Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: trong bối cảnh nền kinh tế thế giới suy giảm, giá dầu, giá lương thực tăng cao, lạm phát gia tăng ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, nên đây là cơ hội để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp đối phó với tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu.
VN đang đi đúng hướng
Những biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian qua được các đại biểu quốc tế đánh giá là có hiệu quả và đi đúng hướng. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Công ty quản lý Quỹ VinaCapital nói, trong vòng ba tháng qua, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định hơn. Theo ông Ho, đây là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường cổ phiếu và bất động sản.
Tuy nhiên, theo TS Supachai - cựu Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hiện là tổng thư ký hội nghị của Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển, Việt Nam cần coi trọng chất lượng đầu tư chứ không phải số lượng. “Tôi lo là làm thế nào hài hòa các dự án với nhu cầu thực tế. Theo quan sát của tôi, chính quyền địa phương cấp phép tràn lan, dễ dãi. Người ta cứ tống vốn vào và ta cứ cấp phép mà không có chiến lược và khả năng hấp thụ nguồn vốn thì rất nguy hiểm” - ông nói với các nhà báo bên lề diễn đàn VEF.
“Việt Nam không nên có cảm giác thua thiệt nếu cần phải hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, điều Chính phủ nên làm hiện nay là củng cố nền tảng cơ bản như ổn định kinh tế vĩ mô, khắc phục tài khoản vãng lai, ổn định tỉ giá hối đoái” - ông Supachai nhấn mạnh.
Theo ông Supachai, chính sách kiểm soát lạm phát của Việt Nam đúng hướng nhưng không nên thái quá chính sách thắt chặt tiền tệ, vì nó sẽ “giết chết” sáng kiến khu vực kinh tế tư nhân và Việt Nam cũng không nên lo về việc thiếu vốn. Là người có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam khi còn giữ cương vị tổng giám đốc WTO (2002-2005) - giai đoạn Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, ông Supachai cho rằng: Việt Nam cần tăng cường hợp tác Nam-Nam (hợp tác giữa các nước đang phát triển), thúc đẩy trao đổi thương mại với các nước đang phát triển khác.
Không nên dựa vào các thị trường xuất khẩu truyền thống như Mỹ, châu Âu vì hầu hết các nền kinh tế trưởng thành trong bối cảnh suy thoái đều cắt giảm nhu cầu và sẽ tác động trực tiếp tới xuất khẩu của Việt Nam . “Nên đa dạng hóa thị trường và tìm đối tác thương mại mới. Tình hình khó khăn hiện nay chưa dừng lại ở Mỹ và châu Âu nên Việt Nam phải tăng dự trữ quốc gia để dự phòng” - ông nói.
Còn đối diện nhiều thách thức
Theo thông tin mà Bộ Tài chính đưa ra tại diễn đàn, Chính phủ nhận thức rõ kết quả kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô mới chỉ là bước đầu. Kinh tế Việt Nam vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới.
Về một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán chính sách tài chính - tiền tệ thắt chặt để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng linh hoạt các công cụ lãi suất, dự trữ bắt buộc và các công cụ thị trường mở cùng với cắt giảm đầu tư công, bao gồm cả việc kiểm soát chặt chẽ đầu tư của hệ thống doanh nghiệp trong nước.
Về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chính sách giá cả theo cơ chế thị trường, linh hoạt theo lộ trình phù hợp.
Về thị trường tài chính, tín dụng, thị trường chứng khoán, theo Bộ Tài chính, quan điểm quản lý nhà nước là không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà tập trung vào các chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng và các thể chế tài chính.
Giải quyết hợp lý bài toán nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư được coi là nhiệm vụ chiến lược nhưng lại hết sức cấp bách đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Ngoài ra, tăng cường khả năng cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp là yếu tố cơ bản, gốc rễ của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Nhà nước sẽ đóng vai trò thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, khoa học, công nghệ, nhân lực, cơ sở hạ tầng...
Tại diễn đàn, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định lại cam kết của Việt Nam với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế: “Dù khó khăn đến đâu, Chính phủ cam kết tìm mọi biện pháp để ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam ”. Sắp tới, Chính phủ sẽ cơ cấu lại và mở rộng hơn nữa đầu tư nước ngoài. Trong đó, chú trọng hiệu quả, hấp thụ được sức đầu tư đó. Kêu gọi các nhà đầu tư tăng cường đầu tư vào hạ tầng cơ sở, các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục và các dịch vụ cao cấp cho nền kinh tế.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực
Hai vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận trong diễn đàn lần này là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề xây dựng cơ bản. Tham gia phiên thảo luận về đào tạo nguồn nhân lực, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, để phát triển kinh tế lâu dài và bền vững, công tác đào tạo nhân lực cần phải được chú trọng để đổi mới và nâng cao về chất hơn nữa.
Ông Tan Teck Yong Ricky, Chủ tịch Tập đoàn Kinder World, đưa ra ba sáng kiến: kiến tạo con đường phát triển sự nghiệp cho nhân viên; các gói đào tạo và phát triển nghiệp vụ; chính sách đãi ngộ. Ông Tan Teck Yong Ricky cho rằng, con đường phát triển sự nghiệp rõ ràng và rộng mở sẽ tạo ra sức hút đối với nguồn nhân lực giỏi, các chương trình đào tạo sẽ giúp họ có cơ hội không ngừng học hỏi và nâng cao chuyên môn cũng như những chính sách đãi ngộ sẽ giữ chân họ.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Đào tạo nhân lực có kỹ năng cũng đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay. Chiến lược này nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao. Với lợi thế về nguồn lao động trẻ, rẻ, cần cù, chịu khó lao động, học vấn phổ thông tương đối tốt, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt công tác đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội, mà chủ yếu là nhân lực, cho các doanh nghiệp”.