Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên cạnh thị trường liên tục phá đỉnh và hướng tới mốc 1.500 điểm, các cổ phiếu được khuyến nghị trong tuần qua cũng tăng tốc với nhiều mã ghi nhận mức tăng vượt trội gần 20%.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC khuyến nghị mở vị thế PHC tại ngưỡng 16.5

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA50 trong phiên hôm nay, ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 16.5, chốt lãi tại ngưỡng 19.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 14.8.

Không nằm ngoài xu hướng chung của nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng, cổ phiếu PHC đã có tuần giao dịch bùng nổ cả về giá và thanh khoản, sau thời gian dài biến động giằng co trước thời điểm chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu.

Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó có 2 phiên tăng trần và chỉ 1 phiên giảm điều chỉnh nhẹ ngày 26/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHC tăng 2.750 đồng (+18,52%) từ mức giá 14.850 đồng/CP lên 17.600 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 67.100 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG của CTCP Đầu tư Nam Long, với giá mục tiêu 67.100 đồng/cổ phiếu (tăng 24%), dựa trên 4 luận điểm chính.

Bên cạnh xu hướng khởi sắc chung của ngành, cổ phiếu NLG cũng có tuần tăng mạnh sau thông tin kết quả kinh doanh quý III/2021 khả quan với lợi nhuận sau thuế tăng tới 813% so với cùng kỳ do ghi nhận khoản lãi tài chính 361 tỷ đồng từ hợp nhất dự án Southgate. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng 3.800 đồng (+7,01%) từ mức giá 54.200 đồng/CP lên 58.000 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu CTG với giá mục tiêu 41.850 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với mức giá mục tiêu 41.850 đồng/CP (tăng 34,6% upside).

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa “bình phục” thì vẫn có những mã lội ngược dòng thành công tuần qua. Điển hình là CTG ghi nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 26/10, sau thông tin kết quả kinh doanh quý III/2021 khả quan với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu CTG tăng 1.850 đồng (+6,24%) từ mức giá 29.650 đồng/CP lên 31.500 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu ACB

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Outperform; nhưng đang xem xét lại dự báo và giá mục tiêu. ACB duy trì là cổ phiếu ưu thích của chúng tôi với: (1) Nền tảng ngân hàng bán lẻ ưu việt, (2) Chất lượng tài sản tốt, (3) Lợi suất sinh lời cao và bền vững; và (4) Ban lãnh đạo thận trọng trong việc quản lý chất lượng tài sản qua việc chủ động trích lập dự phòng, hỗ trợ triển vọng tăng trưởng trong những năm tới.

Bên cạnh CTG, ACB cũng có tuần giao dịch tích cực, đặc biệt là phiên bùng nổ ngày cuối tuần 29/10 khi tăng mạnh về giá cùng thanh khoản đột biến, gấp hơn 2-3 lần so với những phiên trước đó. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB tăng 1.400 đồng (+4,43%) từ mức giá 31.600 đồng/CP lên 33.000 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu TCB với giá mục tiêu 63.300 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với TCB với mức giá mục tiêu là 63.300 đồng/CP tương ứng với tiềm năng tăng giá là 19,7% so với giá đóng cửa ngày 21/10/2021 là 52.900 đồng/CP.

Cũng thuộc dòng bank nhưng TCB lại trái ngược với CTG và ACB khi vẫn duy trì trạng thái điều chỉnh nhẹ trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCB giảm nhẹ 700 đồng (-1,34%) từ mức giá 52.300 đồng/CP xuống 51.600 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu FPT với giá mục tiêu 120.000 đồng/CP

BVSC tiếp tục khuyến nghị OUTPERFORM đối với FPT với giá mục tiêu 120.000 đồng/cp, tương ứng với PER 2022 là 22,5 lần.

Mặc dù đã có những nhịp hồi phục sau những phiên mất điểm trong tuần trước, nhưng thông tin Phó chủ tịch Bùi Quang Ngọc đăng ký bán bớt 4,5 triệu cổ phiếu đã phần nào tác động tới diễn biến cổ phiếu FPT. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT chỉ tăng nhẹ 700 đồng (+0,73%) từ mức giá 96.200 đồng/CP lên 96.900 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu VSH với giá mục tiêu 36.000 đồng/CP

Chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu VSH của Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh cho giá mục tiêu 12 tháng tới là ở mức 36.000 đồng/CP. Chúng tôi tin rằng cơ hội đầu tư dài hạn vào cổ phiếu doanh nghiệp thủy điện là hấp dẫn, đặc biệt từ năm 2021 Công ty đã đưa nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum vào hoạt động nâng công suất thêm 220MW, tương ứng tăng 162% lên 356 MW.

Mặc dù Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với lợi nhuận âm 42,06 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi ròng gần 30 tỷ đồng, tuy nhiên, thông tin này không tác động nhiều tới diễn biến cổ phiếu VSH tuần qua khi với những nhịp hồi phục khá tích cực cùng thanh khoản sôi động hơn.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VSH tăng 1.900 đồng (+6,33%) từ mức giá 30.000 đồng/CP lên 31.900 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu FRT tại ngưỡng 58.0

Chỉ báo RSI báo hiệu nhịp điều chỉnh nhẹ trong khi chỉ báo MACD đang ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 trong phiên hôm nay, ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 51.1, chốt lãi tại ngưỡng 58.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 48.0.

Thông tin khá tích cực về việc nhập thêm 10.000 iPhone 13 series chính hãng sau đợt cháy hàng ngày mở bán trước đó, là động lực tiếp sức cho đà tăng của cổ phiếu FRT trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó phiên 27/10 tăng trần và 1 phiên giảm nhẹ ngày đầu tuần 25/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FRT tăng 4.400 đồng (+9,22%) từ mức giá 47.700 đồng/CP lên 52.100 đồng/CP.

* PHS khuyến nghị mua cổ phiếu HII với giá mục tiêu 30.500 đồng/CP

Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, mức giá hợp lý cho cổ phiếu HII khoảng 30.500 đồng/cổ phiếu (+64% so với giá hiện tại). Từ đó khuyến nghị mua cho cổ phiếu HII.

Cổ phiếu HII đã có tuần tăng mạnh cả về giá và thanh khoản. Thống kê với việc đón nhận 4 phiên tăng, trong đó 2 phiên cuối tuần ngày 28-29/10 tăng trần và 1 phiên giảm nhẹ ngày 26/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HII tăng 3.350 đồng (+18,46%) từ mức giá 18.150 đồng/CP lên 21.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu DBC tại ngưỡng 69.0

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã nằm trên 2 đường MA20 và MA50 ủng hộ xu hướng tăng.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 60.9, chốt lãi tại ngưỡng 69.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 58.5.

Dù kết quả kinh doanh quý III/2021 không mấy khả quan khi lợi nhuận giảm 64% xuống mức thấp nhất 8 quý nhưng diễn biến cổ phiếu DBC vẫn duy trì đà tăng nhẹ về giá cùng thanh khoản sôi động hơn. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DBC tăng 2.700 đồng (+4,7%) từ mức giá 57.500 đồng/CP lên 60.200 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu GDT với giá mục tiêu 65.500 đồng/CP

Mặc dù triển vọng ngắn hạn của GDT vẫn tương đối khó khăn, khi (1) Lực lượng lao động; (2) Thị trường nội địa cần thời gian phục hồi; Chúng tôi tin rằng giai đoạn khó khăn nhất đã qua, triển vọng dài hạn của GDT vẫn đầy hứa hẹn, hậu thuẫn bởi: (1) Việc tuân thủ các chứng chỉ xã hội thành công giúp gia tăng thêm các đơn hàng xuất khẩu; và (2) Nhà máy mới tại Bình Dương đi vào hoạt động. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu GDT.

Mặc dù kết quả kinh doanh kém khả quan với doanh thu và lợi nhuận quý III/2021 giảm mạnh so với cùng kỳ, nhưng cổ phiếu GDT cũng không nằm ngoài xu hướng khởi sắc của nhóm ngành gỗ. Cụ thể, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm nhẹ và 1 phiên đứng giá ngày đầu tuần 25/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GDT tăng 2.100 đồng (+3,66%) từ mức giá 57.400 đồng/CP lên 59.500 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu BVH tại ngưỡng 72.5

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã nằm trên 2 đường MA20 và MA50 ủng hộ xu hướng tăng.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 64.5, chốt lãi tại ngưỡng 72.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 60.0.

Dòng tiền chảy mạnh và đang luân phiên qua các nhóm ngành. Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu bảo hiểm cũng hưởng lợi khi tăng đột biến trong ngày đầu tuần 25/10 và BVH cũng không ngoại trừ. Bên cạnh đó, BVH còn ra thông tin chốt quyền chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 9%, cũng tác động tích cực tới diễn biến giá cổ phiếu.

Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BVH tăng 4.400 đồng (+7,3%) từ mức giá 60.300 đồng/CP lên 64.700 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu C4G tại ngưỡng 14.5

Chỉ báo RSI ủng hộ xu hướng hồi phục và chỉ báo MACD đang chuyển sang xu hướng tích cực. Đường giá cổ phiếu cũng đã cắt lên đường MA20 và MA50 báo hiệu xu hướng hồi phục.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 12.5, chốt lãi tại ngưỡng 14.5 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 11.3.

Chuỗi ngày tăng mạnh của C4G vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tuần cuối tháng 10, cổ phiếu C4G tiếp tục giao dịch sôi động và duy trì đà tăng tích cực. Thống kê với việc đón nhận 5 phiên tăng liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu C4G tăng 1.400 đồng (+11,2%) từ mức giá 12.500 đồng/CP lên 13.900 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục