Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2017: Gỡ rào cản để cùng tiến

Sáng nay (16/6), cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Chính phủ sẽ đối thoại, bàn cách “Cùng nhau tiến về phía trước - khu vực đầu tư nước ngoài và tư nhân trong nước trong bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu”. VBF giữa kỳ năm 2017 đã chọn nội dung này làm chủ đề chính.
VBF luôn là cuộc đối thoại được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chờ đợi. Trong ảnh: VBF năm 2016. Ảnh: Đức Thanh VBF luôn là cuộc đối thoại được các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài chờ đợi. Trong ảnh: VBF năm 2016. Ảnh: Đức Thanh

Cơ hội bắt tay

Trong Chương trình nghị sự của VBF lần này, ông Nicolas Audier, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) sẽ có bài riêng về Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thông tin về Hiệp định này không mới, nhưng EuroCham vẫn muốn dành thời gian phân tích sâu hơn. “Hiệp định này sẽ thay đổi thái độ của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nicolas Audier lý giải.

Đã có nhiều phân tích về cánh cửa thương mại tự do sẽ mở ra giữa hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam và ngược lại khi các dòng thuế được giảm theo lộ trình trong khoảng 7-10 năm tới. Giá trị xuất khẩu của châu Âu vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng hơn 3% mỗi năm, củng cố vị thế của Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của châu Âu và là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong khu vực ASEAN.

Chúng tôi muốn thể hiện một cách nhìn mới về EU, một đối tác thương mại quan trọng trong tương lai với các doanh nghiệp Việt Nam

- Ông Nicolas Audier,
Phó chủ tịch Eurocham

Nhưng, cơ hội không dừng lại ở những con số, những lợi thế về thương mại và đầu tư. Các doanh nghiệp nhìn thấy, việc thực thi EVFTA sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, cải thiện khung pháp lý với những quy định minh bạch hơn, mang lại cơ chế giải quyết tranh chấp và bảo vệ đầu tư hiện đại hơn. Khi đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư hiện hữu và đối tác tiềm năng, sân chơi sẽ rộng ra.

“Chúng tôi muốn thể hiện một cách nhìn mới về EU, một đối tác thương mại quan trọng trong tương lai với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nicolas Audier chia sẻ.

Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng có cùng kỳ vọng khi nhìn vào xu hướng vận động của các chính sách kinh tế toàn cầu. Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp nước ngoài không thể tiến, nếu chọn con đường đi riêng rẽ hay chèn ép doanh nghiệp bản địa.

Các doanh  nghiệp Mỹ cũng vậy. Họ nuối tiếc về việc Mỹ không tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Chúng tôi tin rằng, có nhiều con đường tích cực mới mở ra để tăng cường thương mại và đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong các hướng hợp tác mới, chúng tôi ủng hộ đường hướng cho hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai quốc gia”, đại diện Amcham đã gửi thông tin này tới VBF giữa kỳ năm 2017.

Không chỉ mong muốn, Amcham đã hành động. Tháng 4/2017 vừa rồi, họ đã ký ghi nhớ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để thành lập Ban lãnh đạo Doanh nghiệp Hoa Kỳ - Việt Nam, vận động cho FTA này. Các doanh nghiệp cũng đang bàn tới nhiều kế hoạch cụ thể...

Rào cản vẫn còn

Phải nhắc đến những mong muốn của Nhóm Công tác nông nghiệp của VBF. Họ đặc biệt quan tâm đến 2 ngành là kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm. Đó cũng là cơ hội kinh doanh, kết nối đầu tư giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nhưng, họ không có thêm ý kiến mới trong VBF giữa kỳ 2017.

Lý do, trong báo cáo gửi VBF năm 2016, Nhóm Công tác đã nêu các vấn đề rất cụ thể, nhưng hầu hết vẫn chưa được giải quyết. “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận về những hướng đi tốt nhất để Việt Nam đã, đang và sẽ phát triển với vị thế một nhà sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp - thực phẩm”, Nhóm Công tác nông nghiệp gửi thông điệp tới VBF năm 2017.

6 tháng trước, VBF năm 2016 cũng chọn chủ đề tương tự. Đó là “Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vì sự phát triển hài hòa của kinh tế Việt Nam”. Bản thân doanh nghiệp nước ngoài không muốn đứng ngoài cơ hội mà nền kinh tế đang thay đổi mạnh mẽ đang tạo ra.

Nhưng, họ cần những cơ chế thúc đẩy nhanh và hiệu quả các kế hoạch đầu tư, chứ không muốn nhắc đi nhắc lại những yêu cầu đã cũ.

Tuy nhiên, lại thêm lần nữa đề nghị sửa đổi quy định liên quan đến Thông tư 23/2015/TT - BKHCN (về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng); Nghị định 38/2012/NĐ - CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và nhiều quy định cụ thể về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho lao động người nước ngoài ... được nhắc tới.

Ông Karashima, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV) thẳng thắn, các doanh nghiệp hiểu mục đích của quy định hạn chế nhập khẩu máy móc- thiết bị đã qua sử dụng kém chất lượng, nhưng do môi trường sử dụng hay số năm sử dụng theo mật độ khác nhau, dù cùng máy móc thiết bị, nên việc hạn chế nhập khẩu theo số năm của máy móc - thiết bị không phù hợp với thực tế.

Thậm chí, Nghị định 38/2012/NĐ - CP còn bị cho là có quy định trái với Luật An toàn thực phẩm khi yêu cầu đăng ký bản Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm cho cơ quan quản lý...

Công đồng doanh  nghiệp cho rằng, hơn bao giờ hết, các kế hoạch hợp tác đầu tư, kinh doanh của họ đang rất cần một môi trường an toàn, chi phí hợp lý để thúc đẩy.

Một số kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp gửi tới VBF giữa kỳ 2017:

 Ban hành quy định pháp luật mới liên quan đến hoạt động kinh doanh và phân phối của nhà đầu tư nước ngoài, thay cho Nghị định 23/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thương mại không còn phù hợp.

Cơ quan thuế phải có trách nhiệm với những kết luận, quyết định của mình. Nên có quy định về thưởng, phạt rõ ràng, để cán bộ thuế cân nhắc kỹ hơn và có trách nhiệm hơn trước khi đưa ra kết luận, quyết định. 

Đề nghị đẩy nhanh chuẩn hóa chế độ kế toán Việt Nam với Tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế. Mở rộng diện doanh nghiệp thực hiện quy định về báo cáo và kiểm toán bắt buộc theo Chế độ Kiểm toán Việt Nam. 

Đề xuất ban hành Danh mục Dự án bất động sản không cho phép nước ngoài sở hữu. 

Thống nhất cách hiểu “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”...

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục