Vốn chuyển vào công nghiệp
Trong giai đoạn trước, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã kích hoạt sự phát triển mạnh mẽ lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hàng loạt dự án được đầu tư, kết hợp với tiềm năng du lịch to lớn, đã đưa thành phố biển Đà Nẵng trở thành địa chỉ đỏ trên bản đồ du lịch thế giới. Khối dịch vụ, thương mại, vì vậy chiếm tỷ trọng gần 65% cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng.
Tuy nhiên, khi cơn bão Covid-19 ập đến, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, khiến cho sự phát triển của Đà Nẵng thiếu bền vững. Thực tế đó đặt ra bài toán cho việc tìm hướng đi và tạo động lực mới cho tăng trưởng của Thành phố.
Bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, trước đây, cơ cấu vốn FDI chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ, nhưng trong vài năm trở lại đây, cơ cấu vốn FDI vào Đà Nẵng đã có sự chuyển dịch mạnh.
“Từ năm 2019, cơ cấu vốn FDI đã chuyển dịch theo hướng vào sản xuất công nghiệp nhiều hơn. Khi Khu công nghệ cao Đà Nẵng hình thành, nhiều dự án của doanh nghiệp nước ngoài được xây dựng, thì cơ cấu vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chỉ còn chiếm 30%, trong khi đó, lĩnh công nghiệp trở thành lực hút mới, khi chiếm trên 50%. Hiện xu hướng dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào công nghiệp vẫn nhiều hơn. Điều đó chứng tỏ tiềm năng về công nghiệp của Đà Nẵng rất lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư”, bà Phương thông tin.
TP. Đà Nẵng đang trở thành địa chỉ đỏ của nhiều nhà đầu tư khi muốn xây dựng, mở rộng nhà máy sản xuất. Xu hướng đầu tư vào các khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Đà Nẵng diễn ra mạnh mẽ. Trong tháng 6/2022, Công ty Vector Fabrication Inc (Hoa Kỳ) được Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất bảng mạch in (PCB) và vi cơ điện tử (MEMS) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.367 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD, là dự án ngàn tỷ tiếp theo của doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, tính đến nay, tại Khu công nghệ cao đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 24 dự án, trong đó có 11/24 dự án đã hoàn thành việc xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4/24 dự án đang xây dựng và 7/24 dự án đang tiến hành các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Những dự án triệu đô đã góp mặt tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng có thể kể đến như Dự án Tokyo Keiki Precision Technology, trị giá 40 triệu USD; Dự án Niwa Foundry Việt Nam, trị giá 30 triệu USD; Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, trị giá 170 triệu USD…
Ngoài ra, UBND TP. Đà Nẵng cũng có văn bản đồng ý chủ trương cho phép nghiên cứu thực hiện đầu tư 2 dự án lớn tại Khu công nghệ cao là Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D của Công ty Arevo Inc, tổng vốn đầu tư 135 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất bảng mạch in và vi cơ điện tử (MEMS) của Công ty Vector Fabrication (Hoa Kỳ), tổng vốn đầu tư 60 triệu USD.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, trong 5 tháng đầu năm 2022, Đà Nẵng thu hút được 11 dự án FDI, đưa tổng số dự án đầu tư nước ngoài tại Thành phố lên con số 920 dự án, tổng vốn đăng ký gần 3,9 tỷ USD.
Công nghệ cao đang dần trở thành mũi nhọn phát triển của Đà Nẵng |
Động lực mới
Những trái ngọt đầu tiên trong thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp, công nghệ cao không phải tự nhiên đến, mà từ những nỗ lực bền bỉ của Đà Nẵng trong nhiều năm qua, nhằm cơ cấu lại kinh tế, chú trọng vào công nghiệp công nghệ cao.
Huyện Hòa Vang là địa phương có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) được quy hoạch nhất ở TP. Đà Nẵng, gồm dự án KCN Hòa Ninh, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Cầm giai đoạn II, KCN hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng, CCN Hòa Nhơn, Làng đá chẻ Hòa Sơn, Trung tâm dịch vụ logistics, dự án mở rộng trung tâm logistics, kho bãi tại khu vực phía Nam trung tâm logistics - cảng Đà Nẵng.
Với tổng diện tích quy hoạch hơn 1.128 ha, Khu công nghệ cao Đà Nẵng có 6 phân khu chức năng, gồm: Khu sản xuất rộng 202,58 ha, Khu R&D rộng 99,93 ha, Khu hậu cần - logistics - dịch vụ công nghệ cao rộng 27,45 ha, Khu ở rộng 31,4 ha, Khu hạ tầng kỹ thuật đầu mối rộng 9,75 ha và Khu hành chính rộng 28,35 ha. Đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật giai đoạn I, giai đoạn II và đang triển khai giai đoạn III, sẵn sàng đáp ứng mặt bằng sạch và đồng bộ để nhà đầu tư thuận lợi trong việc triển khai xây dựng dự án, nhà máy…
Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, nhiều chính sách ưu đãi áp dụng cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu CNC như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới; doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội để bán, cho thuê, thuê mua đối với người lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm. Bên cạnh đó, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Các dự án đầu tư mới có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm.
Ngoài ra, ưu đãi về tiền thuê đất: các dự án được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản, nhưng tối đa không quá 3 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất. Nhà đầu tư khi đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng còn được hưởng các chính sách ưu đãi về hoàn trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; ưu đãi về thuế nhập khẩu; ưu đãi về xuất nhập cảnh... Những ưu đãi trên đã kích thích vốn đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, tạo động lực tăng trưởng mới cho Thành phố.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển, mới đây, TP. Đà Nẵng điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng từ mốc thời gian “năm 2012-2020”, thành “năm 2012-2025”. Nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư dự án lớn, UBND TP. Đà Nẵng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu công nghệ cao lên 1.844 ha, tăng 715 ha so với hiện tại.
Theo bà Huỳnh Liên Phương, nhận thấy xu hướng dòng vốn của nhà đầu tư chú trọng vào sản xuất công nghiệp, vì vậy, thành phố đang triển khai nhanh khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao và kêu gọi đầu tư 3 khu công nghiệp mới là KCN Hòa Cầm giai đoạn II, KCN Hòa Ninh và KCN Hoà Nhơn. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đầu tư KCN Hòa Cầm giai đoạn II; dự kiến đến tháng 11/2022 sẽ lựa chọn được nhà đầu tư để đầu tư kết cấu hạ tầng. Còn với KCN Hòa Ninh, Thành phố đã trình hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, các bộ, ngành Trung ương đang xử lý. Dự kiến đến đầu năm 2023, Đà Nẵng sẽ lựa chọn được nhà đầu tư. KCN Hòa Nhơn cũng đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng…
“Đầu tư xây dựng những KCN mới sẽ tạo nên nhiều dư địa cho sản xuất công nghiệp của Thành phố. Tôi tin rằng, lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao sẽ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến với Đà Nẵng”, bà Huỳnh Liên Phương tin tưởng.