Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư còn thận trọng khiến thị trường đón nhận những phiên tăng giảm xen kẽ trong tuần qua. Chính vì vậy, diễn biến các cổ phiếu được đưa ra khuyến nghị cũng biến động và phân hóa khá mạnh. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* IVS khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu VHC

Ngưỡng cản 45.500 sẽ khá đáng chú ý trong bối cảnh có những thông tin không tích cực trong ngắn hạn như cơ quan giám sát USDA kiểm tra tất cả lô cá tra nhập khẩu vào Mỹ từ tháng 8. Do đó, chúng tôi khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu VHC và sẽ cập nhật khi có thông tin mới nhất.

Trong nửa đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp thủy sản có kết quả không mấy tích cực khi doanh thu thấp, lãi giảm, trong đó VHC dù doanh thu có tăng trưởng nhẹ nhưng lợi nhuận giảm gần 30%. Diễn biến cổ phiếu VHC trong tuần qua khá giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ. Thống kê, VHC có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu VHC giảm 600 đồng/Cp (-1,2) từ mức 49.800 đồng/Cp xuống 49.200 đồng/Cp.

* BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu PHR

BSC cho rằng giá cổ phiếu Phước Hòa thời điểm hiện tại đã phản ánh một phần những thông tin tích cực đột biến, bao gồm cả phần lợi nhuận từ việc VSIP bồi thường, cũng như thông tin thoái vốn khỏi NTC. Theo đó, PHR sẽ được chấp nhận ở mức giá cao hơn khi những thông tin nói trên dần được công bố chính thức, đồng thời khuyến nghị theo dõi cổ phiếu PHR với mức giá mục tiêu 12 tháng là 45.900 VND/cp.

Dù chịu áp lực điều chỉnh trong 2 phiên cuối tuần nhưng với 3 phiên tăng đầu tuần, đặc biệt phiên khởi sắc ngày 15/8 đã giúp cổ phiếu PHR tiếp tục duy trì đà tăng trong tuần qua. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu PHR tăng 1.100 đồng/Cp (+2,78) từ mức 39.500 đồng/Cp lên 40.600 đồng/Cp. So với mức giá kỳ vọng là 45.900 đồng/CP, giá hiện tại của PHR còn thấp hơn 13,05%.

* MSI khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu BMP

Chúng tôi khuyến nghị giữ cổ phiếu BMP với giá mục tiêu là 89.710 đồng/cp cho mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên trong trung và dài hạn, chúng tôi khuyến nghị mua với lợi thế về thương hiệu, hệ thống phân phối mạnh và khả năng tăng trưởng giá vẫn còn tích cực.

Vừa qua, BMP đã công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2017, theo đó khoản tiền thuế 49 tỷ đồng Công ty đã tạm nộp và hạch toán vào khoản mục phải thu khác trên báo cáo tài chính tính đến ngày 30/6/2017. Công ty cho biết sẽ làm việc với cơ quan chức năng và xử lý dứt điểm khoản này sau khi xin ý kiến ĐHCĐ 2018.

Tuần qua, BMP có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng, tổng cộng, giá cổ phiếu BMP tăng 2.500 đồng/Cp (+3,17) từ mức 78.800 đồng/Cp lên 81.300 đồng/Cp. So với mức giá mục tiêu 89.710 đồng/CP, giá hiện tại của BMP còn thấp hơn 10,34%.

* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu ACB

Dự phóng 2017, lợi nhuận sau thuế ACB đạt 1.842 tỷ đồng (tăng 38,1% so với năm trước) và vốn chủ sở hữu đạt 15.864 tỷ đồng (tăng 13%), tương ứng với EPS 1.869 đồng và BVPS 16.090 đồng. Chúng tôi khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với ACB với giá mục tiêu 30.300 đồng (tăng 8% so với giá mục tiêu ban đầu), cao hơn 20% so với mức giá hiện tại.

Mặc dù tuần qua, cổ phiếu ACB duy trì sắc xanh khá tốt trong tuần qua khi có tới 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên điều chỉnh ngày 17/8, tuy nhiên đà tăng của các phiên khá hạn chế. Tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu ACB chỉ tăng 300 đồng/Cp (+1,18) từ mức 25.400 đồng/Cp lên 25.700 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị hạn chế mua vào HSG

Do giá HSG sắp chạm đến vùng kháng cự 29-30, nên trước mắt, nhà đầu tư ngắn hạn có thể hạn chế tham gia. Việc tham gia mua vào có thể sẽ hợp lý hơn nếu giá của HSG không có sự thoái lui đáng kể (vẫn duy trì được trên mức 28) khi chạm đến vùng 29-30, với khối lượng giao dịch tiếp tục tích cực (duy trì trên 3 triệu cổ phiếu/phiên). Kỳ vọng giá HSG có thể test lại vùng kháng cự tiếp theo tại 34. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 27.

Trái với khuyến nghị của KIS, diễn biến cổ phiếu HSG tuần qua khá tích cực khi có tới 4 phiên tăng và duy nhất 1 phiên giảm ngày 17/8. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu HSG tăng 800 đồng/Cp (+2,88%) từ mức 27.800 đồng/Cp lên 28.600 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu CVT

Bằng phương pháp định giá FCFE, FCFF và căn cứ trên các giả định CVT sẽ hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2017 và dự kiến tăng trưởng khá trong năm 2018, chúng tôi đưa ra mức định giá hợp lý với cổ phiếu CVT ở mức 53.000 đồng/cp cho mục tiêu đầu tư trung dài hạn (12 tháng). Do đó, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu CVT ở mức giá hiện tại 43.900 đ/cp, tương ứng tiềm năng tăng giá 20,6%.

Ngay sau công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng khá mạnh trong quý II/2017, mới đây, HOSE đã có thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của cổ phiếu CVT với khối lượng chứng khoán đăng ký 28,22 triệu cổ phiếu.

Sau những phiên điều chính cuối tuần trước, cổ phiếu CVT đã hồi phục khá tốt trong tuần này. Thống kê, CVT có 3 phiên tăng, 1 phiên đứng giá và 1 phiên giảm ngày 18/8, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu CVT tăng 1.800 đồng/Cp (+4,18) từ mức 43.100 đồng/Cp xlên 44.900 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị kém khả quan đối với DQC

Chúng tôi kỳ vọng kết quả hoạt động của DQC sẽ cao hơn trong 6 tháng cuối so với 6 tháng đầu 2017 nhờ doanh số tăng, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế sẽ vẫn giảm 60% so với cùng kỳ do biên lợi nhuận giảm và tiếp tục không còn phần lời liên quan đến Cuba.

Vì vậy, chúng tôi hạ khuyến nghị của DQC xuống kém khả quan với tổng mức sinh lời -10%.

Mặc dù phiên đầu tuần khá thuận lợi khi đà tăng tiếp tục được duy trì khá tốt nhưng sau đó, DQC đón nhận liên tiếp 4 phiên điều chỉnh, đã lấy đi toàn bộ thành quả có được. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu DQC giảm 450 đồng/Cp (-1,15) từ mức 39.250 đồng/Cp xuống 38.800 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu DNP

Chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM cổ phiếu DNP trong dài hạn với mức giá hợp lý là 36.600 đồng/cp, cao hơn 35,6% so với giá trị trường. 

Sau gần 1 tuần đứng giá tham chiếu, cổ phiếu DNP đã biến động khá mạnh trong tuần qua. Thống kê, DNP có 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá giữa tuần 16/8 và 1 phiên tăng ngày 17/8, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu DNP giảm 1.300 đồng/Cp (-4,81) từ mức 27.000 đồng/Cp xuống 25.700 đồng/Cp.

* IVS khuyến nghị bán cổ phiếu REE trong ngắn và trung hạn

Dù tuần giao dịch hiện tại chưa chấm dứt và trong ngày giao dịch gần nhất cổ phiếu REE có diễn biến tăng tích cực, chúng tôi vẫn cho rằng REE đã kết thúc một nhịp tăng trung hạn và sẽ đi vào điều chỉnh trung hạn.

Do đó, những phiên tăng này sẽ là cơ hội để nhà đầu tư chốt lời hoặc đóng vị thế. Khuyến nghị đưa ra là BÁN đối với cổ phiếu REE trong ngắn hạn và trung hạn.

Đúng như phân tích và nhận định của IVS, cổ phiếu REE tiếp tục có thêm một tuần giao dịch thiếu tích cực. Thống kê, REE có 3 phiên giảm giữa tuần và 2 phiên tăng, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu REE giảm 950 đồng/Cp (-2,65) từ mức 35.900 đồng/Cp xuống 34.900 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

CTCP FPT (mã FPT) thông báo đã chuyển nhượng thành công 30% cổ phần, tương đương 6 triệu cổ phiếu, tại FPT Retail cho hai nhà đầu tư tổ chức là Dragon Capital và VinaCapital.

Hiện tại chúng tôi đang có giá mục tiêu là 60.200 đồng cho FPT, tương đương tổng mức sinh lời 26%, bao gồm 4% lợi suất cổ tức và khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Mới đây, FPT đã thông báo hoàn tất chuyển nhượng 30% cổ phần của FPT Retail – đơn vị chủ quản của hệ thống FPT Shop. Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư 202 có hiệu lực từ năm 2015 về lập báo cáo tài chính hợp nhất thì lãi/lỗ từ việc thoái vốn sẽ không ghi nhận vào kết quả kinh doanh mà sẽ ghi thẳng vào khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Chính vì vậy, thông tin này đã không giúp cổ phiếu FPT khởi sắc trong tuần qua.

Thống kê, FPT có tới 4 phiên giảm và duy nhất 1 phiên tăng ngày 18/8, tổng cộng cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 930 đồng/Cp (-1,92) từ mức 48.430 đồng/Cp xuống 47.500 đồng/Cp.

* VCSC khuyến nghị bán cổ phiếu KDC

Mảng dầu ăn (gồm TAC và VOC) sẽ cải thiện biên lợi nhuận ngay sau M&A, nhưng về dài hạn, chúng tôi chỉ kỳ vọng mức độ tăng trưởng trung bình vì KDC phải đối mặt với mặt với một đối thủ rất mạnh là Cái Lân.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị bán. Giá mục tiêu của chúng tôi 32.200 đồng/cổ phiếu có tổng mức sinh lời tương ứng là -21%, bao gồm lợi suất cổ tức 4%.

Tuần qua, cổ phiếu KDC vẫn tiếp tục bị bán ra kha mạnh. Thống kê, KDC có tới 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá vào đầu tuần 14/8 và 1 phiên tăng nhẹ ngày 18/8, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KDC giảm 1.900 đồng/Cp (-4,43) từ mức 42.900 đồng/Cp xuống 41.000 đồng/Cp. 

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục