Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Bên cạnh thị trường tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, phần lớn các cổ phiếu đưa ra khuyến nghị tuần qua cũng giao dịch khởi sắc, thậm chí có mã tăng trưởng tới gần 40%.

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* PSI khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu POW

Chúng tôi sử dụng hai phương pháp chiết khấu dòng tiền và phương pháp so sánh P/E forward và P/B forward để xác định giá trị hợp lý cho cổ phiếu. Theo đó, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu POW với mức giá mục tiêu 12.000 đồng/CP.

Sau tuần mất điểm trước thông tin ước doanh thu 9 tháng đạt 21.790 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ và hoàn thành 64,4% kế hoạch năm, cổ phiếu POW đã có những nhịp hồi phục, tuy nhiên chỉ đủ để giúp cổ phiếu này tìm lại trạng thái thăng bằng. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu POW không biến động và giữ nguyên tại mức giá 10.300 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu SJS nằm tại mức 29

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu có thể quay trở lại đà tăng trong thời gian tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SJS nằm tại xung quanh giá 23.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 29, cắt lỗ nếu ngưỡng 22.5 bị xuyên thủng.

Sau những phiên dẫm chân tại chỗ trong nửa đầu tuần, cổ phiếu SJS đã duy trì đà tăng khá mạnh trong những phiên cuối tuần, đúng như nhận định của BSC rằng đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu có thể quay trở lại đà tăng trong thời gian tới. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên đứng giá tham chiếu, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu SJS tăng 2.600 đồng (+11,33%) từ mức giá 22.950 đồng/CP lên 25.550 đồng/CP.

* BVSC khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu DHC, BSC đưa ra giá mục tiêu chốt lãi là 52

BVSC điều chỉnh tăng giá mục tiêu cho DHC của CTCP Đông Hải Bến Tre lên 56.400 đồng/cp và duy trì khuyến nghị OUTPERFORM.

Trong khi đó, theo BSC, ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DHC nằm tại xung quanh giá 45.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 52, cắt lỗ nếu ngưỡng 44 bị xuyên thủng.

Không nằm ngoài sự phân tích và nhận định của BVSC và BSC, cổ phiếu DHC đã có phiên giao dịch khá khởi sắc. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DHC tăng 3.500 đồng (+7,73%) từ mức giá 45.300 đồng/CP lên 48.800 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu TCM nằm tại mức 28

Các chỉ báo xu hướng hiện vẫn đang ủng hộ cho vận động tích cực của TCM. Chỉ báo động lượng RSI chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TCM nằm tại xung quanh giá 24.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 28, cắt lỗ nếu ngưỡng 22 bị xuyên thủng.

Mới đây, Dệt may Thành Công đã công bố lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt hơn 200 tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời nhiều đơn hàng khẩu trang kháng khuẩn, bảo hộ y tế được xuất khẩu, đã tác động tích cực tới diễn biến cổ phiếu TCM. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm ngày cuối tuần 22-23/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCM tăng 1.150 đồng (+4,83%) từ mức giá 23.800 đồng/CP lên 24.950 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu là 47.600 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHC với giá mục tiêu là 47.600 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 14,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,5%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.

Trái với khuyến nghị của VCSC, sau một tuần giao dịch khởi sắc trước đó, VHC đã quay đầu điều chỉnh trước thông tin kết quả kinh doanh 9 tháng không mấy khả quan khi lợi nhuận sau thuế đạt 552 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Thống kê với việc đón nhận duy nhất 1 phiên tăng ngày cuối tuần 23/10 và 4 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VHC giảm 1.800 đồng (-4,16%) từ mức giá 43.300 đồng/CP xuống 41.500 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu DCM

Chúng tôi công bố báo cáo lần đầu cho CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) với khuyến nghị khả quan và tổng mức sinh lời dự phóng 14,5%. DCM có một nhà máy urê tại vị trí chiến lược, thương hiệu uy tín và các sản phẩm chất lượng cao.

Thông tin chuẩn bị chia cổ tức năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 6% tiếp tục hỗ trợ tốt cho đà tăng cổ phiếu DCM trong tuần qua. Thống kê với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DCM tăng 250 đồng (+2%) từ mức giá 12.550 đồng/CP lên 12.800 đồng/CP.

* BSC khuyến nghị mua VRE với giá mục tiêu là 36.730 đồng/CP

Chúng tôi đánh giá cao vị thế đầu ngành bất động sản bán lẻ của VRE, khuyến nghị mua với giá mục tiêu trong 1 năm tới là 36.730 đồng/CP. Giá mục tiêu của BSC dựa trên kết hợp phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền FCFF và so sánh EV/EBITDA với tỷ trọng 50-50.

Nhóm cổ phiếu nhà Vingroup đã có tuần giao dịch khởi sắc, hỗ trợ tốt cho đà tăng điểm của thị trường. Trong đó, cổ phiếu VRE đã đón nhận 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm ngày đầu tuần 19/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VRE tăng 850 đồng (+3,09%) từ mức giá 27.500 đồng/CP lên 28.350 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu DRI nằm tại mức 5.4

Các chỉ báo xu hướng hiện đang nghiêng về chiều hướng tích cực. Chỉ báo động lượng RSI đã đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể sẽ có sự điều chỉnh trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DRI nằm tại xung quanh giá 4.4. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 5.4, cắt lỗ nếu ngưỡng 3.8 bị xuyên thủng.

Với kết quả kinh doanh quý III/2020 ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất hơn 11,37 tỷ đồng, tăng 74,37% so với cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu DRI đã có tuần giao dịch bùng nổ khi tăng vọt về giá và thanh khoản khá cao với 3 phiên khớp lệnh trên 1,3 triệu đơn vị/phiên.

Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng mạnh, trong đó có 3 phiên tăng trần và 1 phiên giảm ngày 21/10, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DRI tăng 1.700 đồng (+39,53%) từ mức giá 4.300 đồng/CP lên 6.000 đồng/CP.

* Theo BSC, có thể mở vị thế cổ phiếu FPT tại quanh ngưỡng giá 53.0

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục ngắn hạn. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu tư trung hạn có thể mở vị thế cổ phiếu tại quanh ngưỡng giá 53.0 và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận ngưỡng 60.0, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 50.0.

Cổ phiếu FPT đã diễn biến giằng co sau tuần khởi sắc trước đó. Thống kê với việc đón nhận 2 phiên tăng và 3 phiên giảm, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT tăng 700 đồng (+1,32%) từ mức giá 53.200 đồng/CP lên 53.900 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà BSC đưa ra, thị giá hiện tại của FPT còn thấp hơn 10%.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục