Điện Biên - Mảnh đất của sự sống, niềm tin và khát vọng phát triển

70 năm sau ngày Chiến thắng, Điện Biên đang từng ngày “thay da đổi thịt”. Mảnh đất cách mạng giờ đây như một bức tranh đa sắc màu của sự sống, của niềm tin và khát vọng vươn lên.
Tỉnh Điện Biên đang huy động các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội

Những đổi thay của vùng đất lịch sử

Đến TP. Điện Biên Phủ hôm nay, bất kỳ ai cũng có thể cảm nhận được sự đổi thay của vùng đất lịch sử. Những khu phố nhộn nhịp, nhà cửa khang trang, hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối cả đường bộ và đường hàng không. Điện Biên hiện là tỉnh duy nhất trong khu vực Tây Bắc có sân bay thương mại đón được dòng máy bay cỡ lớn A320, A321 và tương đương. Nhờ đó, tỉnh thu hút được nhiều chương trình, dự án; khách du lịch trong nước, ngoài nước đến Điện Biên thuận tiện và không ngừng tăng lên.

Người dân Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung luôn tự hào về mảnh đất cực Tây của Tổ quốc. Sau chiến tranh, đói khổ, thiếu thốn trăm bề, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã đoàn kết một lòng, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại; phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng thời cơ, tranh thủ mọi nguồn lực để dựng xây, kiến thiết quê hương, vì cuộc sống thanh bình, thịnh vượng của nhân dân các dân tộc anh em trong tỉnh.

Quay trở lại thành phố lịch sử Điện Biên Phủ - nơi đã từng sống và chiến đấu 70 năm trước, chiến sĩ Điện Biên Trương Sỹ Trì (TP.HCM) phấn khởi chia sẻ: “Về thăm Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử, tôi thấy Điện Biên Phủ đã đổi thay rất nhiều.Trước đây chỉ có đồi, núi, đồng ruộng, nhưng bây giờ, TP. Điện Biên đã có rất nhiều nhà xây dựng kiên cố, hạ tầng giao thông sạch đẹp..., đời sống của nhân dân Điện Biên đang phát triển”.

Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên dự kiến đón 1,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.200 tỷ đồng. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Sau 70 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, Điện Biên đã có bước đột phá và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,33%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 38,25 triệu đồng, năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng.

Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 56/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. Trong 3 năm qua, có hơn 8.000 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, sửa chữa nhà. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, hiện còn 26,03%, bình quân giảm 4%/năm. Tại các huyện nghèo, huyện đang được hỗ trợ các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm.

Hiện nay, 85% người dân vùng nông thôn trong tỉnh đã được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp.

Về giáo dục, trong suốt 70 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng lĩnh vực này luôn là ưu tiên của Điện Biên trong xây dựng và phát triển. Kiên cố hóa các trường học, xóa các lớp học tạm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều được quan tâm, chăm lo; đảm bảo học sinh vùng đồng bào dân tộc đều được tới trường. Tại nhiều bản làng ở vùng sâu, vùng xa, trường lớp được xây dựng ngày càng khang trang; giáo viên yên tâm bám trường, bám lớp...

Tại các huyện vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các trạm y tế xã có vai trò quan trọng. Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, cán bộ, nhân viên tại trạm y tế còn thực hiện nhiệm vụ vận động bà con tham gia bảo hiểm y tế. Việc tham gia bảo hiểm y tế giúp bà con giảm đáng kể chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời qua đó cũng giúp người dân vùng cao loại bỏ nhiều hủ tục.

Nỗ lực xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển

Điện Biên đã và đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Điện Biên thực hiện nhiều giải pháp, mô hình linh hoạt, giúp người dân từng bước tăng thu nhập, có tích lũy, tiến tới giảm nghèo bền vững.

Chia sẻ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh Điện Biên trong thời gian tới, đồng chí Lê Thành Đô, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, UBND tỉnh sẽ tiếp tục vận động, thu hút, mời gọi các nhà đầu tư tiềm năng, các nhà đầu tư có năng lực về tài chính, kinh nghiệm để tiếp tục tham gia nghiên cứu các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh..., từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Chiến trường khốc liệt ngày nào giờ đây đã được thay thế bằng những bản làng trù phú, những khu đô thị khang trang. Cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển.

Phương Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục