luật pháp chưa có quy định bắt buộc DN kiểm toán phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, nhằm nâng cao trách nhiệm của DN kiểm toán đối với dịch vụ kiểm toán, với khách hàng. Quy định này giúp nâng cao ý thức của kiểm toán viên về việc thận trọng khi cung cấp dịch vụ, tránh những sai sót có thể gây tổn thất cho DN mình. Cùng với quy định mới kiểm toán viên phải giải trình trước các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lãnh đạo DN khi có yêu cầu về các nội dung ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán.
Dư địa hoạt động cho các công ty kiểm toán cũng được quy định rộng hơn, tạo đà cho sự phát triển của thị trường này. Ngoài các đối tượng DN có vốn nước ngoài, DN nhà nước, ngân hàng và các tổ chức tín dụng, công ty cổ phần niêm yết, công ty cổ phần đại chúng, công ty bảo hiểm, các dự án xây dựng bằng vốn nhà nước và dự án của tổ chức quốc tế... như trước kia, DN, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu từ 20% cổ phần trở lên phải được kiểm toán đối với BCTC hàng năm; DN mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên và chính DN kiểm toán, chi nhánh DN kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam cũng phải được kiểm toán đối với BCTC hàng năm.
Ghi nhận ban đầu từ Bộ Tài chính, cơ quan quản lý hành nghề kiểm toán, hơn 8 tháng sau khi Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực, thị trường dịch vụ kiểm toán đã có những biến chuyển nhất định về chất. “Các công ty kiểm toán nói chung và kiểm toán viên nói riêng đã nâng cao ý thức về tuân thủ pháp luật. Việc đăng ký hành nghề đã quy củ hơn. Hiện tượng kiểm toán viên đăng ký hành nghề kiểm toán song thực tế lại làm việc bán thời gian hoặc làm việc tại nơi khác cơ bản không còn”, một lãnh đạo Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán, Bộ Tài chính chia sẻ.
Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán dự kiến được ban hành vào cuối năm nay, với quy định chi tiết về các loại hành vi vi phạm cũng như chế tài xử lý, đang được thị trường kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức chấp hành các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cũng như những chuẩn mực chuyên môn của kiểm toán viên. Khi ấy, thị trường dịch vụ kiểm toán sẽ đi vào quỹ đạo hoạt động ổn định, nền nếp hơn, đáp ứng với yêu cầu minh bạch thông tin tài chính trong nền kinh tế.
“Quy định mới về giá phí sẽ hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh”
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Kiểm toán, Ernst & Young Việt Nam
Trong bối cảnh đó, DN có xu hướng lựa chọn các công ty kiểm toán có mức chào phí thấp hơn do chưa đánh giá hết được vai trò và lợi ích của kiểm toán độc lập. Sức ép về hạ phí kiểm toán có thể khiến các công ty kiểm toán đánh đổi về chất lượng, hoặc có những thỏa hiệp với DN nhằm giữ chân hoặc thu hút DN. Điều này có thể dẫn đến các quy trình, thủ tục kiểm toán không được thực hiện đầy đủ, chất lượng cuộc kiểm toán không được đảm bảo.
Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đã đưa ra quy định về phương thức tính phí như theo giờ làm việc của kiểm toán viên hành nghề, kiểm toán viên, hoặc từng dịch vụ kiểm toán với mức phí trọn gói sẽ hạn chế được tình trạng này. Hy vọng, các văn bản quy định về xử phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập được Bộ Tài chính ban hành trong thời gian tới sẽ đem lại môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn. |