Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Áp lực bán trong tuần qua khá mạnh khiến nhiều mã đón nhận những phiên giảm sâu. Đây chính là lý do khiến các khuyến nghị mua vào cổ phiếu của các công ty chứng khoán thiếu chuẩn xác. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định của các công ty chứng khoán về cổ phiếu cần quan tâm trong tuần qua.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

* KIS khuyến nghị nắm giữ ACB, mua VCB

Chúng tôi khuyến nghị tiếp tục nắm giữ ACB và tăng tỉ trọng khi ACB điều chỉnh về vùng hỗ trợ trung dà hạn. Trong trường hợp tích cực, ACB có thể hướng đến ngưỡng cản trung hạn ở vùng 27-29. Điểm cắt lỗ đặt khi trong khi ACB giảm dưới vùng 19-20. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá khả năng này khó xảy ra khi dòng tiền vẫn duy trì ở mức cao.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể xem xét mua VCB khi điều chỉnh về vùng hỗ trợ 36-37 với giá mục tiêu kỳ vọng là 41- 42 và giá cắt lỗ là dưới 35.

Trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong những tác nhân khiến thị trường đón nhận những phiên giảm điểm. Ngoại trừ SHB, còn lại hầu hết các mã trong nhóm bank đều có một tuần giao dịch tiêu cực.

Điển hình ACB đã có 5 phiên giảm liên tiếp, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu ACB giảm 1.900 đồng/Cp (-7,66%) từ mức 24.600 đồng/Cp xuống 24.500 đồng/Cp.

Trong khi đó, VCB có 4 phiên giảm và 1 phiên tăng duy nhất ngày 11/4, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu VCB giảm 450 đồng/Cp (-1,22%) từ mức 36.800 đồng/Cp xuống 36.350 đồng/Cp.

* VCBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu TCM

Mặc dù có triển vọng tăng trưởng trong năm 2017 khá rõ ràng nhưng thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, cổ phiếu TCM đã tăng khá nóng (+55,78% ytd) nên trong ngắn hạn, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu TCM với giá mục tiêu 23.274 đồng/cp.

Diễn biến cổ phiếu TCM tuần qua cũng không mấy tích cực với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen nhau. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TCM giảm 1.350 đồng/Cp (-5,68%) từ mức 23.750 đồng/Cp xuống 22.400 đồng/Cp.

* KIS khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu KDH, TDH

Chúng tôi định giá cổ phiếu KDH ở mức 27.200 đồng trên mỗi cổ phần cuối 2017, dựa trên phương pháp đánh giá lại tài sản, mức giá trên có tăng 25% hơn so với mức đánh giá lần đầu chủ yếu do giá đất thị trường quận 9 có xu hướng tăng trong 2016, lợi nhuận kỳ vọng đạt 15% so với giá thị trường là 25.000 đồng và khuyến nghị tăng tỷ trọng.

Đồng thời, định giá cổ phiếu TDH ở mức 18.000 đồng/CP cuối 2017, dựa trên phương pháp so sánh P/E và P/B, lợi nhuận kỳ vọng đạt 31% so với giá thị trường là 14.250 đồng. Khuyến nghị tăng tỷ trọng.

Trái với khuyến nghị của KIS, diễn biến 2 cổ phiếu KDH và TDH giao dịch không mấy tích cực trong tuần qua.

Cụ thể, với 1 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 3 phiên tăng tăng nhẹ, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu KDH tăng nhẹ 100 đồng/Cp (+0,4%) từ mức 24.700 đồng/Cp xuống 24.800 đồng/Cp. So với mức giá kỳ vọng 27.200 đồng/CP, giá hiện tại của KDH còn thấp hơn 9,68%.

Trong khi đó, TDH có 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu TDH giảm 600 đồng/Cp (-4,29%) từ mức 14.000 đồng/Cp xuống 13.400 đồng/Cp. So với mức giá kỳ vọng 18.000 đồng/CP, giá hiện tại của TDH còn thấp hơn 34,33%.

* BVSC khuyến nghị trung lập cổ phiếu NVL

Về kết quả định giá theo NAV và PE, giá hợp lý đối với cổ phiếu NVL là 64.577 đồng/cp, thấp hơn 8,6% so với giá thị trường. Trong đó, kết quả định giá theo NAV có tính đến các dự án mà công ty công bố nhưng chưa hợp nhất vào báo cáo tài chính. Chính vì thế, việc giá thị trường tăng nhanh so với định giá là điểm mà BVSC cho rằng cổ phiếu Novaland chưa hấp dẫn nếu xét trên phân tích cơ bản. Như vậy, sau khi cân nhcắ trên kết quả định giá cũng như thông tin phân tích trên, chúng tôi đánh giá NEUTRAL đối với cổ phiếu Novaland.

Không nằm ngoài phân tích và dự đoán của BVSC, diễn biến cổ phiếu NVL tuần qua giằng co với những phiên tăng giảm. Cụ thể, với 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu NVL giảm 400 đồng/Cp (-0,57%) từ mức 70.400 đồng/Cp xuống 70.000 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu GMD

Vị thế mà Gemadept có được trong lĩnh vực cảng biển và logistic không dễ để các doanh nghiệp Việt Nam khác có được, vấn đề pha loãng cổ phiếu cũng sẽ được cải thiện dần khi các khoản đầu tư cho logistic, cảng Nam Đình Vũ và tương lai xa hơn là Gemalink đi vào hoạt động. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu GMD.

Dù có 2 phiên đầu tuần khởi sắc nhưng áp lực bán gia tăng và lan rộng bảng điện tử khiến GMD cũng không thoát khỏi 3 phiên giảm điểm sau đó. Chính vì vậy, diễn biến cổ phiếu GMD đã đi ngược với khuyến nghị của BVSC. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu GMD giảm 1.750 đồng/Cp (-5,25%) từ mức 33.350 đồng/Cp xuống 31.600 đồng/Cp.

* BVSC khuyến nghị tích cực cổ phiếu PVS

Về dài hạn, giá dầu được dự báo sẽ khó có thể quay lại mức thấp như của năm 2016 trong khi giá của PVS được thị trường chấp nhận trong mặt bằng bình quân 2016 khoảng 17.750 đồng/cổ phần ±2.050 đồng độ lệch chuẩn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc vùng giá hiện tại của PVS được xem là ít rủi ro trong khi có thể kỳ vọng vào kết quả kinh doanh trở nên tích cực hơn vào cuối năm 2017 và các năm tới. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM cho mục đích đầu tư dài hạn đối với cổ phiếu PVS.

Không chỉ nhóm cổ phiếu vua – nhóm ngân hàng mà nhóm cổ phiếu họ dầu khí cũng đã đón nhận một tuần tiêu cực khi hầu hết các mã đều giảm điểm. Trong đó, PVS đã có 2 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 2 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PVS giảm nhẹ 100 đồng/Cp (-0,6%) từ mức 16.800 đồng/Cp xuống 16.700 đồng/Cp.

* VCBS khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu PHR

Áp dụng kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền và định giá so sánh theo P/E, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý của PHR là 28.200 đồng/cổ phiếu. Vì vậy chúng tôi khuyến nghị NẮM GIỮ trong trung hạn đối với cổ phiếu PHR.

Nhóm cổ phiếu cao su cũng đã đón nhận một tuần tiêu cực với hầu hết các mã đều giảm điểm qua từng phiên. Trong đó, PHR dù có phiên tăng khá mạnh vào đầu tuần nhưng các phiên giảm sau đó đã lấy đi thành quả có được. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PHR giảm 400 đồng/Cp (-1,53%) từ mức 26.200 đồng/Cp xuống 25.800 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu MWG

Chúng tôi sử dụng cả hai phương pháp định giá DCF và P/E để xác định mức giá hợp lý cho cổ phiếu MWG với tỷ trọng phân bổ 50%:50%. Từ hai phương pháp trên, mức giá hợp lý cho mục tiêu đầu tư trong 12 tháng tiếp theo vào cổ phiếu MWG là 223.000 VND, cao hơn 29,7% so với mức giá hiện tại. Đồng thời, mức giá mục tiêu này tương ứng với mức P/E lần lượt 14.5 lần trong năm 2017 và 9.8 lần trong năm 2018.

Thông tin Công ty mua lại gần 80.500 cổ phiếu quỹ đã giúp MWG hồi phục đáng kể trong 3 phiên giữa tuần, tuy nhiên, phiên thị trường giảm sâu vào cuối tuần đã phần nào tác động tiêu cực tới diễn biến cổ phiếu này. Cụ thể, MWG có 2 phiên giảm và 3 phiên tăng,  tổng cộng tăng nhẹ 200 đồng/Cp (+0,12%) từ mức 167.000 đồng/Cp lên 167.200 đồng/Cp.

* MBS khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

EPS năm 2017 kỳ vọng ở mức 4.500 đồng/cổ phiếu và EPS 2018 là 5.100 đồng/cổ phiếu, theo đó cổ phiếu FPT đang giao dịch ở mức P/E forward 2017 là 10,4 lần và 2018 là 9,2 lần. Mức P/E này là thấp hơn mức P/E lịch sử trung bình của cổ phiếu (~10 lần) trong môi trường triển vọng kết quả kinh doanh tốt. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 71.000 đồng/cổ phiếu.

Dù kỳ vọng về việc bán mảng phân phối và bán lẻ trong năm nay đã khiến cổ phiếu được chú ý nhưng sau ĐHCĐ, với những thông tin không mấy sáng sủa, giá cổ phiếu lại trầm lặng như cũ. Cụ thể, với 3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá và 1 phiên tăng, tính chung cả tuần, giá cổ phiếu FPT giảm 950 đồng/Cp (-2,02%) từ mức 47.000 đồng/Cp xuống 46.050 đồng/Cp.

* VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ

Sử dụng kết hợp các phương pháp định giá, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của một cổ phiếu PNJ là 91.890 đồng/cp, so sánh với mức giá 74.100 đồng/cổ phiếu ngày 04/04/2017, chúng tôi khuyến nghị MUA với cổ phiếu PNJ trong dài hạn.

Dù chưa tiến hành ĐHCĐ thường niên nhưng những kế hoạch sản xuất kinh doanh đặt ra trong năm nay khá khả quan đã giúp cổ phiếu PNJ đón nhận 3 phiên tăng, 1 phiên giảm và 1 phiên đứng giá. Tính chung cả tuần, giá cổ phiếu PNJ tăng 2.000 đồng/Cp (+2,69%) từ mức 74.400 đồng/Cp lên 76.400 đồng/Cp. 

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục