Diễn biến mới liên quan Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh

0:00 / 0:00
0:00
Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; chưa hoàn thành dứt điểm công tác trồng rừng trên diện tích mất rừng.
Diễn biến mới liên quan Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh hoàn thành các nội dung còn tồn tại thuộc lĩnh vực lâm nghiệp tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Theo đó, cơ quan này cho biết, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 5946/UBND-ĐC ngày 19/8/2021 về việc triển khai thực hiện Kết luận số 1033/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ về dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh; Thông báo số 16/TB-UBND ngày 18/1/2022 kết luận buổi làm việc về dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh theo Kết luận số 1033/KL-TTCP ngày 30/6/2021 của Thanh tra Chính phủ, ngày 22/02/2022, Chi cục Kiểm lâm và Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) đã làm việc nhưng chưa thống nhất số liệu diện tích rừng để ký hợp đồng thuê rừng do doanh nghiệp đề nghị thực hiện kiểm kê tài nguyên rừng.

Đến nay, doanh nghiệp này vẫn chưa hoàn thành như đã cam kết; chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; chưa hoàn thành dứt điểm công tác trồng rừng trên diện tích mất rừng.

Từ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty Sài Gòn Đại Ninh khẩn trương hoàn thành việc kiểm kê, đánh giá lại hiện trạng tài nguyên rừng tại Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Hồ sơ nộp về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng trước ngày 31/3/2024 để kiểm tra, đánh giá và thẩm định hiện trạng tài nguyên rừng làm cơ sở để thực hiện các nội dung tiếp theo (ký hợp đồng thuê rừng theo hiện trạng thực tế và thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuê rừng, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững,…); bố trí nhân lực đủ mạnh để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên diện tích thực hiện dự án; hoàn thành dứt điểm việc trồng rừng, khôi phục rừng trên diện tích mất rừng; thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp và các quy định khác có liên quan.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, cách đây ít hôm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã báo cáo HĐND tỉnh tình hình thực hiện Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh.

Theo đó, Dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000716 ngày 30/12/2010 cho Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh.

Diện tích thực hiện dự án 3.595,45 ha (trong đó diện tích mặt nước là 1.959,87 ha). Địa điểm thực hiện dự án tại các xã Phú Hội, Ninh Gia, Tà Hine và Ninh Loan, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Tiến độ đầu tư từ năm 2010 đến 2018.

Dự án này đã hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư (thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, quy hoạch) và xây dựng một số hạng mục công trình (1 hội trường diện tích 100 m2, 1 hội trường phần thô, 15 căn nhà chuyên gia); san gạt đường giao thông (đường đất) và một số đoạn đường rải đá cấp phối.

“Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan đến dự án”, UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo.

UBND tỉnh này dẫn Kết luận số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 của Thanh tra Chính phủ rằng, sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất năm 2012, Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh không thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất theo Quyết định số 737/QĐ-UBND ngày 16/4/2014 của UBND tỉnh là 158/238 triệu đồng và số tiền chậm nộp là 104.230 triệu đồng (dù được đôn đốc nhiều lần); còn nợ đọng số tiền bồi thường tài nguyên, môi trường rừng với số tiền 6/660 triệu đồng.

Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư để người dân tái lấn chiếm, vi phạm quy định Luật Đất đai năm 2013.

Mặt khác, khi triển khai dự án, Công ty này còn vi phạm trật tự xây dựng (xây dựng Hội trường không phép, 15 căn nhà chuyên gia không có quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 được phê duyệt, không có Giấy phép xây dựng…).

Nguyên nhân chủ yếu cho chủ đầu tư chưa tập trung nguồn lực về tài chính và nhân lực để đầu tư hoàn thành dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, chậm triển khai xây dựng các hạng mục công trình, để phá rừng, lấn chiếm đất).

UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị, đề xuất giải pháp trong thời gian tới: “Các sở, ngành và UBND huyện Đức Trọng thực hiện nhiệm vụ sau khi có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Vụ Địa bàn VII - Ủy ban Kiểm tra Trung ương”.

Trước đó, ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ có kết luận 929/KL-TTCP về việc công bố kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Kết luận có kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của 3 dự án vi phạm pháp luật về đất đai và đầu tư, trong đó có dự án của Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh.

Tuy nhiên, ngày 8/7/2021, Thanh tra Chính phủ có Thông báo kết luận sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2020 về việc quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ông Trần Văn Minh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ ký.

Trong kết luận sửa đổi bổ sung này, Thanh tra Chính phủ lại đề nghị: “UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án theo đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã được duyệt…”.

Trước khi sửa đổi bổ sung kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã lập Tổ công tác để thẩm tra và trong Tổ công tác có ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng.

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục