Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị đã có tuần giao dịch lình xình với những phiên tăng giảm xen kẽ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* SSI khuyến nghị kém khả quan dành cho cổ phiếu STK, giá mục tiêu 28.600 đồng/CP

Trong năm 2023, chúng tôi dự báo công ty sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt là 2,5% và 6,6% so với cùng kỳ. Trong năm 2024, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt là 11,3% và 13,6% so với cùng kỳ, với giả định thị trường chung sẽ phục hồi và đầu tư mở rộng vào nhà máy Unitex.

Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu đối với cổ phiếu STK là 28.600 đồng/cổ phiếu, và khuyến nghị kém khả quan đối với cổ phiếu này.

Nhận định trên khá chuẩn xác khi cổ phiếu STK vẫn duy trì chuỗi ngày giảm điểm kể từ đầu tháng 2. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STK giảm 1.900 đồng (-6,25%) từ mức giá 30.400 đồng/CP xuống 28.500 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu BSR, VND khuyến nghị khả quan

Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh hệ số PE, EV/EBITDA, giá trị cổ phiếu BSR được xác định ở mức 21.800 đồng/cổ phần, tương ứng với PE forward 2023 10,5 lần, đồng thời MBS khuyến nghị mua cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, dù lợi nhuận có thể đã đạt đỉnh trong năm 2022, VND vẫn ưa thích BSR vì mức định giá hấp dẫn (3,2 lần EV/EBITDA năm 2023), vị thế tiền mặt dồi dào và kỳ vọng crack spread duy trì ở mức cao. Do đó, chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 27.300 đồng/CP, dựa trên tỷ trọng tương đương của EV/EBITDA mục tiêu 2023 là 6,5x và P/B mục tiêu 2023 là 1,5 lần.

Mặc dù được phân tích tích cực cùng kết quả kinh doanh khả quan với quý IV/2022 ghi nhận lợi nhuận 1.499 tỷ đồng thay vì ước lỗ trước đó, nhưng cổ phiếu BSR đã không ngược dòng thành công trong bối cảnh thị trường rung lắc và mất điểm trong tuần qua. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BSR tăng nhẹ 200 đồng (+1,24%) từ mức giá 16.100 đồng/CP lên 16.300 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT

FPT là cổ phiếu đầu ngành công nghệ với tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tối đa trong nhiều năm. Đây là cổ phiếu ổn định với giá cổ phiếu tăng trưởng bình quân 16%/năm trong 5 năm gần đây. Đồng thời hệ số Beta ở mức khoảng 0,6 - 0,7 lần cho thấy khả năng chống chịu tốt trước biến động của thị trường. Về tài chính, FPT duy trì tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt và cổ phiếu đều đặn, tình hình tài chính lành mạnh tỷ lệ tiền mặt ròng cao hơn 20.000 tỷ đồng, hệ số vay nợ giảm từ 0,94 xuống 0,49 lần.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 90.000 đồng/CP.

Mặc dù ngược dòng thị trường thành công nhưng pha hồi phục của FPT còn khá hạn chế sau tuần mất điểm trước đó. Thống kê với việc đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng nhẹ 600 đồng (+0,75%) từ mức giá 80.100 đồng/CP lên 80.700 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu POW

Định giá rẻ so với tiềm năng doanh nghiệp. P/B của POW hiện ở mức 0,8x lần, là mức định giá tương đối thấp so với bình quân 5 năm (trên 1,1x lần) và cơ hội tăng trưởng sản lượng huy động và lợi nhuận trong năm 2023.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu POW với giá mục tiêu 14.000 đồng/CP.

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của POW vừa công bố con số bất ngờ với lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 732 tỷ đồng, gấp gần 39 lần so với cùng kỳ năm trước và lũy kế cả năm đạt 2.323 tỷ đồng, tăng trưởng 13% và vượt 213% kế hoạch năm. Tuy vậy, diễn biến cổ phiếu POW không được kỳ vọng như AGR đưa ra và đã có tuần rung lắc và điều chỉnh cùng thị trường chung. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW giảm nhẹ 150 đồng (-1,23%) từ mức giá 12.150 đồng/CP xuống 12.000 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BMP, KBSV khuyến nghị nắm giữ

BMP có sức khỏe tài chính tốt, dòng tiền kinh doanh ổn định. Agriseco Research dự báo doanh nghiệp sẽ tiếp tục duy trì chính sách cổ tức tiền mặt khoảng 5.000 – 7.000 đồng/CP cho năm 2023, tương ứng lợi suất cổ tức ở khoảng 10%.

Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu BMP với giá mục tiêu 68.000 đồng/CP.

Mặt khác, năm 2023, trên quan điểm thận trọng, KBSV dự phóng lợi nhuận đạt 528,4 tỷ đồng (giảm 24,2% so với năm trước) và doanh thu 5.391 tỷ đồng (giảm 7%). Khuyến nghị nắm giữ đối với BMP, giá mục tiêu 68.500 đồng/CP.

Sau tuần giảm khá mạnh dù đón nhận thông tin tích cực về kết quả lợi nhuận quý IV/2022 cao kỷ lục, cổ phiếu BMP đã đảo chiều hồi phục nhưng còn khá hạn chế. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BMP tăng nhẹ 400 đồng (+0,67%) từ mức giá 59.600 đồng/CP lên 60.000 đồng/CP.

* AGR khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu STB

Theo thống kê, từ đầu năm 2023 tới nay, STB là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị trên 500 tỷ đồng. Điều này sẽ hỗ trợ tạo dư địa cho đà tăng giá cổ phiếu thời gian tới. Chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu STB với giá mục tiêu 29.000 đồng/CP.

Trong khi nhà đầu tư nước ngoài duy trì trạng thái mua ròng mạnh mẽ hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu STB qua từng phiên giao dịch, thì khối nội lại đẩy mạnh bán ra khiến cổ phiếu này liên tiếp mất điểm trong tuần vừa qua. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và chỉ 1 phiên tăng nhẹ ngày 7/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu STB giảm 2.400 đồng (-9,21%) từ mức giá 26.050 đồng/CP xuống 23.650 đồng/CP.

* VCBS khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu NT2, giá mục tiêu 27.000 đồng/CP

Cho năm 2023, chúng tôi điều chỉnh ước tính sản lượng điện do nhà máy thực hiện bảo dưỡng đại tu. Do đó, chúng tôi điều chỉnh hạ khuyến nghị từ mua về trung lập và giảm giá mục tiêu 15,2% xuống còn 27.000 đồng/CP - upside -3,4% so với giá hiện tại ngày 06/02/2023.

Trong bối cảnh thị trường chung mất điểm, nhóm cổ phiếu điện có thể là điểm sáng khi ngược dòng thành công dù đà tăng không quá mạnh mẽ. Trong đó, cổ phiếu PC1 cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành khi đón nhận 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng. Tổng cộng tuần qua, giá cổ phiếu NT2 tăng 1.050 đồng (+3,88%) từ mức giá 27.050 đồng/CP lên 28.100 đồng/CP.

* SSI khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu REE

Hiện tại, ước tính này cũng phù hợp với ước tính của chúng tôi vào năm 2023 là -8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên với động lực mới đến từ dự án bất động sản mới và hợp đồng tiềm năng từ nhà ga sân bay Long Thành, chúng tôi đưa REE vào danh sách cổ phiếu quan sát cho năm 2023 và duy trì giá mục tiêu 1 năm là 87.500 đồng/cổ phiếu cho cổ phiếu REE cùng với khuyến nghị khả quan.

Cũng nằm trong xu hướng chung của ngành, cổ phiếu REE cũng có tuần nhích nhẹ. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu REE tăng 1.000 đồng (+1,42%) từ mức giá 70.500 đồng/CP lên 71.500 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VEA, giá mục tiêu 45.500 đồng/CP

Ở mức giá hiện tại, VEA đang giao dịch tại P/E 7,2x (cuối 2023) so với trung bình 5 năm là 9,4x. Kể từ Cập nhật gần nhất vào Tháng 11/2022, giá cổ phiếu VEA đã tăng 13,8%, do đó upside so với giá hiện tại khá khiêm tốn là 12,3%. BVSC hạ khuyến nghị xuống Neutral từ Outperform, trong khi duy trì giá mục tiêu là 45.500 đồng/cổ phiếu.

Là một trong những điểm sáng bức tranh tài chính năm 2022 với lợi nhuận sau thuế kỷ lục hơn 7.600 tỷ đồng, nhưng cổ phiếu VEA cũng có tuần giao dịch không mấy khả quan. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất ngày cuối tuần 10/2, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VEA giảm 1.300 đồng (-3,23%) từ mức giá 40.300 đồng/CP xuống 39.000 đồng/CP.

* VND khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SCS

Chúng tôi giảm giá mục tiêu của SCS 5,4% so với báo cáo trước do (1) chúng tôi chuyển mô hình dòng tiền sang năm 2023, và (2) chúng tôi điều chỉnh giảm dự phóng EPS 2023-24 xuống 12,2%-9,2%. Rủi ro tăng giá là việc phê duyệt đầu tư nhà ga mới tại Long Thành. Rủi ro giảm giá là tiêu dùng toàn cầu suy giảm khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không suy giảm.

Đồng thời, chúng tôi khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SCS, với giá mục tiêu 102.600 đồng/CP.

Nhận định của VND thiếu chuẩn xác khi cổ phiếu SCS tiếp tục có thêm tuần điều chỉnh nhẹ dù báo cáo tài chính năm 2022 tích cực với lợi nhuận đạt kỷ lục 646 tỷ đồng. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SCS giảm 700 đồng (-0,93%) từ mức giá 74.900 đồng/CP xuống 74.200 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PVS

Chúng tôi nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm khoảng 46% lên 30.600 đồng/cổ phiếu cho Tổng CTCP Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS).

Cũng như một số doanh nghiệp trên, PVS đã có kết quả kinh doanh quý IV/2022 khả quan với lợi nhuận trước thuế gấp 3,5 lần cùng kỳ, cao nhất trong vòng 15 quý và lợi nhuận sau thuế cả năm tăng trưởng 11%, vượt 71% kế hoạch đề ra, nhưng diễn biến cổ phiếu PVS không được như kỳ vọng khi chỉ nhích nhẹ sau tuần giảm khá mạnh trước đó. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS tăng nhẹ 200 đồng (+0,85%) từ mức giá 23.600 đồng/CP lên 23.800 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ