Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
* KBSV khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu NKG
Áp dụng 2 phương pháp định giá P/E và P/B, chúng tôi xác định giá trị hợp lý của NKG là 18.000 đồng/cổ phiếu (tương ứng với mức upside 13% so với giá 23/03/2023), đồng thời khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu này.
Mặc dù có thanh khoản tăng vọt với những phiên cuối tuần ngày 30-31/3 khớp lệnh tới hơn 20 triệu đơn vị, nhưng việc HOSE bổ sung NKG vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế trên BCTC kiểm toán năm 2022 là số âm, đã ảnh hưởng không mấy tích cực tới diễn biến cổ phiếu này. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NKG giảm 500 đồng (-3,14%) từ mức giá 15.900 đồng/CP xuống 15.400 đồng/CP.
* KBSV khuyến nghị mua cổ phiếu MWG, với giá mục tiêu 47.200 đồng/CP
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2024 theo dự phóng của chúng tôi lần lượt đạt 140.407 tỷ đồng (tăng 6%) và 4.585 tỷ đồng (tăng 13% so với năm trước). Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu MWG, mức giá mục tiêu 47.200 đồng/CP, cao hơn 25% giá đóng cửa ngày 23/03/2023.
Cổ phiếu MWG vẫn duy trì trạng thái lình xình đi lên trong xu hướng của thị trường chung. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu MWG tăng nhẹ 600 đồng (+1,58%) từ mức giá 37.950 đồng/CP lên 38.550 đồng/CP.
* VCSC khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu TDM
Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu TDM, với giá mục tiêu là 39.600 đồng/cp (tiềm năng tăng giá là 6,5%) dựa theo phương pháp DCF. Tỷ lệ chi trả cổ tức sẽ đạt 45% trong năm 2023, tương đương với tỷ suất cổ tức là 3,6%.
Mới đây, TDM thông qua ĐHCĐ thường niên với nội dung đáng chú ý sẽ chào bán 10 triệu cổ phiếu giá 30.000 đồng/CP, theo tỷ lệ 10:1 để huy động 300 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, diễn biến cổ phiếu TDM không được như kỳ vọng của VCSC khi đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TDM giảm 550 đồng (-1,5%) từ mức giá 36.650 đồng/CP xuống 36.100 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SLS
Chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh năm 2022/2023 là doanh thu thuần 1.470 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 296 tỷ đồng, đồng thời đưa ra khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SLS với giá mục tiêu là 190.300 đồng/CP.
Là cổ phiếu có thị giá cao thứ 2 trên sàn HNX và thuộc top 10 toàn thị trường chứng khoán Việt, do đó SLS chủ yếu giao dịch khá thấp và trong tuần cuối tháng 3 đã có diễn biến lình xình ở vùng giá cao của cổ phiếu này. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SLS giảm nhẹ 100 đồng (+0,07%) từ mức giá 150.400 đồng/CP xuống 150.300 đồng/CP.
* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STB
Sử dụng 2 phương pháp định giá P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư, chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm của cổ phiếu STB là 31.200 đồng/CP, cao hơn 22,4% so với giá tại ngày 27/03/2023, đồng thời khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu này.
Mặc dù trong những phiên gần đây, STB bị khối ngoại bán ròng khá mạnh, thậm chí trong phiên 30/3 bán ròng tới hơn 11 triệu đơn vị với tổng giá trị hơn 280 tỷ đồng, tuy nhiên lực cầu trong nước sôi động đã giúp cổ phiếu vẫn duy trì đà tăng và có tuần giao dịch khởi sắc. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STB tăng 1.150 đồng (+4,59%) từ mức giá 25.050 đồng/CP lên 26.200 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu DGW, với giá mục tiêu 46.200 đồng/CP
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý là 46.200 đồng/cổ phiếu. Do đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 39,5%. Định giá của chúng tôi đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Trái với nhận định của PHS, với nhu cầu tiêu dùng suy yếu, cổ phiếu bán lẻ nói chung, đặc biệt là DGW chịu nhiều sức ép. Cổ phiếu DGW đã có tuần lao dốc mạnh cuối tháng 3. Cụ thể, với việc đón nhận 5 phiên giảm liên tiếp trong đó phiên 30/3 giảm sàn, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DGW giảm 4.400 đồng (-13,29%) từ mức giá 33.100 đồng/CP xuống 28.700 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu FPT
Chúng tôi duy trì giá mục tiêu 1 năm là 95.400 đồng/cp và nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu FPT của CTCP FPT lên mua (từ khả quan) nhờ tiềm năng tăng giá hấp dẫn là 21%.
Mới đây, FPT đã công bố kết quả kinh doanh tháng 2 với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 2 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tại ĐHCĐ mới đây, FPT đã thông qua mục tiêu doanh thu hơn 2 tỷ USD trong năm 2023 và chia cổ tức 25% sau đại hội. Những thông tin này đã giúp FPT có tuần nhích nhẹ cùng thị trường. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng nhẹ 500 đồng (+0,64%) từ mức giá 78.600 đồng/CP lên 79.100 đồng/CP.
* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu VIB, với giá mục tiêu 31.700 đồng/CP
Chúng tôi duy trì kỳ vọng trong báo cáo trước về tăng trưởng tín dụng, NIM, và tỷ lệ nợ xấu của VIB trong năm 2023. Do lãi suất phi rủi ro giảm nên chúng tôi điều chỉnh WACC giảm còn 16,8%. Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income) và P/B, chúng tôi điều chỉnh tăng giá trị hợp lý đối với mỗi cổ phiếu VIB là 31.700 đồng/CP, đồng thời khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.
Thông tin ngày 7/4 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 5% bằng tiền, đã phần nào hỗ trợ giúp cổ phiếu VIB nhích bước trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 1 phiên đứng giá và 4 phiên tăng nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VIB tăng nhẹ 450 đồng (+2,15%) từ mức giá 20.950 đồng/CP lên 21.400 đồng/CP.
* VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu KBC với giá mục tiêu 30.045 đồng/CP
VCBS dự phóng doanh thu năm 2023 của KBC đạt 4.895 tỷ đồng (tăng 248,5% so với năm trước), lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 1.516 tỷ đồng (giảm 2,0%), tương ứng với EPS là 1.975 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC với mức định giá hợp lý là 30.045 đồng/cổ phiếu.
Thông tin HĐQT nhất trí về việc mua lại trái phiếu trước hạn và phương án mua lại trái phiếu trước hạn chi tiết đối với Trái phiếu mã KBCH2124003 do KBC phát hành năm 2021, đã tiếp sức mạnh giúp cổ phiếu KBC có phiên bốc đầu ngày cuối tuần 31/3 cùng thanh khoản đột biến. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 3 phiên đứng giá và 1 phiên tăng trần, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KBC tăng 1.650 đồng (+7,3%) từ mức giá 22.600 đồng/CP lên 24.250 đồng/CP.
* SSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail, nhờ triển vọng hồi phục mạnh mẽ của mảng cho thuê trung tâm thương mại trong năm nay, đồng thời chúng tôi nâng giá mục tiêu 1 năm lên 40.400 đồng/cp (từ 35.200 đồng/cp) – tiềm năng tăng giá là 38,1%.
Cổ phiếu VRE tiếp diễn trạng thái lình xình và nhờ phiên khởi sắc duy nhất trong tuần – ngày 30/3- đã giúp mã này lấy lại chút điểm để mất trong tuần trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE tăng nhẹ 300 đồng (+1,03%) từ mức giá 29.250 đồng/CP lên 29.550 đồng/CP.
* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BSR
Ước tính EBITDA năm 2023 là 9.255 tỷ đồng (giảm 48% so với năm trước), sử dụng phương pháp định giá so sánh EV/EBITDA, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu là 18.020 đồng/CP, tương ứng upside là 17% so với giá đóng cửa ngày 30/3/2023.
Không được như kỳ vọng của BVSC, cổ phiếu BSR chỉ nhích nhẹ trong tuần cuối cùng của tháng 3. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR tăng nhẹ 300 đồng (+1,97%) từ mức giá 15.200 đồng/CP lên 15.400 đồng/CP.
* KBSV khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GMD
Sử dụng phương pháp định giá từng phần cho, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu 62.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng tiềm năng tăng giá 23.2% so với mức giá đóng cửa 50.900 đồng/CP ngày 29/03/2023.
Bên cạnh đà tăng tiếp tục được nới rộng trong tuần cuối cùng của tháng 3, cổ phiếu GMD còn có diễn biến tích cực với thanh khoản cải thiện khi có những phiên khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị, trong khi tuần trước đó chỉ đạt trên dưới 200.000 đơn vị. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD tăng 1.700 đồng (+3,41%) từ mức giá 49.800 đồng/CP lên 51.500 đồng/CP.