
* BVSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC
Chúng tôi thận trọng điều chỉnh giảm target multiple do thị trường khá bi quan về các doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu xuất khẩu lớn trong bối cảnh các quốc gia lớn áp thuế quan để “bảo vệ” sản xuất nội địa và rủi ro về thời gian pháp lý của các dự án mới sẽ chậm hơn với dự kiến. Chúng tôi hạ giá mục tiêu từ 129.300 đồng/cổ phiếu xuống còn 111.300 đồng/cổ phiếu, và duy trì khuyến nghị OUTPERFORM cho DGC với tiềm năng tăng trưởng +52,3%.
Sau chuỗi 8 phiên liên tiếp giảm, trong đó có 4 phiên “nằm sàn” cùng thị trường chung chao đảo bởi thông tin áp thuế đối ứng của Mỹ, đã đẩy cổ phiếu DGC đã rơi xuống mức giá thấp nhất trong hơn 1,5 năm. Tuy nhiên, cổ phiếu DGC đã hồi phục và tăng kịch trần 2 phiên liên tiếp cuối tuần. Như vậy, với 2 phiên giảm sàn và 2 phiên tăng trần, tổng cộng giá cổ phiếu DGC giảm 900 đồng (-1,07%) từ mức 84.500 đồng/CP xuống 83.600 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị mua cổ phiếu ACB, VCBS khuyến nghị mua MBB
BSC đánh giá, ACB vẫn là một trong những ngân hàng có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, ít chịu sự tác động trực tiếp từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, bên cạnh việc ngân hàng vẫn duy trì được chất lượng tài sản tốt, với tỷ lệ NPL thấp và danh mục cho vay phân tán không có nhiều dư nợ liên quan lĩnh vực bất động sản. Về định giá, ACB đang giao dịch tại P/B = 1.2x, thấp hơn khoảng 25% so với mức trung bình quá khứ. BSC hiện đang đưa ra khuyến nghị mua với ACB, với giá mục tiêu 1 năm là 30.400 đồng/CP, tương ứng với upside 39%.
Trong khi đó, VCBS ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2025 của MBB đạt 35.496 tỷ đồng (tăng 23,1% so với năm trước), tương đương EPS đạt 4.601 đồng/cổ phiếu và BVPS đạt 22.569 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MBB với mức giá hợp lý là 28.812 đồng/cổ phiếu dựa trên 2 phương pháp định giá So sánh P/B và Residual Income với mức định giá P/B 1,2x.
Đầu tuần, ACB đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên với những thông tin được ban lãnh đạo chia sẻ tích cực như nợ xấu kiểm soát tốt hơn, lợi nhuận quý I dự kiến hoàn thành khoảng 20% kế hoạch năm trong bối cảnh thị trường nhiều biến động. Cổ phiếu ACB đã có diễn biến tích cực hơn thị trường chung, đặc biệt là phiên 9/4 khi VN-Index tiếp tục bốc hơi hơn 32 điểm, thì lực cầu bắt đáy bắt đầu nhập cuộc giúp mã này bật hồi khá tốt và đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ 1,5%. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm, trong đó phiên 8/4 giảm sàn và 2 phiên tăng trần hoặc sát trần, tổng cộng giá cổ phiếu ACB tăng 1.050 đồng (+4,41%) từ mức 23.800 đồng/CP lên 24.850 đồng/CP.
Cũng có diễn biến tương tự ACB, cổ phiếu MBB cũng đã giữ được đà tăng nhẹ trong tuần qua. Cụ thể, với 2 phiên giảm, trong đó phiên 8/4 giảm sàn và 2 phiên tăng mạnh, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu MBB tăng 1.000 đồng (+4,45%) từ mức 22.450 đồng/CP lên 23.450 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HHV
Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận thuần của HHV trong năm 2025 đạt lần lượt là 3.832 tỷ đồng (tăng 15,8% so với năm trước) và 511 tỷ đồng (tăng 27,37%), tương ứng với EPS là 1.183 đồng/ cổ phiếu. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu HHV với mức định giá hợp lý là 15.537 đồng/ cổ phiếu.
Thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh với lợi nhuận quý I/2025 ước lãi kỷ lục, tăng 44% so với cùng kỳ đã giúp cổ phiếu HHV có phiên giao dịch ấn tượng ngày cuối tuần 11/4, khi là một trong số ít mã còn giữ được sắc tím trên thị trường. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm, trong đó phiên 8/4 giảm sàn và 2 phiên tăng trần, tổng cộng giá cổ phiếu HHV tăng nhẹ 200 đồng (+1,8%) từ mức 11.200 đồng/CP lên 11.400 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PNJ
Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu mới đối với PNJ là 97.500 đồng/cổ phiếu, và duy trì khuyến nghị mua với tiềm năng tăng giá là 44%.
Trong ngắn hạn, PNJ có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu vàng và tác động gián tiếp từ mức thuế quan lên đến 46% của Mỹ. Tuy nhiên, định giá hiện tại của cổ phiếu khá hấp dẫn, với mức P/E 2025 dự phóng là 12x, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 16,5x trong 3 năm qua.
Bên cạnh vấn đề ngành trang sức đối với với “cơn bão kép chưa từng có đến từ cả hai đầu cung và cầu khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, PNJ đã thận trọng lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế gần 1.960 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước. Cổ phiếu PNJ tuần qua không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường khi đón nhận 2 phiên giảm sàn và 2 phiên tăng trần. Tính chung tuần qua, giá cổ phiếu PNJ giảm nhẹ 800 đồng (-1,1%) từ mức 72.500 đồng/CP xuống 71.700 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị danh mục cổ phiếu HPG, MWG, TCB, VCB, VNM; VCBS khuyến nghị mua MWG
Theo AGR, cổ phiếu HPG sau 2 phiên giảm chung với thị trường đang về đáy vùng đi ngang biên độ rộng từ đầu năm 2024, xa hơn là về hỗ trợ của xu hướng tăng giá kéo dài từ năm 2023. RSI về vùng quá bán và nhịp rút chân hồi phục phiên cuối tuần có thể là tín hiệu cho thấy nhịp hồi phục kỹ thuật đang trở lại, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với vùng giá mua dưới 23.000 đồng/CP, tỷ suất sinh lời kỳ vọng 16,5% (hồi phục về MA200 ngày), cắt lỗ 7%.
Sau quá trình sụt giảm mạnh, cổ phiếu MWG đã về vùng quá bán và xuất hiện nhịp phục hồi trong phiên gần nhất với thanh khoản gia tăng. Đây là điểm tích cực cho thấy lực cầu bắt đáy cổ phiếu tương đối lớn, giúp hấp thụ áp lực cung bán ra giúp cổ phiếu phục hồi. Chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu sau khi giảm về vùng quá bán sẽ có nhịp phục hồi kỹ thuật, nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia ở vùng giá dưới 49.500 đồng/CP, tỷ suất sinh lời kỳ vọng 18% (hồi phục về MA50 ngày), mức cắt lỗ 7%.
Cổ phiếu TCB bật tăng từ vùng hỗ trợ MA200 ngày với cây nến Marubozu xanh cho thấy lực cầu mạnh mẽ trở lại sau nhịp giảm điểm mạnh. Chỉ báo động lượng Stochastic với đường tín hiệu giao cắt lên trong vùng quá bán xác nhận tín hiệu tạo đáy ngắn hạn. Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu TCB với vùng giá mua dưới 24.100 đồng/CP, tỷ suất sinh lời kỳ vọng 10% (từ MA200 hồi phục về MA50 ngày); cắt lỗ vị thế ở mức 7%.
Sau giai đoạn giảm giá, cổ phiếu VCB xuất hiện cây nến Bullish Marubozu với khối lượng tăng đột biến cho thấy lực cầu chờ mua tương đối tích cực. RSI hồi phục từ vùng quá bán, trong khi đó chỉ báo Stochastic cũng tạo tín hiệu giao cắt lên trong vùng quá bán, củng cố xu hướng hồi phục trong ngắn hạn. Với các chỉ báo động lượng tích cực, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VCB với vùng giá mua dưới 58.000 đồng/CP, tỷ suất sinh lời kỳ vọng 9% (hồi phục về MA50 ngày); cắt lỗ kỳ vọng 5-7%.
Cổ phiếu VNM thuộc số ít mã trên thị trường hồi phục về gần vùng giá tích lũy sau 2 phiên giảm mạnh chung. Nguyên nhân chính là nhờ giai đoạn chiết khấu/tích lũy đã diễn ra từ trước đó trong khi nội tại doanh nghiệp không bị ảnh hưởng trực tiếp đủ nhiều bởi thông tin thuế quan. Thanh khoản cũng có sự cải thiện cho thấy cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền sau giai đoạn chiết khấu. Với việc RSI về vùng quá bán chúng tôi khuyến nghị mua VNM với vùng giá mua dưới 55.000 đồng/CP, tỷ suất sinh lời kỳ vọng 10,5% (hồi phục về MA20 ngày); tuân thủ cắt lỗ vị thế 7%.
Nhận định về cổ phiếu MWG, VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu này với giá mục tiêu 77.105 đồng/CP, trong bối cảnh giá đã chiết khấu sâu so với triển vọng và nền tảng doanh nghiệp.
Dù khá bất ngờ bởi phương án trình đại hội không chia cổ tức bằng tiền mặt trước lo ngại chính sách thuế quan, nhưng HPG vẫn có sức hút lớn với nhà đầu tư bởi minh chứng trong 2 phiên cuối tuần ngày 10-11/4 khi lệnh dư mua trần luôn chất đống. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm sàn và 2 phiên tăng trần, tổng cộng giá cổ phiếu HPG giảm nhẹ 300 đồng (-1,22%) từ mức 24.600 đồng/CP xuống 24.300 đồng/CP.
Mặc dù không thoát khỏi 2 phiên giảm mạnh và nằm sàn bởi áp lực bán ồ ạt trên thị trường chung, nhưng cổ phiếu lớn MWG đã hồi phục với thông tin đáng chú ý là quỹ ngoại Pyn Elite Fund đã đưa mã này trở lại top 10 khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm mạnh và 2 phiên tăng trần, tổng cộng giá cổ phiếu MWG chỉ tăng nhẹ 100 đồng (+0,19%) từ mức 52.800 đồng/CP lên 52.900 đồng/CP.
Cũng như 2 cổ phiếu ngân hàng ACB và MBB ở trên, TCB đã có những diễn biến tích cực bởi pha đảo chiều hồi phục ngày 9/4 dù chưa tìm được sắc xanh. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 2 phiên tăng trần, tổng cộng giá cổ phiếu TCB tăng 900 đồng (+3,5%) từ mức 25.700 đồng/CP lên 26.600 đồng/CP.
Không được tích cực như các mã cùng ngành, “anh cả” VCB vẫn giảm khá mạnh trong phiên 9/4 và kết thúc tuần gần như không thay đổi. Cụ thể, tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 2 phiên tăng đều trong biên độ rộng, tổng cộng giá cổ phiếu VCB giảm nhẹ 200 đồng (-0,33%) từ mức 60.000 đồng/CP xuống 59.800 đồng/CP.
Với kế hoạch kinh doanh năm 2025 ấn tượng bởi chỉ tiêu doanh thu dự kiến lên đỉnh mới và Công ty nâng tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 lên mức 43,5%, nhưng cổ phiếu VNM cũng không tránh khỏi “cơn lốc” từ thị trường. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu VNM giảm 1.000 đồng (-1,71%) từ mức 58.500 đồng/CP xuống 57.500 đồng/CP.
* BSC khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu BWE
Năm 2025, BWE đặt mục tiêu doanh thu trên 5.220 tỷ đồng (tăng 31% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế trên 640 tỷ đồng (giảm 3%). Trong quý I, Công ty sẽ hoàn thành các thủ tục để ghi nhận doanh thu tồn đọng 146 tỷ đồng xử lý nước thải của năm 2024. Chưa có thông tin cụ thể về việc tăng giá nước trong năm 2025. Trong năm 2025, Công ty nước Gia Tân phấn đấu hòa vốn. Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu BWE với giá mục tiêu 42.100 đồng/CP.
Cổ phiếu BWE là một trong số mã hiếm hoi của thị trường khi chỉ giảm nhẹ trong phiên 8/4 rồi ngược dòng chung, kết phiên 9/4 với mức tăng kịch trần. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 2 phiên tăng trần, tổng cộng giá cổ phiếu BWE tăng 3.850 đồng (+9,52%) từ mức 40.450 đồng/CP lên 44.300 đồng/CP.
* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu POW
Năm 2025, kỳ vọng nguồn cung khí cho NT2 sẽ được cải thiện nhờ PV GAS hết hợp đồng cung cấp khí nội địa cho nhà máy điện Phú Mỹ 2.2 giúp nhà máy được tăng sản lượng huy động. Do đó, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu cho POW là 15.000 đồng/CP và khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu này.
Cổ phiếu POW đã điều chỉnh nhẹ trong tuần biến động mạnh của thị trường. Cụ thể, với 2 phiên giảm sàn và 2 phiên tăng trần, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu POW giảm nhẹ 100 đồng (-0,88%) từ mức 11.400 đồng/CP xuống 11.300 đồng/CP.