VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu MWG
Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho MWG với giá mục tiêu 137.300VND/cổ phiếu (đã điều chỉnh theo đợt phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 3:1 gần đây), tổng mức sinh lời 64,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,3% theo giá đóng cửa phiên hôm nay 84.000VND/cổ phiếu.
Kết quả khả quan này là nhờ Điện Máy Xanh đạt tăng trưởng doanh thu 70% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng doanh số tại các cửa hàng hiện hữu, mở thêm các cửa hàng mới (tính đến cuối tháng 10, MWG có 705 cửa hàng Điện Máy Xanh so với 642 cửa hàng vào cuối năm 2017), đóng góp đầy đủ từ các cửa hàng đã mở năm 2017 và hợp nhất Trần Anh (35 cửa hàng).
Trong tuần qua, cổ phiếu MWG chỉ biến động nhẹ đi ngang với biên độ hẹp, sau khi vào tuần trước đã tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 3:1, trong đó phiên ngày chốt quyền vọt 5,3%.
5 phiên giao dịch trong tuần này, MWG có 3 phiên tăng (+1,2%; +0,2%; +0,5%) và 2 phiên giảm nhẹ (-0,7%; -0,7%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 170.000 đến 320.000/phiên.
Chốt tuần, MWG tăng nhẹ từ 84.000 đồng lên 84.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +0,6%.
VCSC: Giá mục tiêu của cổ phiếu KBC là 14.200 đồng/CP
Chúng tôi giữ khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 8% lên 14.200VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời dự báo đạt 19,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,9%.
Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu chủ yếu để phản ánh tốc độ bán đất tại KCN Quế Võ 2 được đẩy nhanh hơn nhưng điều chỉnh giảm giả định doanh thu 2019 đối với Khu đô thị Phúc Ninh.
Chúng tôi hiện giả định KCN Quế Võ 2 sẽ đạt tỷ lệ lấp đầy 100% vào cuối năm 2021 thay vì 2022 như giả định trước đây. Định giá của chúng tôi còn được hỗ trợ nhờ chỉ sử dụng mô hình định giá chiết khấu dòng tiền thay vì áp dụng tỷ lệ 90% dành cho mô hình này như trước đây.
KDC có tuần giao dịch đáng quên, mặc dù ngày đầu tuần tăng khá tốt (+2,4%), nhưng cả 4 phiên sau đều mất điểm, trả lại những gì đã đạt được (-0,4%; -0,8%; -0,4%; -0,8%).
Thanh khoản duy trì tốt với trung bình trê dưới 1,6 triệu đơn vị khớp lệnh/phiên. Chốt tuần, KDC không đổi ở mức 12.700 đồng/cổ phiếu.
VCSC khuyến nghị khả quan đối với PLX
Chúng tôi gần như giữ nguyên giá mục tiêu khi hệ số P/E mục tiêu và lợi nhuận dự phóng 2018-2019 thấp hơn được bù đắp nhờ cập nhật mô hình Chiết khấu Dòng tiền.
Tuy nhiên, mức giảm 9,3% của giá cổ phiếu PLX kể từ báo cáo gần nhất của chúng tôi tạo ra tỷ lệ tăng cho giá cổ phiếu và khiến chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị từ PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG lên KHẢ QUAN.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 4,5% EPS dự phóng 2018 so với dự báo trước đây do doanh số bán xăng từ các trạm xăng đại lý (DODO) thấp hơn và xu hướng giảm của giá xăng dầu trong tháng 10 và tháng 11 báo hiệu một quý 4 trầm lắng.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 3,3% EPS dự phóng 2019 khi chúng tôi giả định mức trượt giá 3% của đồng VND so với USD, so với 2% trong báo cáo trước của chúng tôi.
Chúng tôi dự báo EPS 2018 sẽ tăng 8,5% nhờ tăng trưởng sản lượng bán trong nước 6,2% (từ các trạm COCO và DODO) và tăng trưởng biên lợi nhuận từ doanh số bán xăng E5 và RON95 cao hơn.
Tăng trưởng sản lượng bán COCO đạt 6,0%, cùng với lỗ tỷ giá thấp hơn nhờ nguồn cung trong nước từ nhà máy Nghi Sơn (NSR) thay thế cho sản phẩm nhập khẩu, sẽ dẫn dắt EPS 2019 tăng 7,1%.
Chúng tôi dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 8,7% trong giai đoạn 2018-2023, được hỗ trợ từ tăng trưởng sản lượng bán 6,0%, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của ngành là 4,7%, theo dự báo của BMI.
P/E dự phóng 2019 của PLX 16,6 lần ghi nhận mức tăng 15,3% so với P/E trung vị 19,6 lần của các công ty cùng ngành trong khu vực.
Cổ phiếu PLX cũng chỉ biến động nhẹ không đáng kể về giá khi chỉ -0,34%, trong đó 2 phiên tăng (0,3%; 1%), 2 phiên giảm (-0,2%; -1,5%), kèm 1 phiên đứng tham chiếu. Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 240.000 đơn vị/phiên.
BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu VCB
Lợi nhuận 2018 dự báo đạt 12.636 tỷ VNĐ, trong đó có tính đến lợi nhuận từ thoái vốn EIB và MBB (khoảng 1.079 tỷ đồng). Trường hợp VCB chưa thể hoàn tất việc thoái vốn này trong 2018, phần lợi nhuận này sẽ chuyển sang 2019.
Lợi nhuận 2019 dự báo đạt 13.241 tỷ đồng (tăng 5% so với năm trước). Đây là con số dự báo chưa tính đến khoản lợi nhuận có thể thu được liên quan đến thoái vốn VCB Cardiff và upfront fee với DNBH nhân thọ khác.
VCB vẫn là ngân hàng có lợi thế vượt trội về vốn cũng như đi đầu về chất lượng tài sản trong hệ thống.
Với hai thế mạnh này, tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận của VCB vẫn rất lớn trong tương lai, đặc biệt là khi ngân hàng tiếp tục mở rộng mảng ngân hàng bán lẻ.
Trong tuần này, cổ phiếu VCB đáng kể có phiên tăng khá vào giữa tuần (+3,2%), nhưng 4 phiên còn lại cũng chỉ lình xình, ngoài phiên đứng tham chiếu đầu tuần thì (-1,1%; -0,2%; +0,7%).
Chốt tuần, cổ phiếu VCB tăng từ 54.000 đồng lên 55.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,6%.
BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu CTG
Chất lượng tài sản được cải thiện nhiều với tỷ lệ NPL dự báo duy trì quanh mức 1,2%; LLCR trên 100% và đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong 2018. Nhờ đó, chi phí dự phòng trong 2019 dự báo giảm 10% yoy
Trong trường hợp chưa có phương án tăng vốn cấp 1, CTG sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn cấp 2 - nguồn vốn có chi phí cao hơn để tài trợ tăng trưởng.
Chi phí vốn bình quân đối với giấy tờ có giá của CTG trong năm 2017 ở mức 6,7% cao hơn khá nhiều so với chi phí huy động từ thị trường 1 là 4,9%. Do đó, nếu chưa có phương án tăng vốn cấp 1 trong 2019, NIM của CTG dự báo giảm xuống 2,5%.
Tuy nhiên, nhu cầu tăng vốn cấp 1 của CTG đã tương đối cấp thiết để phục vụ cho Basel II, chúng tôi kỳ vọng sẽ có phương án đặc biệt đối với CTG trong 2019 để đảm bảo các quy định về vốn, qua đó, tạo động lực tăng trưởng và cải thiện lợi nhuận cho ngân hàng.
Trong năm 2018, BID đẩy nhanh tốc độ trích lập dự phòng cũng như xóa nợ với chi phí dự phòng và tổng giá trị nợ đã xóa trong 6 tháng đầu 2018 đạt lần lượt 10.028 tỷ đồng (+51% yoy) và 9.902 tỷ đồng (+338% yoy).
Chi phí dự phòng trong cả 2018 dự báo đạt 21.028 tỷ đồng (+42% yoy), do đó sẽ giảm áp lực trích lập cũng như xóa nợ trong 2019 với chi phí dự phòng dự báo giảm xuống 16.486 tỷ đồng.
Trong tuần qua, thông tin đáng chú ý nhất đến BID là việc cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà bị bắt, nhưng cổ phiếu này cũng giao dịch không có nhiều biến động đáng kể với 3 phiên giảm nhẹ (-0,2%; -0,6%; -1%) và 2 phiên tăng khiêm tốn (+0,3%; +0,5%).
Chốt tuần, cổ phiếu BID giảm nhẹ từ mức 31.700 đồng xuống 31.400 đồng/cổ phiếu, tương đương -0,94%.
BVCS khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu ACB
Có hai kịch bản về lợi nhuận của ACB trong năm 2019 như sau:
Thứ nhất, trường hợp tình hình thị trường không thuận lợi và ACB chưa tiến hành thanh lý các tài sản đặc biệt liên quan đến nhóm G6 (đa phần là cổ phiếu), lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 5.293 tỷ đồng (+11% yoy).
Thứ hai, ACB có thể thanh lý các tài sản đặc biệt và thu về khoảng 1.500 tỷ đồng theo như kế hoạch trong 2019, lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 6.493 tỷ đồng (+34% yoy).
ACB dự kiến tăng 30% vốn điều lệ trong 2019 thông qua phát hành cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, ACB có thể tăng vốn chủ sở hữu thông qua bán cổ phiếu quỹ (41,4 triệu cổ phiếu quỹ với giá vốn 16.000 đồng/cổ phần).
Tuần này, cổ phiếu ACB đón nhận thông tin về giao dịch của cổ đông nội bộ với khoảng 600.000 cổ phiếu, tuy nhiên do thời gian mua bắt đầu từ tuần sau, nên cũng chưa có đột biến nào về giá trong tuần này.
Theo đó, tuần này ACB có 3 phiên tăng (0,3%; 2,1%; 0,3%; 0,7%) cùng 1 phiên giảm nhẹ (-1%).
Chốt tuần, cổ phiếu ACB tăng từ 29.000 đồng lên 29.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,41%.
BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu MBB
Dư nợ tín dụng của Mcredit tại 31/12/2019 dự báo đạt 7.000 tỷ đồng (+36% yoy). Tỷ lệ đóng góp của Mcredit trong tổng dư nợ của MBB mới đạt khoảng 2,4% do đó chưa tạo áp lực quá lớn đến tỷ lệ nợ xấu của MBB trong khi giúp NIM của MBB tăng nhanh chóng.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng tốc nhờ MBS đã giải quyết hết tồn đọng và MB Ageas Life dự báo tăng trưởng tốt (+70% yoy). Cơ cấu phí bảo hiểm của MB Ageas Life đã đa dạng hơn với 69% tổng doanh thu phí đến từ bảo hiểm hỗn hợp và liên kết chung.
Nhà đầu tư cần lưu ý về nguồn cung cổ phiếu MBB trong giai đoạn tới do VCB có thể sẽ bán cổ phần MBB trên sàn.
Tuần này, cổ phiếu MBB có 2 phiên liên tiếp giảm từ đầu tuần (-0,7%; -0,7%), sau đó phục hồi trở lại và bật khá tốt trong phiên cuối tuần (+1%; +0,2%; +3,1%).
Chốt tuần, MBB tăng từ 20.950 đồng lên 21.550 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,86%.
BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu TCB
Lợi nhuận sau thuế dự báo năm 2019 và 2020 của TCB đạt lần lượt 9.022 tỷ đồng (+9% yoy) và 10.548 tỷ đồng (+17% yoy).
Tăng trưởng chậm trong 2019 là do không còn các khoản thu bất thường (từ upfront fee bảo hiểm, thoái vốn một số khoản đầu tư, hiện thực hóa lợi nhuận trái phiếu). Tuy nhiên, lợi nhuận 2020 dự báo sẽ tăng trưởng tốt trở lại.
Danh mục dự án đang phát triển hiện nay của Vingroup gồm 26 dự án đang phát triển, trong đó 21 dự án có thời gian mở bán trong 2018-2019.
Riêng đối với Vincity là nhóm dự án nhà ở dành cho phân khúc thu nhập trung bình và thấp với khoảng 200.000-300.000 căn hộ trong vòng 5 năm tới, tổng giá trị các khoản vay có thể đạt 98.000-178.500 tỷ đồng (LTV 70-85%).
Trong tuần này, cổ phiếu TCB theo đa số cổ phiếu ngân hàng trong nhóm biến động nhẹ. Cụ thể, TCB có 2 phiên tăng (+0,2%; +0,6%), 2 phiên giảm (-0,6%; -0,4%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu cuối tuần.
Chốt tuần, TCB giảm nhẹ từ 26.100 đồng xuống 26.050 đồng/cổ phiếu.
BSC: VHM sẽ tiếp tục tăng giá trung hạn
Cổ phiếu Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM) là cổ phiếu thuộc nhóm ngành Bất động sản đang trung xu hướng hồi phục trung hạn.
Chỉ báo MACD tăng mạnh, chỉ báo RSI tiếp cận Bollinger trên, khối lượng giao dịch được duy trì ở mức thấp.
Đường MA20 nằm dưới hai đường MA50 và MA100 cho tín hiệu giảm giá, tuy nhiên, giá VHM đã tạo thành đáy mới cao hơn đáy cũ - đỉnh mới cao hơn đỉnh cũ cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã được xác nhận.
Nếu giá VHM vượt qua ngưỡng kháng cự quanh ngưỡng 77.3, nhiều khả năng VHM sẽ tiếp tục tăng giá trung hạn.
Trong tuần này, cổ phiếu VHM có 4 phiên liêp tiếp từ đầu tuần giao dịch tích cực, duy chỉ 1 phiên đứng tham chiếu (+1,2%; +1,7%; +0,5%) và điều chỉnh trong ngày cuối tuần (-1,1%).
Chốt tuần, VHM tăng từ 76.100 đồng lên 77.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,23%.
VCSC khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho cả VNM và GTN
Trong thông báo gửi nhà đầu tư và chuyên viên phân tích hôm nay, bộ phận quan hệ nhà đầu tư (IR) của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) trích dẫn truyền thông, cho biết chính phủ Trung Quốc đã hoàn tất dự thảo nghị định cho phép VNM, Mộc Châu Milk (MCM) một công ty con của CTCP GTNfoods (GTN) và TH Milk xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. Dự kiến nghị định này sẽ được thông qua vào tháng 04/2019.
VNM cho biết dự thảo nói trên sẽ chỉ cho phép Việt Nam xuất khẩu sữa sang Trung Quốc nhưng không cho phép Trung Quốc xuất khẩu sữa sang Việt Nam. Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về các loại thuế có thể sẽ được áp đối với sữa Việt Nam khi xuất sang Trung Quốc.
VNM hiện đang xem xét nên xuất khẩu sản phẩm nào sang Trung Quốc khi nghị định nói trên có hiệu lực nhưng cho biết có thể là sữa chua, sữa bột cho trẻ nhỏ, sữa đặc có đường, và sữa nước cao cấp.
Quan điểm của chúng tôi: chúng tôi không tin tưởng lắm việc VNM và MCM sẽ thành công tại Trung Quốc do cạnh tranh gay gắt tại thị trường này với sự hiện diện của nhiều đối thủ lớn.
Đối với VNM, chúng tôi cho rằng kế hoạch thâm nhập vào các thị trường còn non trẻ, như Myanmar, có tính khả thi cao hơn.
Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho cả VNM (giá mục tiêu 121.100 đồng/cổ phiếu, tổng mức sinh lời 2%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,6% trên cơ sở giá cổ phiếu hiện nay) và GTN (giá mục tiêu 10.800 đồng/cổ phiếu, tỷ lệ giảm 4,6% trên cơ sở giá cổ phiếu hiện nay).
Trong tuần này, cổ phiếu VNM chỉ có 1 phiên giảm duy nhất vào 29/11 (-1,3%), còn lại 4 phiên đều tăng, trong đó 2 phiên đầu tuần khá tốt (+4,3%; +2,8%; +1,2%; +1,35). Kết thúc tuần, VNM tăng từ 118.000 đồng lên 128.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +8,47%.
Trong khi đó, GTN lại chỉ tăng nhẹ 3,33% từ 10.500 đồng lên 10.850 đồng/cổ phiếu với 3 phiên tăng (+2,9%; 1,9%; 0,9%) và 2 phiên giảm (-0,9%; -1,4%).
VCSC khuyến nghị MUA cổ phiếu PPC với giá mục tiêu 26.100 đồng
CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) chính thức công bố sẽ trả tạm ứng cổ tức tiền mặt 1.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 8,0%), trong khi chúng tôi hiện đang dự báo mức cổ tức tiền mặt 2.500 đồng/CP (lợi suất cổ tức 13,3%) cho năm 2018.
Ngày chốt quyền là ngày 12/12/2018 trong khi ngày thanh toán vào ngày 28/12/2018.
Theo mức giá đóng cửa phiên 26/11 là 18.800 đồng/CP, PPC hiện đang giao dịch với P/E cốt lõi hấp dẫn năm 2019 là 6,5 lần và EV/EBITDA 5,0 lần dựa theo dự báo của chúng tôi, trong khi chúng tôi đang có khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 26.100 đồng (tổng mức sinh lời 52,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 13,3%).
Trong tuần này, cổ phiếu PPC có 3 phiên tăng (+1,3%; +0,5%; +1,1%), xen giữa là 2 phiên đứng tham chiếu.
Chốt tuần, PPC tăng từ 18.650 đồng lên 19.200 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,95%.
VCSC khuyến nghị Khả quan đối với cổ phiếu CTD
Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị dành cho CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) thành PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG từ KHẢ QUAN với việc giữ nguyên giá mục tiêu tại mức 160.000VND/cổ phiếu, trong khi giá cổ phiếu đã tăng hơn 4% trong 4 tháng qua.
Giá mục tiêu của chúng tôi không đổi phản ánh dự báo cho giai đoạn 2019-2023 lạc quan hơn, nhưng WACC cao hơn và cập nhật chu kỳ chiết khấu dòng tiền, cùng với lợi nhuận dự phóng 2019 giảm và P/E giảm.
Chúng tôi giữ nguyên dự báo cho năm 2018 với tăng trưởng doanh thu đạt 10% và LNST sau lợi ích CĐTS giảm 2% đạt 1,6 nghìn tỷ đồng do lượng giá trị hợp đồng ký mới thấp hơn và biên lợi nhuận giảm.
Trong tuần này, thông tin đáng chý ý là vào ngày 27/11, CTD quyết định mua váo 3,8 triệu cổ phiếu quỹ với giá mua xác định trong khoảng từ 140.000 đồng/cổ phiếu đến 180.000 đồng. Thời gian mua dự kiến sau khi có công văn của UBCKNN và theo quy định hiện hành.
Ngay lập tức, cổ phiếu CTD tăng mạnh khi chốt phiên 27/11 tăng 3% và +1,5% trong phiên tiếp theo. Nhưng 3 phiên còn lại đều giảm nhẹ (-0,8%; -0,2%; -1%).
Chốt tuần, CTD tăng từ 151.700 đồng lên 155.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,5%.
MBS khuyến nghị phù hợp thị trường với cổ phiếu TNG
Chúng tôi dự phóng năm 2018 TNG đạt doanh thu 3.596 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 168,5 tỷ đồng. EPS 2018 ước đạt 3.429 đồng.
Doanh thu năm 2019 dự phóng đạt 4.135,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 195,4 tỷ đồng. EPS 2019 ước đạt 3.300 tỷ đồng.
Chúng tôi khuyến nghị Phù hợp thị trường với cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG với giá mục tiêu 20.000 đồng/cổ phiếu, tiềm năng tăng giá 4,2% so với ngày 26/11/2018.
Tuần này, cổ phiếu TNG giao dịch thiếu tích cực, khi chỉ có 1 phiên tăng (+1,1%), trong khi 3 phiên giảm (-5,2%; -2,2%; -2,2%), kèm 1 phiên đứng tham chiếu đầu tuần.
Áp lực xả đã khiến phiên giảm mạnh nhất có hơn 2 triệu đơn vị cổ phiếu TNG được khớp, phiên tiếp theo cũng có 1,5 triệu cổ phiếu.
Chốt tuần, TNG giảm từ 19.200 đồng xuống 17.600 đồng/cổ phiếu, tương đương -8,33%.
PHS khuyến nghị mua cổ phiếu DVP
Sử dụng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền cho DVP, mức giá được xác định với DVP là 73.300 VNĐ/CP, tuy vậy về vấn đề thanh khoản của cổ phiếu này, chúng tôi chiết khấu 10% cho giá mục tiêu của DVP.
Do đó mức giá của DVP là 66.000 VNĐ/CP. Khuyến nghị: Mua đối với cổ phiếu DVP.
Chúng tôi nhận thấy DVP là doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh cũng hoạt động kinh doanh ổn định, do đó trong thời gian tới DVP có thể tiếp tục duy trì mức cổ tức ổn định từ 40-50% trong điều kiện công ty không có nhu cầu đầu tư mới cho cơ sở hạ tầng hoặc mở rộng.
Do đó đây là cố phiếu thích hợp với nhà đầu tư ưa thích suất cổ tức cao.
Trong tuần này, cổ phiếu DVP chỉ có 1 phiên tăng duy nhất ngày cuối tuần (+1,8%), 1 phiên giảm ngay trước đó (-0,4%), trong khi 3 phiên còn lại đứng tham chiếu.
Chốt tuần, DVP tăng nhẹ từ 44.800 đồng lên 45.400 đồng/cổ phiếu, tương dương +1,33%.
BSC khuyến nghị mua mạnh cổ phiếu MSH
Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã MSH) có quy mô lớn thứ 4 trong số các doanh nghiệp may tư nhân. Công suất dự kiến tăng thêm 20% sau khi Sông Hồng 10 đi vào hoạt động (2020F).
Bên cạnh đó, MSH tăng trưởng đơn hàng nhờ phát triển các khách hàng mới và xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam.
Tăng tỷ trọng đơn hàng FOB từ 62% (2017) lên trên 80% (2020F) giúp cải thiện và duy trì biên lợi nhuận gộp từ 17.2% lên trên 19%.
Thêm vào đó, MSH có hiệu quả sinh lời tốt, tài chính lành mạnh, cổ tức tiền cao.
Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị mua mạnh đối với cổ phiếu May Sông Hồng với giá mục tiêu 60,070 đồng/CP (+33.5% so với giá niêm yết dựa trên kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền và so sánh PE (tỷ trọng mỗi phương pháp lần lượt là 50-50).
Trong tuần này, cổ phiếu MSH chào sàn từ ngày 28/11 và ngay lập tức đã có phiên đầu tăng hết biên độ cho phép (+20%), sau đó tăng 3,7% trong phiên tiếp theo, trước khi điều chỉnh giảm 2% ngày cuối tuần. Thanh khoản phiên đầu tiên khá cao với hơn 360.000 đơn vị.
Chốt tuần, cổ phiếu MSH tăng từ mức 45.000 đồng lên 54.900 đồng/cổ phiếu, tương đương +22%.
BSC khuyến nghị mua cổ phiếu PVT
Vừa qua, PVT mới mua tàu hàng rời PVT-Sapphire với mức giá $13 triệu củng cố thêm đội hàng rời vận tải than. Kế hoạch đầu tư đội tàu cho năm 2019 còn 1/2 tàu Aframax (thời gian mua quý I/2019), 1/2 tàu Supramax, 1/2 tàu dầu sản phẩm, 4/5 tàu chở LPG và hiện tại còn 1 tàu VLCC dời vào quý IV/2019.
Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVT trong quý IV/2018 lần lượt đạt 1.532 tỷ và 119,5 tỷ.
Lũy kế cuối năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ khả quan lần lượt đạt 7.045 tỷ (tăng 15% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 625 tỷ đồng (tăng 39%) tương đương với EPS FW = 2.088 đồng (tăng trưởng 39,6%, đã trừ quỹ khen thưởng phúc lợi 6%), P/E FW = 8.14x , P/B FW = 0.99x.
Chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2019 sẽ đạt 8.743 tỷ đồng (tăng 24% so với năm trước) và 749 tỷ đồng (tăng 20%) tương đương EPS FW = 2.421 đồng (tăng 21%), P/E FW = 7x , P/B FW = 0.9x.
Chúng tôi khuyến nghị mua PVT với mức giá mục tiêu là 21.256 đồng/cp dựa theo 2 phương pháp P/E và DCF với tỷ lệ 50:50. Giá PVT 27/11/2018 là 16.100 VND/cp – P/E TTM = 7.71x – P/B TTM = 0.92x.
Trong tuần này, cổ phiếu PVT chỉ có 1 phiên tăng đầu tuần (+0,6%), sau đó giảm 2 phiên liên tiếp (-2,4%; -0,6%) và đứng tham chiếu 2 phiên còn lại.
Chốt tuần, PVT giảm từ 16.400 đồng xuống 16.000 đồng/cổ phiếu, tương đương -2,5%.
VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu AST
Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA dành cho CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) với tổng mức sinh lời dự phóng 33,1%.
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 3,4%, chủ yếu nhờ cập nhật mô hình định giá tương đương để sử dụng EPS dự phóng 2019, bao gồm đóng góp đầy đủ từ mảng cửa hàng miễn thuế.
Diễn biến này bị ảnh hưởng bởi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự phóng 2017-2023 được điều chỉnh giảm còn 9,0% từ 9,3% do chúng tôi nâng giả định chi phí SG&A (Bán hàng và Quản lý) nhằm ghi nhận SG&A cao hơn dự kiến liên quan đến việc mở các cửa hàng bán lẻ mới tại sân bay trong 9 tháng 2018, và giả định biên lợi nhuận gộp thấp hơn cho mảng khách sạn của chúng tôi còn 43% từ 45%, nhằm ghi nhận giá vốn hàng bán của mảng khách sạn cao hơn trong 9 tháng 2018
Trong tuần này, cổ phiếu AST giao dịch tích cực với 5 phiên tăng liên tiếp, qua đó giữ vững được tổng cộng 10 phiên liên tiếp không mất điểm từ ngày 19/11. Theo đó, AST đã tăng (+0,5%; +0,3%; +3%; +2,1%; +0,4%).
Như vậy, tuần này AST đã tăng từ 65.500 đồng lên 69.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +6,41%.
VCSC khuyến nghị khả quan cổ phiếu VEA
Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị dành cho Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) từ mua thành khả quan sau khi giá cổ phiếu tăng 28% trong 3 tháng qua.
Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 18% khi chúng tôi đưa mô hình định giá PER sang năm 2019, đồng thời điều chỉnh tăng dự báo EPS thêm 5% cho năm 2018, 6% cho mỗi năm 2019 và 2020.
Chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo EPS vì biên lợi nhuận của Honda vượt dự phóng trước đây của chúng tôi.
Chúng tôi dự báo EPS của VEA sẽ tăng 27% năm 2018, 13% năm 2019 và 10% năm 2020 khi chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng xe máy của Honda sẽ chậm lại từ mức cơ sở cao trong khi lợi nhuận của Toyota và Ford sẽ tăng tốc.
Định giá VEA hấp dẫn với PER 2019 là 7,1 lần, so với trung vị của các công ty cùng ngành trong khu vực là 10 lần, và lợi suất cổ tức 7,3%. Chúng tôi cho rằng lợi suất cổ tức còn nhiều tiềm năng để tăng trong tương lai khi tỷ lệ chi trả cổ tức hiện tại còn thấp ở mức quanh 50%.
Trong tuần này, cổ phiếu VEA có 2 phiên tăng (+1,6%; +2,1%), và 2 phiên giảm (-0,5%; -1,3%), kèm 1 phiên đứng tham chiếu đầu tuần.
Chốt tuần, VEA tăng từ 36.900 đồng lên 37.900 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,71%.
VCSC khuyến nghị khả quan cổ phiếu VIC
Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị của CTCP Tập đoàn Vingroup (VIC) thành phù hợp thị trường từ khả quan, và điều chỉnh giảm 5% giá mục tiêu còn 111.000 đồng/CP chủ yếu do điều chỉnh giảm tổng giá trị bán hàng theo hợp đồng dự báo, trong bối cảnh tiển độ mở bán chậm hơn kỳ vọng trước đây của chúng tôi.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 32% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2018 còn 4.1 nghìn tỷ đồng (giảm 8% so với cùng kỳ) do lợi nhuận chia cho cổ đông thiểu sốcao hơn dự kiến do VIC giảm cổ phần sở hữu tại CTCP Vinhomes (VHM) và CTCP Vincom Retail (VRE).
Trong tuần này, cổ phiếu VIC chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng liên tiếp trước đó vào ngày 29/11 khi đứng tham chiếu, và điều chỉnh giảm 0,3% trong phiên cuối tuần. Trước đó, cổ phiếu này tăng 1,52%; 1% và 0,49%.
Chốt tuần, VIC tăng từ 100.500 đồng lên 101.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,2%.
BSC: GAS sẽ phá qua mức 90.1
GAS là cổ phiếu ngành Dầu khí hiện đang trong xu hướng giảm giá trung hạn.
Đường MA20 nằm dưới MA50 và MA200 cho xu hướng giảm giá. Hiện tại giá cổ phiếu vừa chạm vùng hỗ trợ quanh ngưỡng 90.1, tuy nhiên, giá GAS cũng đã tạo thành mô hình nến Engulfing giảm đi cùng với khối lượng giao dịch tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm nay cho thấy sức ép từ phía phe bán.
Nhiều khả năng GAS sẽ phá qua mức hỗ trợ 90.1, hướng tới vùng hỗ trợ tiếp theo quanh ngưỡng 77.8.
Trong tuần này, cổ phiếu GAS có 2 phiên tăng (+1%; +0,8%), và 3 phiên giảm (-1,8%; -0,2%; -1,5%).
Chốt tuần, GAS giảm từ 92.500 đồng xuống 90.800 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,83%.