Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều có tuần điều chỉnh giảm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* SSI khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu TCM

Với mức giá hiện tại là 51.000 đồng/cổ phiếu, TCM đang giao dịch ở mức P/E 2024 và 2025 lần lượt là 18,4x và 16x, cao hơn mức trung bình ngành là 12x. Chúng tôi hiện có giá mục tiêu cho là 53.800 đồng/cp (tiềm năng tăng giá là 6%) và khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu TCM.

Thông tin đáng chú ý với TCM tuần qua là Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Nghĩa đã bán thành công 7 triệu cổ phiếu và đã giảm sở hữu xuống còn gần 10,43 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 10,24% vốn tại TCM. Về diễn biến cổ phiếu TCM tuần qua khá đồng pha với thị trường chung khi trải qua tuần giao dịch rung lắc bởi những phiên tăng giảm đan xen. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ , tổng cộng giá cổ phiếu TCM giảm nhẹ 650 đồng (-1,29%) từ mức 50.500 đồng/CP xuống 49.850 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu NT2

Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm thua lỗ và triển vọng kinh doanh chưa thực sự khả quan, giá cổ phiếu NT2 đã giảm khoảng 16% từ đầu năm và phản ánh tình hình kết quả kinh doanh. Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của NT2 sẽ cải thiện từ năm 2025 nhờ nguồn cung nguyên liệu đầu vào ổn định giúp gia tăng sản lượng huy động và chi phí khấu hao máy móc thiết bị sẽ hết từ năm 2025 giúp cải thiện lợi nhuận của doanh nghiệp.

Sau tuần giảm khá mạnh trước đó, cổ phiếu NT2 vẫn bị bán ra trong gần hết tuần cuối cùng của tháng 7 và chỉ đảo chiều thành công trong phiên cuối tuần ngày 26/7 nhờ lực cầu hấp thụ tích cực. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu NT2 giảm 300 đồng (-1,44%) từ mức 20.800 đồng/CP xuống 20.500 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng SZC, KBSV cho rằng mức định giá có thể cao hơn

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của SZC đạt kết quả tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận. Với việc SZC có quỹ đất thương phẩm lớn, vị trí thuận lợi nằm gần cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đồng thời dòng vốn FDI tăng tích cực và sự hồi phục của thị trường bất động sản giúp SZC tiếp tục duy trì triển vọng khả quan các năm tới. P/B của SZC hiện ở mức 2,2x lần, thấp hơn bình quân 5 năm quá khứ (2,7x). SZC duy trì chính sách trả cổ tức tiền đều đặn 8-10%/năm. Do đó, Agriseco Research khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu SZC với giá mục tiêu 1 năm tới là 43.000 đồng/CP (Upside 14% từ thị giá hiện tại).

Về mặt định giá hiện tại, SZC đang ở mức thấp hơn so với lịch sử trung bình 5 năm của cổ phiếu. Với những kỳ vọng về tăng mạnh kết quả kinh doanh trong năm nay và khả năng cho thuê trong những năm tới, KBSV cho rằng mức định giá của SZC có thể cao hơn trung bình và về gần P/B +1 độ lệch chuẩn.

Mặc dù thanh khoản sôi động hơn và kết quả kinh doanh quý II/2024 vừa công bố cũng khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 102,2 tỷ đồng, tăng trưởng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng diễn biến cổ phiếu SZC cũng diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm xen kẽ. Cụ thể, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu NT2 giảm 150 đồng (-0,39%) từ mức 38.650 đồng/CP xuống 38.500 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu LPB

LPB đạt tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh cao trong 6 tháng đầu năm nhờ tăng trưởng tín dụng tốt và thận trọng trong việc trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Với kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm 2024 thì LPB kỳ vọng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024 được ĐHCĐ phê duyệt, tuy nhiên cần lưu ý nợ xấu tiềm ẩn tăng lên. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu LPB đã tăng gấp 2 lần từ đầu năm nay và vùng giá hiện tại đã phản ánh kết quả kinh doanh và kỳ vọng kinh doanh của ngân hàng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu LPB và xem xét giải ngân tại vùng giá hấp dẫn hơn.

Dù kết quả kinh doanh quý II/2024 tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 4,72 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cổ phiếu LPB đã có tuần giao dịch ảm đạm, thậm chí có những phiên ngược dòng chung và giảm sâu, sau khi lấy lại mức giá cao kỷ lục trong phiên cuối tuần trước ngày 19/7. Cụ thể, với 1 phiên đứng giá tham chiếu và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu LPB giảm 2.800 đồng (-8,7%) từ mức 32.200 đồng/CP xuống 29.400 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VHC

Chúng tôi ước tính EPS dự kiến cho năm 2024 đạt 5.297 đồng/cp, tương ứng với mức P/E forward ở mức 13,8 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực cho VHC: 1) Vị thế dẫn đầu ngành cá tra 2) Triển vọng hồi phục kinh tế toàn cầu 3) Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu được suôn sẻ.

Trái với nhận định của MASVN, cổ phiếu VHC đã có tuần giao dịch không mấy khả quan. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VHC giảm 1.600 đồng (-2,19%) từ mức 73.100 đồng/CP xuống 71.500 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu ANV

EPS forward 2024 ước đạt 1.188 đ/cp, tương ứng P/E forward ở mức 28.5 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực dành cho ANV: 1) vị thế hàng đầu ngành xuất khẩu cá tra, lợi thế tự chủ nguồn nguyên liệu; 2) Giá nguyên liệu (đậu tương, ngô, lúa mì) sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm sau khi đạt đỉnh vào quý II/2022; 3) Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản duy trì tăng trưởng ổn định trung bình 7%/năm.

Cùng xu hướng của thị trường chung và nhóm cổ phiếu thủy sản, cổ phiếu ANV đã có tuần giao dịch không thuận lợi, bên cạnh thông tin các lãnh đạo doanh nghiệp đua nhau bán ra cổ phiếu. Theo đó, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm mạnh, tổng cộng giá cổ phiếu ANV giảm 2.250 đồng (-6,25%) từ mức 36.000 đồng/CP xuống 33.750 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu GSP

Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của GSP sẽ tăng trưởng tốt nhờ thị trường vận tải dầu hóa, hóa chất tiếp tục thuận lợi và giá cước cũng như giá cho thuê tàu định hạn tăng cao. Ngoài ra, GSP đang giao dịch ở mức định giá P/E ~ 8,5 lần và P/B ~ 0,95 lần, đều là mức thấp so với quá khứ và so với hiệu quả sinh lời của doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VLB với giá mục tiêu 15.000 đ/cp (upside 19% với giá hiện tại).

Mặc dù biên độ tăng không quá lớn nhưng GSP là một trong những mã “chiến thắng” thị trường bởi đà tăng về giá cùng thanh khoản sôi động hơn với khối lượng khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu GSP tăng 350 đồng (+2,8%) từ mức 12.500 đồng/CP lên 12.850 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu VLB

Agriseco Research kỳ vọng kết quả kinh doanh của VLB sẽ tăng trưởng tốt nhờ: (1) Việc đẩy mạnh xây dựng hạ tầng của Chính phủ giúp nhu cầu đá tăng cao trong năm 2024; (2) Sở hữu các mỏ đá lớn và thời gian khai thác dài sẽ đem lại doanh thu ổn định cho doanh nghiệp trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu VLB với giá mục tiêu 40.000 đ/cp (upside 15%).

Cổ phiếu VLB tiếp tục có thêm tuần đi ngang. Theo đó, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu không biến động và kết thúc tuần đứng tại mức giá 35.200 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng dành cho cổ phiếu DPR

Nửa cuối năm 2024 kết quả kinh doanh của DPR được kỳ vọng sẽ khởi sắc chủ yếu từ mảng bán mủ cao su, thanh lý cây và chế biến gỗ cao su. DPR dự kiến duy trì chính sách trả cổ tức 15% trong năm 2024 nhờ tình hình tài chính lành mạnh. Trong dài hạn, DPR tiềm năng nhờ 2 dự án KCN Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú mở rộng khi được triển khai sẽ đóng góp lớn vào doanh thu mảng KCN. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu cao su kỳ vọng hưởng lợi từ chính sách xanh hóa và xây dựng phát triển thị trường tín chỉ Carbon. DPR hiện giao dịch ở mức P/B 1,2x lần, cao hơn bình quân 5 năm quá khứ (1x). Với triển vọng kinh doanh khả quan, chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng với cổ phiếu DPR với giá mục tiêu trong một năm tới với giá mục tiêu là 47.000 đồng/CP (Upside 15% từ thị giá hiện tại).

Cũng như nhiều doanh nghiệp, tuần qua DPR đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu tăng trưởng 59,5% và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng tới hơn 120% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh của thị trường chung. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DPR giảm 500 đồng (-1,18%) từ mức 42.500 đồng/CP xuống 42.000 đồng/CP.

* MASVN khuyến mua KBC vùng giá 26.500 – 27.500 đồng

Do kết quả kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan, chúng tôi sử dụng P/B để định giá KBC. Mức P/B kì vọng 1,32 lần (trung bình 5 năm), mức giá trị sổ sách hiện tại là 23.500 đ/cp, giá mục tiêu KBC sẽ ở mức 31.000 đ/cp. Khuyến nghị nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào vùng giá 26.500 – 27.500 đ/cp và cắt lỗ nếu giá cổ phiếu đóng cửa dưới 26.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có diễn biến khởi sắc dù mức tăng còn khá hạn chế, trong đó KBC cũng không ngoại trừ. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu KBC tăng 800 đồng (+2,94%) từ mức 27.200 đồng/CP lên 28.000 đồng/CP.

* ACBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTD

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cho CTD với định giá hợp lý là 97.000 đồng/CP bằng phương pháp DCF. Mức giá này cao hơn 38,5% so với giá hiện tại, tương ứng với P/E 2024 là 36,4x, và P/B là 1,1x.

Trái với nhận định của ACBS, cổ phiếu CTD cũng có tuần điều chỉnh giảm trong bối cảnh thị trường chung không mấy thuận lợi, thậm chí có phiên bị đẩy xuống mức giá thấp nhất trong 3 tháng. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu CTD giảm 2.700 đồng (-3,86%) từ mức 69.900 đồng/CP xuống 67.200 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục