Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu hết các cổ phiếu đang chững lại bởi những pha rung lắc khi giá đang nằm ở vùng đỉnh của năm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* MBS khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu NKG

Chúng tôi sử dụng 2 phương pháp FCFF và P/B để đưa ra giá mục tiêu NKG là 30.000 đồng/CP và khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu này. Mặc dù điều chỉnh giảm dự báo EPS 2024-2025 là 26%/10%, giá mục tiêu tăng 13% so với báo cáo trước do (1) chúng tôi chuyển định giá từ cuối năm 2023 sang cuối năm 2024 với mức P/B mục tiêu tăng từ 1.2 lần lên 1.4 lần nhằm phù hợp với bối cảnh phục hồi rõ nét của ngành thép, (2) điều chỉnh giảm 0.6 điểm % phần bù rủi ro trong mô hình định giá do mức độ rủi ro ở thị trường Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá giảm.

Cùng trong xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu NKG đã có tuần giao dịch rung lắc ở vùng giá cao nhất trong gần 2 năm. Tính chung cả tuần, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu NKG chỉ tăng nhẹ 150 đồng (+0,59%) từ mức 25.500 đồng/CP lên 25.650 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HSG

Ở mức giá hiện tại, ước tính mức P/B và EV/EBITDA của HSG trong 2024 lần lượt 1,05x và 6,3x, thấp hơn mức P/B ngành trung bình 5 năm là 1,2x và EV/EBITDA ngành trung bình 5 năm là 7,0x. BVSC đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM cho HSG với giá mục tiêu là 27.500 đồng/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng +21%.

Cũng như HPG, cổ phiếu thép khác là HSG chỉ nhích nhẹ ở vùng giá cao nhất trong gần 2 năm qua. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu HSG tăng nhẹ 400 đồng (+1,72%) từ mức 23.250 đồng/CP lên 23.650 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DGC

BSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang với giá trị hợp lý năm 2025F là 147.100 đồng/CP (Upside 24% so với giá đóng cửa ngày 27/03/2024) chủ yếu do chúng tôi dời giá mục tiêu sang năm 2025F với P/E mục tiêu 2025F = 12.x tương đương mức trung vị 5 năm và P/E 2024F = 14.9x.

Không được như kỳ vọng của BSC, cổ phiếu DGC chưa tìm lại được xu hướng tăng sau tuần “mất lái bởi phiên nằm sàn giữa tháng 3. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu DGC giảm nhẹ 200 đồng (-0,16%) từ mức 123.600 đồng/CP xuống 123.400 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BAF

BSC duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu BAF của Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam với giá mục tiêu trung hạn 33.700 đồng/CP (Upside 17% so với giá đóng cửa ngày 28/3/2024) dựa trên PP PE =12 lần nhằm phản ánh tiềm năng mở rộng quy mô tổng đàn.

Cũng như phần lớn mã trên sàn và diễn biến thị trường chung, cổ phiếu BAF gặp khó khăn hơn sau khi vượt đỉnh của năm. Trong tuần qua, với 4 phiên tăng nhẹ và 1 phiên giảm duy nhất ngày cuối tuần 29/3, tổng cộng giá cổ phiếu BAF tăng nhẹ 50 đồng (+0,18%) từ mức 28.350 đồng/CP lên 28.400 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PHR

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho cổ phiếu PHR của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa từ khả quan lên mua và điều chỉnh tăng 38% giá mục tiêu lên 73.700 đồng/CP. Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu là do chúng tôi kỳ vọng việc chuyển đổi đất cao su sang đất khu công nghiệp sẽ diễn ra nhanh hơn và rộng rãi hơn so với dự báo trước đây, dựa trên việc dự thảo Quy hoạch tổng thể tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, với tầm nhìn đến năm 2050 được hoàn thiện và phê duyệt gần đây.

Với diễn biến giá cổ phiếu đã tăng gần gấp đôi trong khoảng 1 năm, thì biến động của PHR chững lại trong tuần qua cũng là điều hết sức bình thường, bên cạnh điểm đáng chú ý là doanh nghiệp đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2024 giảm tới 47% so với kết quả năm trước, dự kiến đạt 245 tỷ đồng. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu PHR giảm nhẹ 100 đồng (-0,16%) từ mức 64.000 đồng/CP xuống 63.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PTB

BSC đưa ra khuyến nghị mua đối với PTB với giá mục tiêu 78,000 VND/CP (+23% so với giá ngày 27/03/2024) dựa trên việc sử dụng mức EPS của năm 2025 và phương pháp P/E mục tiêu là 9,5 lần được áp dụng tương đương mức trung bình của năm 2021.

Sau những phiên liên tiếp rung lắc và điều chỉnh giảm, cổ phiếu PTB đã tích cực hơn trong nửa sau của tuần cuối tháng 3 và trở lại vùng giá cao nhất của hơn 1 năm. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu PTB tăng 1.200 đồng (+1,85%) từ mức 64.700 đồng/CP lên 65.900 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FRT

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 70% và nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua cho CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT). Chúng tôi nâng giá mục tiêu chủ yếu do chúng tôi tăng định giá chuỗi Long Châu (LC) thêm 80%.

Mặc dù không tránh khỏi những phiên rung lắc và điều chỉnh trên vùng đỉnh lịch sử, nhưng với phiên “bốc đầu” bỏ mặc thị trường ngày 28/3, đã giúp cổ phiếu FRT ghi nhận mức tăng khá tốt trong tuần cuối tháng 3. Thông tin đáng chú ý tại FPT Retail tuần qua là doanh nghiệp công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên với kế hoạch doanh thu dự tăng 17% lên 37.300 tỷ đồng, có lợi nhuận trở lại với 125 tỷ đồng lãi trước thuế. Tính chung tuần qua, với 1 phiên tăng mạnh và 4 phiên giảm nhẹ, tổng cộng giá cổ phiếu FRT tăng 6.300 đồng (+4,21%) từ mức 149.700 đồng/CP lên 156.000 đồng/CP.

* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TPB và VIB

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu TPB. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 22.400 đồng/CP, cao hơn 19,6% so với giá tại ngày 21/03/2024.

Bên cạnh đó, sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi điều chỉnh mức giá mục tiêu cho năm 2024 của cổ phiếu VIB là 27.900 đồng/CP, cao hơn 16% so với giá tại ngày 22/03/2024. Khuyến nghị mua với cổ phiếu VIB.

Dù không tránh khỏi những phiên rung lắc và điều chỉnh, nhưng tổng kết tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ và là động lực giúp VN-Index tìm tới những vùng giá cao hơn. Trong đó, cổ phiếu TPB đã đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu TPB tăng nhẹ 350 đồng (+1,87%) từ mức 18.750 đồng/CP lên 19.100 đồng/CP.

Tương tự, VIB cũng đón tuần khởi sắc và tiếp tục xác lập đỉnh mới trong gần 2 năm với thông tin tích cực khi đề ra kế hoạch năm 2024 với lợi nhuận hơn 12.000 tỷ đồng và dự kiến chia cổ tức 12,5% bằng tiền mặt. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu VIB tăng 400 đồng (+1,65%) từ mức 24.200 đồng/CP lên 24.600 đồng/CP.

* VCSC và KBSV cùng khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB

VCSC duy trì khuyến nghị mua và giá mục tiêu ở mức 24.000 đồng/cổ phiếu đối với VPB. Chúng tôi giảm 4,0% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2024-2028, và tác động được bù đắp bởi dự báo của chúng tôi do NIM hợp nhất trung bình giai đoạn 2024-2028 cao hơn ở mức 6,71% (so với 6,63% trước đó) đem lại tác động tích cực lên phương pháp định giá thu nhập thặng dư của chúng tôi.

Bên cạnh đó, dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, KBSV khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 24.900 đồng/CP, cao hơn 32,4% so với giá tại ngày 22/03/2024.

Cổ phiếu VPB là một trong những điểm sáng của dòng bank tuần qua khi duy trì đà tăng điểm suốt cả tuần, bấp chấp những pha điều chỉnh chung của thị trường trong phiên 25/3 và 29/3, hay những nhịp giảm của dòng bank. Tính chung tuần qua, với 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu VPB tăng 950 đồng (+5,05%) từ mức 18.800 đồng/CP lên 19.750 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SIP

Chúng tôi điều chỉnh tăng 25% giá mục tiêu cho SIP của Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG lên 104.000 đồng/CP nhưng hạ khuyến nghị từ mua xuống khả quan do giá cổ phiếu SIP đã tăng 47% so với đầu năm.

Là một “đại gia” bất động sản khu công nghiệp khi đem nghìn tỷ cho loạt CTCK top đầu vay lãi suất rẻ, rót hơn trăm tỷ đầu tư cổ phiếu và hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu SIP tiếp tục chứng tỏ “sức mạnh” trên thị trường chứng khoán trong tuần cuối tháng 3 và xác nhận đỉnh lịch sử mới. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng giá cổ phiếu SIP tăng 4.000 đồng (+4,44%) từ mức 90.000 đồng/CP lên 94.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VEA

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua khi đánh giá cao mức độ thâm nhập của Tổng CTCP Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) với thị trường xe máy của Việt Nam, mức tăng trưởng dài hạn về tiêu thụ ô tô trong nước, cùng với lợi suất cổ tức cao.

Cổ phiếu VEA tiếp tục có tuần giao dịch khởi sắc và xác nhận mức giá cao mới trong gần 2 năm. Tính chung tuần qua, với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá tham chiếu, tổng cộng giá cổ phiếu VEA tăng 1.000 đồng (+2,75%) từ mức 36.300 đồng/CP lên 37.300 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục