Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường chung giảm khá mạnh, hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị khó tránh khỏi tuần điều chỉnh. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* KBSV khuyến nghị tích cực dành cho HPG, HSG, NKG

3 doanh nghiệp thép mà chúng tôi quan sát định kỳ đang được giao dịch với P/B trung bình ở sát đường P/B trung bình 5 năm, chúng tôi cho rằng mức định giá hiện tại đã phản ánh triển vọng kết quả kinh doanh toàn ngành hồi phục trong 2024. KBSV đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành thép trong giai đoạn 2025-2027 ở mức tích cực nhờ (1) nhu cầu nội địa hồi phục từ nửa cuối năm 2024 trở đi, (2) nhà máy mới đi vào hoạt động, (3) bắt đầu chu kỳ giá thép mới khi thị trường Bất động sản Trung Quốc dần hồi phục chậm từ 2025 trở đi. Một số cơ hội đầu tư đáng chú ý bao gồm HPG, HSG, NKG.

Trái với nhận định của KBSV, cả 3 cổ phiếu đại diện ngành thép là HPG, HSG và NKG đều có tuần giao dịch không mấy tích cực. Trong đó, cổ phiếu đầu ngành HPG bớt tiêu cực hơn với mức giảm nhẹ, dù chịu sức ép bởi lượng lớn với hơn 581 triệu cổ phiếu phát hành thêm mới về tài khoản nhà đầu tư. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên giảm nhẹ , tổng cộng giá cổ phiếu HPG giảm 300 đồng (-1,05%) từ mức 28.500 đồng/CP xuống 28.200 đồng/CP.

Trong khi đó, cặp đôi HSG và NKG tiêu cực hơn bởi các phiên điều chỉnh giảm sâu hơn. Cụ thể, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu HSG giảm 1.150 đồng (-4,62%) từ mức 24.900 đồng/CP xuống 23.750 đồng/CP.

Còn cổ phiếu NKG đã đón nhận 1 phiên tăng, 1 phiên đứng giá tham chiếu và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu NKG giảm 1.400 đồng (-5,45%) từ mức 25.700 đồng/CP xuống 24.300 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị có thể mua VHC và FMC trong những nhịp điều chỉnh; SSI khuyến nghị khả quan với FMC

Mặt bằng định giá của các cổ phiếu thuỷ sản đang ở mức trung bình 5 năm phản ánh kỳ vọng trung lập của thị trường với ngành này, KBSV khuyến nghị theo dõi những cổ phiếu đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh vững chắc như VHC, FMC để có thể mua vào trong những nhịp điều chỉnh của thị trường.

Bên cạnh đó, với mức giá hiện tại là 49.150 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu FMC đang giao dịch ở mức P/E 2024 và 2025 lần lượt là 10,2x và 8,9x, SSI đưa ra giá mục tiêu 1 năm là 55.500 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng giá là 12,8%), và duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu FMC.

Sau tuần hồi phục, cổ phiếu VHC đã nhanh chóng gặp áp lực bán và trải qua những phiên điều chỉnh nhẹ trong bối cảnh thị trường chung kém lạc quan. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VHC giảm 1.700 đồng (-2,27%) từ mức 74.800 đồng/CP xuống 73.100 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu FMC có phần ảm đạm hơn, trái ngược với nhận định của KBSV và SSI. Cụ thể, với 1 phiên tăng và 4 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu FMC giảm 1.950 đồng (-3,81%) từ mức 51.200 đồng/CP xuống 49.250 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu VHM, KDH và NLG

15 doanh nghiệp bất động sản mà chúng tôi quan sát hiện đang có P/B trung bình ở mức 1.6x – ở trên đường -1 std trung bình 5 năm. KBSV kỳ vọng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản trong nửa cuối năm 2024 sẽ có sự hồi phục rõ rệt hơn nhờ tâm lý người mua nhà được cải thiện và nguồn cung gia tăng từ mở bán các dự án mới và giai đoạn tiếp theo của các dự án cũ.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý đến rủi ro vĩ mô khi sức ép từ tỷ giá và lạm phát đang gây tác động khiến lãi suất tăng. Nhà đầu tư có thể xem xét và lựa chọn những doanh nghiệp có triển vọng tốt với quỹ đất sạch lớn, đầy đủ pháp lý, khả năng triển khai dự án mạnh và cơ cấu tài chính an toàn. Một số cơ hội đầu tư đáng chú ý là các cổ phiếu VHM, KDH và NLG.

Bất chấp kết quả kinh doanh quý II/2024 khá lạc quan với lợi nhuận riêng Công ty đạt hơn 10.600 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ, cổ phiếu VHM vẫn không thoát khỏi tuần điều chỉnh giảm cùng thị trường. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VHM giảm nhẹ 650 đồng (-1,69%) từ mức 38.500 đồng/CP xuống 37.850 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu cùng ngành bất động sản là KDH có phần tiêu cực hơn. Tính chung tuần qua, với 4 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu KDH giảm 1.400 đồng (-3,68%) từ mức 38.000 đồng/CP xuống 36.600 đồng/CP.

Cổ phiếu NLG đã không thoát khỏi những phiên giảm sâu cùng thị trường và đã có tuần giao dịch kém lạc quan. Cụ thể, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần giá cổ phiếu NLG giảm 1.950 đồng (-4,53%) từ mức 43.000 đồng/CP xuống 41.050 đồng/CP.

* MBS nhận định tích cực đối với PLX và OIL, VCI khuyến nghị mua PLX

MBS cho rằng, các thay đổi chính nói sẽ hỗ trợ nhiều nhất cho các thương nhân đầu mối xăng dầu có thị phần lớn với khả năng kiểm soát tốt các chi phí đầu vào như Petrolimex (HOSE: PLX) và PV Oil (UPCoM: OIL). Mặc dù vậy, Dự thảo cũng có yêu cầu khắt khe hơn với các điều kiện để trở thành thương nhân đầu mối này.

Bên cạnh đó, VCI điều chỉnh tăng 24% giá mục tiêu cho PLX lên 55.000 đồng/CP và duy trì khuyến nghị mua. Giá mục tiêu cao hơn dự báo tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số báo cáo giai đoạn 2024-2028 tăng 11% và giả định tốc độ tăng trưởng cuối của chúng tôi tăng từ 2% lên 3%. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E năm 2024/2025 lần lượt là 20,3 lần/14,8 lần, so với P/E trung bình 5 năm lịch sử của PLX là 20,3 lần.

Cổ phiếu PLX đã “chiến thắng” thị trường chung dù mức tăng còn khá hạn chế. Đặc biệt, diễn biến cổ phiếu PLX với những phiên tăng giảm với biên độ khá rộng khi cổ phiếu này đang ở vùng đỉnh của năm. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PLX tăng nhẹ 600 đồng (+1,3%) từ mức 46.300 đồng/CP lên 46.900 đồng/CP.

Cùng diễn biến tích cực như “người anh” PLX, cổ phiếu OIL cũng đã có tuần ngược dòng thị trường chung thành công. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm khá mạnh, tổng cộng giá cổ phiếu OIL tăng nhẹ 300 đồng (+2,08%) từ mức 14.400 đồng/CP lên 14.700 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MWG

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 20% lên 65.700 đồng/cổ phiếu, nhưng hạ khuyến nghị từ mua xuống khả quan dành cho cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG – sàn HOSE) do giá cổ phiếu đã tăng khoảng 35% trong 3 tháng qua.

Thông tin tích cực được hé lộ về chuỗi điện máy tại Indonesia 3 tháng liền đều “mang tiền về cho mẹ”, đã tiếp sức giúp MWG “chiến thắng” thị trường trong tuần qua. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu MWG tăng 800 đồng (+1,23%) từ mức 64.800 đồng/CP lên 65.600 đồng/CP.

* MASVN khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BMP

BMP đang trong nhịp giảm từ giữa tháng 4/2024 đến nay sau khi kết quả kinh doanh quý I/2024 công bố mức lợi nhuận kém khả quan, tuy nhiên xu hướng trung hạn và dài hạn của cổ phiếu này chưa ở mức tiêu cực. BMP phù hợp cho nhà đầu tư quan tâm đến lợi suất cổ tức cao (8 – 10%/năm), thêm vào đó nếu lợi nhuận các quý sau cải thiện, giá BMP được dự báo có thể tăng trưởng. Vùng giá khuyến nghị mua vào BMP là 96.500 – 98.000 đồng/CP.

Trong bối cảnh thị trường chung không mấy thuận lợi, cổ phiếu BMP cũng đã có những nhịp rung lắc và điều chỉnh nhẹ. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu BMP giảm nhẹ 200 đồng (-0,2%) từ mức 97.500 đồng/CP xuống 97.300 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DBC và MBS

Cổ phiếu DBC của CTCP Tập đoàn Dabaco đang trong một xu hướng tăng kéo dài từ tháng 11/2022 và đang tái tích lũy sau khi tiến gần đến vùng đỉnh lịch sử. Trong ngắn hạn, thị giá của cổ phiếu DBC đang về vùng biên dưới của kênh tích lũy ngắn hạn. Khuyến nghị mua DBC với mục tiêu 31.500 đồng/CP. Cắt lỗ nếu giá cổ phiếu xuống dưới 27.500 đồng/CP (cổ phiếu cho thấy xu hướng giá ngắn hạn đang suy yếu và có thể hình thành vùng phân phối đỉnh).

Cổ phiếu MBS của CTCP Chứng khoán MB đang duy trì được xu hướng tăng tích cực từ đầu năm và có xu hướng vượt khỏi vùng đỉnh ngắn hạn. Các chỉ báo động lượng và thanh khoản đều đang cho thấy tín hiệu tích cực cho thấy cổ phiếu có thể tiếp tục thu hút dòng tiền và tiến tới vượt đỉnh ngắn hạn. Khuyến nghị mua MBS với mục tiêu 39.000 đồng/CP, cắt lỗ nếu giá cổ phiếu xuống dưới 33.500 đồng/CP (cổ phiếu xây dựng mẫu hình bứt phá thất bại và quay về phá vỡ hỗ trợ gần quanh MA20)

Cổ phiếu DBC vẫn chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh giảm trong bối cảnh thị trường chung kém tích cực. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DBC giảm 1.100 đồng (-3,76%) từ mức 29.250 đồng/CP xuống 28.150 đồng/CP.

Trong bối cảnh thị trường chung giảm khá mạnh, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không “nằm ngoài cuộc chơi”, tuy nhiên vẫn có một vài điểm sáng ngược dòng dù mức tăng còn khá hạn chế, trong đó có đóng góp của MBS. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu , tổng cộng giá cổ phiếu MBS giảm 2.650 đồng (-9,06%) từ mức 29.250 đồng/CP xuống 31.900 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCI

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VCI trên cơ sở tiềm năng tăng trưởng của ngành Chứng khoán nói chung và của doanh nghiệp nói riêng. Dự phóng về mức độ phục hồi của VCI được xây dựng dựa trên kịch bản VN-Index chinh phục thành công mốc 1.300 điểm trong năm 2024. Ước tính, doanh thu hoạt động đạt 2.641 tỷ đồng (tăng 7% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 707 tỷ đồng (tăng trưởng 24%).

Trái với diễn biến của MBS, cổ phiếu VCI kém lạc quan hơn khi đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu VCI giảm nhẹ 400 đồng (-0,84%) từ mức 47.900 đồng/CP xuống 47.500 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục