Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các mã ngân hàng có tuần giao dịch ảm đạm cùng thị trường chung, thì nhóm cổ phiếu dầu khí lại ngược dòng khởi sắc với điểm sáng là PVS tăng tới gần 13%.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu KDH

BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu mới cho KDH trong năm 2024 lên mức 46.400 đồng/CP. Theo giá thị trường ngày 03/4/2024, tiềm năng tăng giá cho cổ phiếu KDH là 22,9%. Rủi ro: Công tác hoàn thiện pháp lý dự án 11A, PP2 và Tân Tạo kéo dài hơn so với dự kiến.

Bên cạnh nhận định khả quan của BVSC, mới đây, Khang Điền đã công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 với kế hoạch kinh doanh đều tăng trưởng hai chữ số, gồm doanh thu dự kiến đạt 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 790 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 87% và 10% so với kết quả năm 2023. Tuy nhiên, diễn biến cổ phiếu KDH tuần qua không nằm ngoài xu hướng giảm của thị trường chung. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu KDH giảm 1.300 đồng (-3,44%) từ mức 37.800 đồng/CP xuống 36.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MSN

Chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng các mảng kinh doanh tiêu dùng đa dạng, hàng đầu của MSN sẽ được hưởng lợi từ đà tăng trưởng tiêu dùng tại Việt Nam trong dài hạn. Trong giai đoạn 2023-26, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mảng bán lẻ tiêu dùng của MSN (tổng lợi nhuận từ HĐKD của MCH, WCM, PL và MML) là 18%. Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 12% và duy trì khuyến nghị mua cho MSN.

Cổ phiếu MSN cũng không tránh khỏi những pha rung lắc và điều chỉnh trong bối cảnh Công ty đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu trong khoảng 84.000 – 90.000 tỷ đồng, tăng trưởng 7,3-15%; lợi nhuận sau thuế 2.250 – 4.020 tỷ đồng, tăng trưởng 31-115% so với kết quả năm trước. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng, 3 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu MSN giảm 2.300 đồng (-3,1%) từ mức 74.200 đồng/CP xuống 71.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DPR

BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DPR của CTCP Cao su Đồng Phú với giá trị hợp lý cho năm 2024 là 49.700 đồng/CP, dựa trên phương pháp định giá từng phần SOTP với đóng góp chính đến từ định giá 2 KCN chuẩn bị được triển khai với giả định KCN Bắc Đồng Phú mở rộng bắt đầu hoạt động vào 2025 và KCN Nam Đồng Phú mở rộng bắt đầu hoạt động vào 2027; thu nhập từ đền bù 1.766 ha đất còn lại sẽ được bàn giao hết cho đến 2030.

Trái với nhận định của BSC, cổ phiếu DPR đã có tuần đầu tiên của tháng 4 không mấy thuận lợi, đặc biệt là phiên nằm sàn ngày cuối tuần 5/4. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng duy nhất ngày 2/4 và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DPR giảm 3.050 đồng (-7,16%) từ mức 42.600 đồng/CP xuống 39.550 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DDV

BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DDV của Công ty cổ phần DAP – VINACHEM với giá mục tiêu 2024 là 20.000 đồng/CP (Upside 25% so với giá đóng cửa ngày 02/04/2024, bao gồm 4% tỷ suất cổ tức), dựa trên phương pháp định giá EV/EBITDA với tỷ lệ mục tiêu là 8.4x.

Chuỗi ngày tăng nóng và liên tục xác lập đỉnh mới của năm đã bị “chặn” lại trong tuần qua bởi những phiên giảm sâu cùng thị trường chung. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu DDV giảm 700 đồng (-4,24%) từ mức 16.500 đồng/CP xuống 15.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu PDR

BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt ở thời điểm hiện tại với giá mục tiêu 35.100 đồng/CP (upside +6.8%) theo phương pháp định giá RNAV cho các dự án có khả năng triển khai rõ ràng trong 5 năm tới và phương pháp P/B cho các dự khác với P/B mục tiêu = 1.8x tương đương với trung bình ngành bất động sản hiện tại. PDR đang giao dịch tại P/B 2024F=2.0x – phù hợp với giai đoạn phục hồi của ngành bất động sản.

Mặc dù không tránh khỏi những nhịp rung lắc và điều chỉnh, nhưng cổ phiếu PDR tiếp tục giữ đà tăng nhẹ, đi ngược diễn biến của thị trường chung, và đã xác lập mức giá cao mới của hơn 1 năm qua. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PDR tăng nhẹ 350 đồng (+1,1%) từ mức 31.850 đồng/CP lên 32.200 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu MWG

Hiện chúng tôi chuyển cơ sở định giá năm 2024-2025 (từ 2024) để đưa ra giá mục tiêu mới là 56.200 đồng/cổ phiếu (từ 47.800 đồng), theo đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với MWG.

Bất chấp “sóng gió” trên thị trường chung, cổ phiếu MWG đã có tuần giao dịch “ổn định” quanh vùng giá 51.000 đồng/CP. Tính chung tuần qua, với 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm vào giữa tuần ngày 3/4, tổng cộng giá cổ phiếu MWG giảm nhẹ 100 đồng (-0,2%) từ mức 51.100 đồng/CP xuống 51.000 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM

Chúng tôi cho rằng VHM sẽ duy trì vị thế dẫn đầu và sở hữu nhiều lợi thế từ môi trường kinh doanh, hành lang pháp lý mới xét đến quỹ đất lớn, nhiều dự án gối đầu và năng lực vượt trội trong việc phát triển, khai thác giá trị gia tăng trên quỹ đất dự án. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM với mức định giá hợp lý là 51.494 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VHM đã có tuần giao dịch lình xình trong bối cảnh thị trường chung giảm sâu, với thông tin đáng chú ý là tài liệu ĐHĐCĐ thường niên vừa công bố khi Vinhomes lên kế hoạch doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm đều trong biên độ hẹp, tổng cộng giá cổ phiếu VHM tăng nhẹ 100 đồng (+0,23%) từ mức 42.850 đồng/CP lên 42.950 đồng/CP.

* Theo MBS, PVS, PVD và GAS sẽ hưởng lợi từ chuỗi dự án khí điện Lô B – Ô Môn

MBS cho rằng, một số doanh nghiệp niêm yết có thể được hưởng lợi nhờ tham gia vào các công đoạn khác nhau của chuỗi dự án Lô B – Ô Môn, có thể kể đến: PVS (tham gia các gói thầu EPCI#1 và EPCI#2 ở khâu thượng nguồn; tham gia gói thầu EPC đường ống bờ), PVD (có thể tham gia vào giai đoạn đầu của dự án từ năm 2025 và khoan các giếng khai thác bổ sung vào giai đoạn sau của dự án), GAS (quản lý đường ống vận chuyển khí Lô B).

Bên cạnh đó, VCSC nâng giá mục tiêu thêm 12% lên 47.800 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua cho PVS.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí là nhóm có nhiều điểm tích cực hơn trong bối cảnh thị trường chung khá ảm đạm, sau thông tin Bộ Công thương thúc đẩy triển khai chuỗi dự án dầu khí Lô B – Ô Môn. Trong đó, PVS là tâm điểm khi đã trúng các gói thầu EPCI#1, 2, 3 của dự án Lô B với tổng giá trị 1,2 tỷ USD và đang tham gia 2 gói thầu khác của Lô B – Ô Môn. Tuần qua là một tuần ấn tượng của cổ phiếu PVS khi mã này đón nhận 3 phiên tăng, thậm chí phiên 2/4 tăng sát trần, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng 5.000 đồng (+12,79%) từ mức 39.100 đồng/CP lên 44.100 đồng/CP.

Trong khi đó, PVD kém khả quan hơn so với PVS khi đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PVD tăng nhẹ 550 đồng (+1,7%) từ mức 32.350 đồng/CP lên 32.900 đồng/CP.

Tương tự, cùng với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng cả tuần qua, giá cổ phiếu GAS tăng nhẹ 700 đồng (+0,87%) từ mức 80.200 đồng/CP lên 80.900 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT

Chúng tôi nâng khuyến nghị lên khả quan dành cho cổ phiếu của Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE). Chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu đến giữa năm 2025 là 33.000 đồng/cp (tiềm năng tăng giá là 15%) dựa trên P/E dự phóng là 10x.

Ngày 12/4 tới đây, PVT sẽ chốt danh sách cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu năm 2021 với tỷ lệ 100:10 và diễn biến cổ phiếu này tuần qua tiếp tục trong xu hướng điều chỉnh giảm. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng duy nhất ngày 2/4 và 4 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PVT giảm 350 đồng (-1,22%) từ mức 28.650 đồng/CP xuống 28.300 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTG

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 46,.200 đồng/CP, cao hơn 29.2% so với giá tại ngày 28/03/2023.

Không chỉ riêng CTG, nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung đã có tuần giao dịch khá ảm đạm và là gánh nặng khiến thị trường có những pha giảm sâu. Trong tuần qua, cổ phiếu CTG đã đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên đứng giá tham chiếu vào ngày 2/4. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu CTG giảm 2.350 đồng (-6,61%) từ mức 35.550 đồng/CP xuống 33.200 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục