Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có tuần giao dịch khởi sắc và nhiều mã được đưa ra khuyến nghị cũng có ghi nhận mức tăng khá tốt, điển hình là bộ đôi bluechip MWG và PLX tăng vượt 10%.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.

* BSC và VCSC cùng khuyến nghị mua cổ phiếu MWG

BSC tiếp tục duy trì khuyến nghị mua với việc điều chỉnh giảm nhẹ giá mục tiêu dự phóng xuống mức 117.500 VND (do cập nhật điều chỉnh một số giả định) so với (upside +43.8% so với mức giá ngày 20/08/2020) dựa trên hai phương pháp P/E (50%) và DCF (50%).

Tương tự, VCSC duy trì khuyến nghị mua khi cho rằng khả năng triển khai kinh doanh mạnh mẽ của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận sau năm 2020 – dù rủi ro tiêu dùng không thiết yếu suy yếu.

Việc giới thiệu mô hình chuỗi Điện máy Xanh supermini có sắp xếp tinh gọn về vận hành với diện tích 120 - 150 m2, đội ngũ nhân sự chỉ 4 người, dự kiến mỗi tỉnh có khoảng 14-20 cửa hàng và doanh thu mục tiêu từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng mỗi shop/tháng, cổ phiếu MWG đã có tuần giao dịch khá bùng nổ khi tăng mạnh cả giá và thanh khoản.

Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm duy nhất ngày 26/8, tổng cộng, giá cổ phiếu MWG tăng 10.800 đồng (+13,17%) từ mức giá 82.000 đồng/CP lên 92.800 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của GVR nằm tại xung quanh giá 13-13.5, VCSC khuyến nghị mua

Theo BSC, ngưỡng hỗ trợ gần nhất của GVR nằm tại khu vực 11.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 13-13.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 11.4 bị xuyên thủng.

Bên cạnh đó, VCSC duy trì khuyến nghị mua dành cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) trong khi điều chỉnh giảm 0,7% giá mục tiêu còn 14.000 đồng/CP.

Sau tuần giao dịch khởi sắc trước đó, cổ phiếu GVR đã diễn biến rung lắc và có những nhịp điều chỉnh. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu GVR tăng 200 đồng (+1,69%) từ mức giá 11.850 đồng/CP lên 12.050 đồng/CP.

* MBS và VCSC cùng khuyến nghị mua PNJ

MBS khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PNJ với giá mục tiêu 12 tháng 66.000 đồng/cổ phiếu trên cơ sở (i) là DN niêm yết đầu ngành trong lĩnh vực bán lẻ trang sức, (ii) nhu cầu vàng miếng duy trì ở mức cao khi dịch bệnh diễn ra trên diện rộng, trong khi (iii) DN đã thực hiện tái cấu trúc cửa hàng nhằm tối ưu hóa mạng lưới bán lẻ.

Tương tự, VCSC giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) khi chúng tôi tin rằng các lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ (cụ thể như thương hiệu uy tín hàng đầu, hệ thống cửa hàng bán lẻ rộng khắp và thiết kế cũng như năng lực sản xuất dẫn đầu) sẽ dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận gia tăng sau năm 2020 – bất chấp các rủi ro đến từ chi tiêu người tiêu dùng hạ nhiệt.

Mặc dù trong tháng 7, PNJ đóng cửa 3 cửa hàng trang sức nhưng doanh thu tăng trưởng khá tốt nhờ mảng kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, tháng 7, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 1.307 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 55,4 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 10% và 2,3% so với cùng kỳ. Thông tin tích cực đã phần nào giúp cổ phiếu PNJ có những phiên giao dịch khởi sắc. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu PNJ tăng 4.500 đồng (+7,99%) từ mức giá 56.300 đồng/CP lên 60.800 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của BVH nằm tại xung quanh giá 50-50.5

Hôm nay 24/8, các đường EMA vừa xuất hiện Golden Cross, trong khi đó chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy xu hướng tăng trong thời gian tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của BVH nằm tại khu vực 45.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 50-50.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 44.5 bị xuyên thủng.

Mặc dù không có sự bứt phá mạnh nhưng nhiều cổ phiếu trong nhóm bluechip tuần qua giao dịch khá tích cực, góp phần hỗ trợ giúp chỉ số thị trường khởi sắc. Trong đó, cổ phiếu BVH cũng là một nhân tố khi tuần qua đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 27/8. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu BVH tăng 2.200 đồng (+4,8%) từ mức giá 45.850 đồng/CP lên 48.050 đồng/CP.

* ACBS khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu KDH

Với đội ngũ quản lý tốt, tình hình tài chính lành mạnh và các dự án tiềm năng, chúng tôi lặp lại khuyến nghị mua với giá mục tiêu hầu như không thay đổi là 28.795 đồng/CP, dựa trên phương pháp RNAV.

Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu KDH tăng 650 đồng (+2,73%) từ mức giá 23.850 đồng/CP lên 24.500 đồng/CP. Tuy nhiên, so với mức giá mục tiêu mà ACBS đưa ra là 28.795 đồng, thị giá hiện tại của KDH còn thấp hơn 14,92%.

* KBSV khuyến nghị mua GAS với giá mục tiêu 89.200 đồng/CP

Chúng tôi ra báo cáo lần đầu Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS) với khuyến nghị mua và giá mục tiêu là 89.200 đồng/CP. Giá mục tiêu của chúng tôi dựa vào P/B giữa chu kỳ được xác định từ mô hình DDM 3 giai đoạn.

Mặc dù được phân tích và nhận định khá tích cực nhưng diễn biến cổ phiếu GAS tuần qua không được như kỳ vọng. Cụ thể, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu GAS tăng 2.200 đồng (+3,06%) từ mức giá 72.000 đồng/CP lên 74.200 đồng/CP. Như vậy, so với mức giá mục tiêu mà KBSV đưa ra là 89.200 đồng/CP, thị giá hiện tại của GAS còn thấp hơn 18,29%.

* KBSV khuyến nghị mua PLX với giá mục tiêu 57.800 đồng/CP

Chúng tôi ra báo cáo lần đầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) với khuyến nghị mua và giá mục tiêu là 57.800 đồng. Giá mục tiêu của chúng tôi dựa vào P/B giữa chu kỳ được xác định từ mô hình DDM 3 giai đoạn.

Thông tin Công ty mẹ của cổ đông lớn Nhật Bản - tổ chức ENEOS Corporation đăng ký mua 13 triệu cổ phiếu PLX, đã tạo đà giúp cổ phiếu này có tuần tăng vọt. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên giảm nhẹ ngày cuối tuần 28/8, tổng cộng, giá cổ phiếu PLX tăng 5.750 đồng (+12,35%) từ mức giá 46.550 đồng/CP lên 52.300 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho GMD với giá mục tiêu 24.400 đồng/CP

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GMD với giá mục tiêu 24.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 10,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,3%).

Dù trong tuần qua, Gemadept có công bố lãi ròng 7 tháng đạt 260 tỷ đồng và thông báo chốt danh sách cổ đông trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, nhưng sau tuần tăng vọt trước đó, cổ phiếu GMD đã chịu áp lực chốt lời và rung lắc trong tuần cuối tháng 8. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 1 phiên giảm và 2 phiên đứng giá, tổng cộng, giá cổ phiếu GMD tăng nhẹ 50 đồng (+0,22%) từ mức giá 22.950 đồng/CP lên 23.000 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) và giá mục tiêu 37.500 đồng/CP. Chúng tôi giảm 4% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2020 đạt 871 tỷ đồng (giảm 9% so với năm ngoái) chủ yếu do kết quả kinh doanh thấp hơn dự kiến trong 6 tháng 2020 từ dự án Flora Novia và Mizuki Park giai đoạn 1.

Không được như kỳ vọng của VCSC, tuần qua, cổ phiếu NLG vẫn duy trì những phiên tăng nhẹ. Cụ thể, với việc đón nhận 4 phiên tăng và 1 phiên đứng giá ngày 25/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NLG tăng nhẹ 700 đồng (+2,57%) từ mức giá 27.200 đồng/CP lên 27.900 đồng/CP. So với mức giá mục tiêu mà VCSC đưa ra là 37.500 đồng/CP, thị giá hiện tại của NLG còn thấp hơn 25,6%.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của DRC tại xung quanh giá 18.1

Phiên 26/8, các đường EMA xuất hiện Golden Cross, đồng thời chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua, nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DRC nằm tại khu vực 16.8. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 18.1, cắt lỗ nếu ngưỡng 16 bị xuyên thủng.

Sau 2 phiên đầu tuần tăng khá tốt, cổ phiếu DRC đã trở nên rung lắc do áp lực bán gia tăng. Thống kê cả tuần, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 28/8, tổng cộng, giá cổ phiếu DRC tăng 650 đồng (+3,93%) từ mức giá 16.550 đồng/CP lên 17.200 đồng/CP.

* MBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMP

Dựa trên tình hình sản xuất kinh doanh và dòng tiền ổn định với 43% thị phần tại miền Nam và 28% thị phần trên cả nước trong phân khúc sản xuất ống nhựa xây dựng, chúng tôi dự phóng BMP có khả năng duy trì tỷ suất cổ tức 9%/năm với tỷ lệ chia cổ tức/lợi nhuận ròng đạt 77%, đồng thời khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu BMP.

Tuần qua, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 27/8, tổng cộng, giá cổ phiếu BMP tăng 100 đồng (+0,17%) từ mức giá 57.200 đồng/CP lên 57.300 đồng/CP.

* VCSC khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu SAB

Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan cho Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SAB) khi chúng tôi giữ quan điểm tích cực đối với tiềm năng cải thiện hiệu quả kinh doanh cốt lõi của SAB, dựa trên đội ngũ ban lãnh đạo nhiều kinh nghiệm cũng như đà phục hồi kinh doanh từ 6 tháng đầu năm 2020 đầy thách thức, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và Nghị định 100.

Cũng như một số bluechip khác, cổ phiếu SAB tuần qua cũng chỉ nhích nhẹ. Thống kê cả tuần, với việc đón nhận 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu SAB tăng 2.400 đồng (+1,34%) từ mức giá 179.600 đồng/CP lên 182.000 đồng/CP.

* Theo BVSC, quý III là điểm mua tích lũy hấp dẫn đối với PVT

BVSC cho rằng sự sụt giảm trong quý III/2020 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) có tính chất mùa vụ, đồng thời công ty cũng phải trích lập tương đối nhiều các khoản chi phí bảo trì, bảo dưỡng trong năm nay. Chúng tôi cho rằng đây có thể sẽ là điểm mua tích lũy hấp dẫn, cho kỳ vọng hồi phục tích cực trong quý IV/2020 và năm 2021.

Mặc dù được đánh giá triển vọng trong tương lai khá sáng, cùng kỳ vọng hồi phục tích cực trong quý IV/2020 và năm 2021, nhưng diễn biến cổ phiếu PVT tuần qua vẫn chưa có dấu hiệu bứt phá. Thống kê, với việc đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá ngày 27/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVT tăng 450 đồng (+4,13%) từ mức giá 10.900 đồng/CP lên 11.350 đồng/CP.

* Theo BSC, mục tiêu chốt lãi của GTN nằm tại xung quanh giá 31.1

Hôm nay 27/8, chỉ báo xu hướng MACD xuất hiện Golden Cross đồng thời đường EMA 12 vẫn đang nằm trên EMA 26 nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong những phiên tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của GTN nằm tại khu vực 23.6. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 31.1, cắt lỗ nếu ngưỡng 22.1 bị xuyên thủng.

Tuần qua là tuần giao dịch khá tích cực của cổ phiếu GTN sau thông tin HĐQT Công ty thông qua việc mua cổ phần của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu với số lượng hơn 29,45 triệu cổ phần, giá mua 30.000 đồng/CP. Thống kê tuần qua, với việc đón nhận 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, tổng cộng, giá cổ phiếu GTN tăng 2.150 đồng (+9,19%) từ mức giá 23.400 đồng/CP lên 25.550 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ