Điểm tựa thị trường tháng 6

(ĐTCK) Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên viên nghiên cứu cao cấp CTCK MBS, trong tháng 6, VN-Index có thể vượt ngưỡng kháng cự 580 điểm để chính thức phá vỡ xu thế giảm điểm trung hạn hình thành từ tháng 9/2014.
Khối ngoại liên tục mua ròng đã ảnh hưởng tích cực đến tâm lý NĐT trong nước

Các yếu tố hỗ trợ thị trường sẽ là kết quả kinh doanh khả quan của DN niêm yết trong quý II, hỗ trợ mạnh từ giao dịch NĐT nước ngoài và quan trọng hơn ở thời điểm này là tín hiệu trở lại tích cực của dòng tiền nội.

Các chỉ số chứng khoán suy giảm trong hơn 2 tuần đầu tháng 5 và hồi phục mạnh trở lại từ 19/5. Diễn biến hồi phục của gần 2 tuần cuối tháng 5 là đáng chú ý, khi thị trường tăng mạnh cả về điểm số và thanh khoản, VN-Index từ vùng đáy 528 điểm đã tăng lên 577 điểm với 7 phiên tăng trong 9 phiên giao dịch cuối tháng.

Thanh khoản tại HOSE đạt mức tăng 50%, từ mức bình quân 80 triệu cổ phiếu/phiên trong nửa đầu tháng lên 120 triệu cổ phiếu/phiên trong hai tuần cuối tháng. Thực tế này cho thấy, dòng tiền đã trở lại thị trường. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt cho sự hồi phục nhanh của thị trường, kéo theo sự hồi phục đồng loạt của các nhóm cổ phiếu khác.

Bước vào tháng 6, chỉ số VN-Index đứng trước khả năng điều chỉnh khi tăng lên sát vùng kháng cự kỹ thuật 580 điểm. Cũng theo ông Ngọc, áp lực chốt lời ngắn hạn đang tăng cao khi mặt bằng giá cổ phiếu đã tăng từ 10 - 15%, cá biệt có nhiều cổ phiếu tăng 20 - 30% trong nhịp hồi phục vừa qua.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng (VCB, BID, CTG) đóng vai trò dẫn dắt thị trường cũng đã tăng 15-20%. Với thực tế đó thì sẽ không có gì là bất ngờ nếu làn sóng chốt lời diễn ra trên diện rộng trong những phiên đầu tháng 6. Trong quá trình hồi phục và tăng trưởng của các chỉ số thì việc điều chỉnh lành mạnh là cần thiết và yếu tố thanh khoản trong những phiên điều chỉnh sẽ là yếu tố quyết định khả năng hồi phục và tăng trưởng tiếp theo của thị trường.

Ông Ngọc cho rằng, thanh khoản của thị trường vẫn tiếp tục được củng cố mặc dù thị trường điều chỉnh giảm điểm trở lại. Đáng chú ý, thị trường vẫn có sự tham gia tích cực của dòng tiền mới và quá trình điều chỉnh của thị trường đang diễn ra lành mạnh.

Theo đó, dự báo TTCK tháng 6 có thể tiếp tục ghi nhận trạng thái giao dịch tích cực và các chỉ số có thể sẽ tăng điểm trở lại sau giai đoạn điều chỉnh kỹ thuật, VN-Index có thể vượt ngưỡng kháng cự 580 điểm để chính thức phá vỡ xu thế giảm điểm trung hạn hình thành từ tháng 9/2014.

Các yếu tố hỗ trợ thị trường trong tháng 6 và đầu tháng 7, theo ông Ngọc, bao gồm thông tin về kết quả kinh doanh quý II/2015 của các doanh nghiệp, bởi mặt bằng chung trong hoạt động kinh doanh của hệ thống doanh nghiệp nói chung đang có chuyển biến tích cực khi kết quả quý I ghi nhận tốt hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2014 và với điều kiện vĩ mô ổn định như hiện nay thì dự báo kết quả quý II cũng sẽ duy trì kết quả khả quan.

Thứ hai, yếu tố hỗ trợ mạnh từ giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, khi hoạt động mua ròng của họ vẫn diễn ra liên tục thời gian gần đây (mua ròng hơn 1.100 tỷ đồng trong tháng 5) và khả năng cao là họ sẽ tiếp tục mua ròng trong cả tháng 6.

Yếu tố quan trọng vào thời điểm này là tín hiệu trở lại tích cực của dòng tiền nội. Sau giai đoạn trầm lắng đầu năm 2015, thanh khoản thị trường tiếp tục được củng cố và giao dịch chung của thị trường diễn ra sôi động và các cơ hội đầu tư sinh lời đang dần nhiều lên, hấp dẫn dòng tiền nội trở lại.

Còn theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Bản Việt (VCSC), trong tuần qua, nhờ hoạt động mua ròng mạnh của khối ngoại và chỉ số thị trường vượt qua được ngưỡng tâm lý 570 điểm khiến nhà đầu tư trong nước mạnh dạn giải ngân hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa thể chắc chắn về tính bền vững của dòng tiền nội.

Có cái nhìn khá tích cực về triển vọng của dòng tiền nội vào TTCK, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, thị trường trong 3 tuần qua tăng khoảng 30% so với các tháng trước đó; trong đó, giao dịch của khối ngoại tăng thêm khoảng 10 - 15%.

Như vậy, phần còn lại là nhờ sự đóng góp từ các giao dịch của khối nội, qua đó cho thấy, dòng tiền nội đang hoạt động mạnh trở lại. Sau quá trình điều chỉnh và có thể điều chỉnh thêm vài phiên, thị trường sẽ tăng trở lại nhờ yếu tố dòng tiền đang ủng hộ xu thế đi lên. Tuy nhiên, đó chỉ là trong ngắn hạn, bởi dòng tiền nội đến từ sự ảnh hưởng của khối ngoại. Việc họ mua ròng liên tục trong một tháng trở lại đây đã giúp tâm lý nhà đầu tư trong nước tốt lên.

Theo ông Lâm, để biết dòng tiền có bền vững hay không, cần nhìn vào giao dịch của khối ngoại. Chốt phiên 2/6, khối ngoại mua ròng hơn 140 tỷ đồng, tâm lý nhà đầu tư trong nước nhìn chung ổn định nên khả năng mở rộng dòng tiền có thể xảy ra. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chú ý, ở thời điểm khối ngoại không còn mua ròng mạnh mẽ thì rất có thể dòng tiền trong nước sẽ co lại.  

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục