Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đều không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường, thậm chí một số mã "đổ đèo", ghi nhận mức giảm trên dưới 10%.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu HAH

Dựa trên triển vọng kinh doanh và định giá, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu HAH – giá mục tiêu 51.700 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức sinh lời 20% so với giá đóng cửa ngày 19/06/2024.

Bất chấp xu hướng giảm mạnh của thị trường, cổ phiếu HAH vẫn có tuần giao dịch khởi sắc và xác lập mức giá cao nhất trong hơn 2 năm. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, trong đó phiên 25/6 tăng kịch trần, tổng cộng giá cổ phiếu HAH tăng 1,850 đồng (+4,26%) từ mức 43.400 đồng/CP lên 45.250 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu VIB và TPB; VCI khuyến nghị mua cổ phiếu VPB, CTG và HDB

Sau khi điều chỉnh dự phóng với một số nguồn thu và chi phí dự phòng, KBSV nâng định giá cổ phiếu VIB lên mức 28.800 đồng /CP và khuyến nghị mua với tiềm năng tăng giá là 31% so với giá đóng cửa ngày 20/06/2024.

Bên cạnh đó, sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV đưa ra mức giá mục tiêu cho năm 2024 của cổ phiếu TPB là 22.700 đồng/CP và khuyến nghị mua với cổ phiếu này.

Cũng nhận định cổ phiếu ngân hàng, VCI duy trì khuyến nghị mua đối với VPB và tăng giá mục tiêu thêm 2,1% lên 24.500 đồng/cổ phiếu do tác động tích cực của việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025 sẽ bù đắp cho mức giảm 7% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của chúng tôi trong giai đoạn 2024-2028 chủ yếu do chúng tôi giảm dự báo NIM và mức tăng trưởng thu nhập ngoài lãi (NOII).

VCI tăng 2% giá mục tiêu của chúng tôi đối với CTG lên 40.000 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua.

Đồng thời, tăng 7,7% giá mục tiêu lên 28.000 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị đối với HDB từ khả quan lên mua. Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu đến từ tác động tích cực của việc chúng tôi cập nhật giá mục tiêu sang giữa năm 2025, bù đắp cho mức giảm 1,4% trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028 của chúng tôi.

Trái với kỳ vọng của các công ty chứng khoán, trong tuần thị trường giảm sâu, thậm chí có phiên lao dốc mạnh thứ 2 kể từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhân tố ảnh hưởng lớn tới thị trường. Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã đón tuần giảm điểm.

Trong đó, với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu ngày 25/6, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu VIB giảm 800 đồng (-3,67%) từ mức 21.800 đồng/CP xuống 21.000 đồng/CP.

Tại TPB, cổ phiếu đã đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên nhích nhẹ và 1 phiên đứng giá, tính chung tuần qua, giá cổ phiếu TPB giảm 900 đồng (-4,97%) từ mức 18.100 đồng/CP xuống 17.200 đồng/CP.

Cổ phiếu VPB cũng không nằm ngoài xu hướng chung dù tuần trước đã lấy lại đà tăng và lập đỉnh mới trong năm 2024. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm, 1 phiên tăng và 2 phiên đứng giá tham chiếu , tổng cộng giá cổ phiếu VPB giảm 950 đồng (-4,85%) từ mức 19.600 đồng/CP xuống 18.650 đồng/CP.

Tương tự, bên cạnh giao dịch kém sôi động, cổ phiếu CTG cũng có tuần điều chỉnh giảm về giá. Cụ thể, với 4 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu CTG giảm 1.200 đồng (-3,73%) từ mức 32.200 đồng/CP xuống 31.000 đồng/CP.

Trong khi đó, dù khá nỗ lực với 4 phiên liên tiếp đảo chiều hồi phục, nhưng cổ phiếu HDB cũng không tránh khỏi tuần điều chỉnh giảm bởi phiên giảm khá mạnh trong bối cảnh VN-Index lao dốc. Tính chung tuần qua, với 1 phiên giảm và 4 phiên tăng, tổng cộng giá cổ phiếu HDB giảm nhẹ 150 đồng (-0,65%) từ mức 23.150 đồng/CP xuống 23.000 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VCS

Chúng tôi nhận thấy VCS đang được giao dịch ở mức định giá hấp dẫn với P/B forward 2.2x (thấp hơn trung bình 5 năm là 3x) với triển vọng hồi phục KQKD khi nhu cầu hồi tiêu thụ dần quay trở lại sau khi FED hạ lãi suất. KBSV khuyến nghị mua với VCS, giá mục tiêu 95,900 VND/cổ phiếu, tương ứng với mức lợi suất sinh lời 17% so với giá đóng cửa ngày 21/06/2024.

Sau khi xác lập đỉnh mới của năm trong tuần trước khi tiến sát mức giá 83.000 đồng/CP, cổ phiếu VCS đã có những phiên giảm mạnh. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm mạnh vào ngày đầu tuần 24/6 và cuối tuần ngày 26/8, 1 phiên tăng nhẹ cùng 2 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu VCS giảm tới 8.500 đồng (-10,37%) từ mức 82.000 đồng/CP xuống 73.500 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVT

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT dựa trên tiềm năng tăng trưởng và ưu thế vượt trội của doanh nghiệp trên thị trường vận tải dầu khí. Vùng mua hợp lý có thể tham khảo tại vùng giá 29.000 - 30.000 VND/cp.

Đầu tuần qua, PVT đã công bố ước kết quả kinh doanh nửa đầu năm với tổng doanh thu hợp nhất Công ty dự kiến đạt 5.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến 740 tỷ đồng. Riêng quý II/2024, PVTrans ước tính doanh thu khoảng 2.664 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ; nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 354 tỷ đồng, giảm 22%.

Về diễn biến giá cổ phiếu, PVT cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh giảm cùng thị trường chung. Cụ thể, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu PVT giảm 1.300 đồng (-4,35%) từ mức 29.900 đồng/CP xuống 28.600 đồng/CP.

* DSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM

DSC đánh giá, cổ phiếu VHM đang ở vùng hợp lý cho đầu tư nắm giữ dài hạn, với tầm nhìn trên 1 năm. Mặc dù vậy, biến động ngắn hạn của cổ phiếu có thể bị tác động lớn bởi các tin tức liên quan đến hệ sinh thái, nhà đầu tư cần cân nhắc.

Không được như kỳ vọng của DSC, cổ phiếu VHM đã có tuần giao dịch lình xình quanh vùng đáy bởi diễn biến tiêu cực của thị trường chung. Tính chung tuần qua, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng đều trong biên độ hẹp trên dưới 0,5%, tổng cộng giá cổ phiếu VHM giảm nhẹ 100 đồng (-0,26%) từ mức 37.750 đồng/CP xuống 37.650 đồng/CP.

* VCI khuyến nghị mua cổ phiếu VNM và MSN

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu là 76.500 đồng/cổ phiếu cho VNM và điều chỉnh khuyến nghị nên mua. Đồng thời, VCI tăng 15% giá mục tiêu và duy trì khuyến nghị mua cho MSN. Chúng tôi tin rằng các mảng kinh doanh tiêu dùng đa dạng của MSN có vị thế tốt cho đà tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam, đồng thời dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 18% trong giai đoạn 2023-2028 đối với mảng bán lẻ tiêu dùng của MSN.

Cũng như cổ phiếu trong rổ VN30 là VHM, mã VNM đã có tuần giao dịch giằng co nhẹ với thanh khoản khá thấp. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm, 2 phiên tăng và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu VNM giảm nhẹ 500 đồng (-0,76%) từ mức 66.000 đồng/CP xuống 65.500 đồng/CP.

Trong khi đó, dù đã đảo chiều hồi phục ở 4 phiên liên tiếp nhưng không “đủ sức” để giúp MSN thoát khỏi tuần điều chỉnh giảm bởi phiên giảm mạnh cùng thị trường chung trong ngày đầu tuần 24/6. Tổng cộng giá cổ phiếu MSN giảm 1.500 đồng (-1,97%) từ mức 76.200 đồng/CP xuống 74.700 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu POW

Chúng tôi khuyến nghị khả quan POW với giá mục tiêu 16.800 đồng/CP (tăng 13% so với báo cáo trước) do điều chỉnh dự báo tăng trưởng EPS 2024-2025 thêm 3%/16,3%. Chúng tôi đánh giá POW sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn trong xu hướng phát điện LNG nhờ danh mục dự án gối đầu giai đoạn 2025-3035, do đó, chúng tôi cho rằng POW là cơ hội đầu tư tiềm năng cho quan điểm đầu tư dài hạn.

Thông tin thu hơn trăm tỷ mỗi ngày từ bán điện tiếp tục giúp cổ phiếu POW “chiến thắng” thị trường, đặc biệt là pha ngược dòng thành công trong phiên lao dốc mạnh ngày đầu tuần 24/6, hay phiên phá đỉnh của năm trong ngày 26/6, nhưng biên độ tăng bị thu hẹp bởi phiên chốt lời mạnh ngày 27/6. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu POW tăng nhẹ 200 đồng (+1,36%) từ mức 14.700 đồng/CP lên 14.900 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TV1

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu TV1 theo phương pháp so sánh EV/EBITDA và FCFF dựa trên triển vọng mảng khảo sát, thiết kế của TV1 dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ vào lượng backlog khả quan và sản lượng của thủy điện dự kiến sẽ phục hồi nhờ vào hiện tượng La Nina trở lại vào nửa cuối năm 2024.

Cũng trong nhóm cổ phiếu điện, TV1 có tuần biến động nhẹ quanh vùng đỉnh lịch sử. Tính chung tuần qua, với 3 phiên đứng giá tham chiếu, 1 phiên tăng và 1 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu TV1 giảm nhẹ 200 đồng (-0,83%) từ mức 24.000 đồng/CP xuống 23.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu BSR

BSC đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với BSR với giá mục tiêu mới là 27.100 đồng/CP (tương đương upside 17% so với ngày 26/6/2024). BSC cho rằng đợt tăng giá gần đây của cổ phiếu đã phần nào phản ánh thông tin về khả năng chuyển sàn sang HOSE.

Sau tuần tăng mạnh và xác lập đỉnh mới của năm, cổ phiếu BSR đã có tuần giảm mạnh cùng thị trường. Tính chung tuần qua, với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất vào giữa tuần ngày 26/6, tổng cộng giá cổ phiếu BSR giảm 2.400 đồng (-9,96%) từ mức 24.100 đồng/CP xuống 21.700 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DBC

Chúng tôi sử dụng kết hợp 2 phương pháp DCF (WACC: 10.5%) và EV/EBITDA (7x) để đưa ra mức giá trị hợp lý cho cổ phiếu DBC. Rủi ro giảm giá bao gồm: (1) nguồn cung heo lậu lớn trên thị trường ảnh hưởng đến chu kỳ tăng giá heo thông thường, (2) dự án nhà máy vaccine không được thương mại hóa trong năm 2024.

Cổ phiếu DBC cũng đã có tuần “đỏ đèo” cùng thị trường sau khi xác lập mức giá cao nhất trong hơn 2 năm khi đóng cửa tuần trước đó. Tính chung tuần qua, với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất ngày 26/6, tổng cộng giá cổ phiếu DBC giảm 2.800 đồng (-7,61%) từ mức 36.800 đồng/CP xuống 34.000 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục