Tại ĐHCĐ năm nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) xin ý kiến cổ đông để tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng. Phương án phát hành bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu chuyển đổi, dành quyền mua cho cả cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo thông tin từ lãnh đạo SHB, tính đến ngày 31/12/2007, Ngân hàng mới hoàn thành việc tăng vốn từ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, năm 2008, SHB phải có phương án sử dụng hiệu quả không phải 2.500 tỷ đồng, mà là 4.000 tỷ đồng. Vậy đồng vốn tăng thêm được phân bổ ra sao? SHB dự kiến, sử dụng 1.000 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ tăng thêm để góp vốn liên doanh mua cổ phần các tổ chức kinh tế, mua cổ phiếu trên thị trường OTC, thành lập các công ty con trực thuộc, đầu tư tài chính và các khoản đầu tư khác; sử dụng 500 tỷ đồng chiếm 20% vốn điều lệ tăng thêm cho đầu tư mua sắm tài sản, mở rộng mạng lưới, xây dựng dự án bất động sản (BĐS); vốn đưa vào kinh doanh còn 1.000 tỷ đồng.
Cũng trong tài liệu phát cho cổ đông, SHB công bố, năm 2008 dành tối đa 40% vốn điều lệ, tương đương 1.800 tỷ đồng đầu tư các dự án BĐS (1.000 tỷ đồng), mua cổ phần của các công ty trực thuộc 2 đối tác chiến lược là Tập đoàn Than - Khoáng sản và Tập đoàn Công nghiệp Cao su theo giá đấu thành công bình quân 300 tỷ đồng, mua cổ phần trên TTCK và thị trường OTC khoảng 500 tỷ đồng. Nhìn vào những con số đó có thể thấy, ngành nghề kinh doanh cốt lõi là ngân hàng dường như được nhắc đến một cách rất mờ nhạt, trong khi đó lại là yếu tố đảm bảo khả năng tăng trưởng bền vững. Tham vọng của SHB là khá lớn, khi năm 2008 được dự báo rất khó khăn với kinh doanh ngân hàng, họ vẫn đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế khoảng 750 tỷ đồng, tăng 325,57% so với năm 2007.
Một ngân hàng khác có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng (lên 3.000 tỷ đồng), đưa ra phương án sử dụng vốn tương đối tập trung như dùng vốn tăng thêm đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ và năng lực nhân sự; tăng cường tín dụng ngắn, trung và dài hạn; phát triển dịch vụ và các hoạt động phi tín dụng 200 tỷ đồng; khoản tăng cường đầu tư liên doanh góp vốn "khiêm tốn" cũng 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, cổ đông "buốt ruột" nhất là khoản tiền dành cho phát triển mở rộng quan hệ công chúng và phát triển thương hiệu lên tới 70 tỷ đồng. Hai ngân hàng TMCP hàng đầu là Á Châu (ACB) và Sacombank cũng có kế hoạch tăng vốn (lần lượt) lên trên 6.355 tỷ đồng và 6.048,7 tỷ đồng. Kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu tăng thêm của Sacombank tập trung đầu tư tài sản cố định; mở rộng mạng lưới hoạt động; đầu tư công nghệ và phát triển mạng lưới ATM… Tuy vậy, hai nội dung không thể thiếu vẫn là góp vốn mua cổ phần; bổ sung vốn và thành lập mới các công ty trực thuộc, trong đó có "tấn công" sang lĩnh vực bảo hiểm.
Song hành cùng nhóm ngân hàng là các CTCK, trong đó đáng chú ý Kim Long có kế hoạch tăng vốn lên 600 tỷ đồng, những công ty mới như VICS, GPS, PVS... tăng vốn lên 300 - 450 tỷ đồng. Cơ sở để thuyết phục cổ đông tăng vốn được các công ty đưa ra nhằm gia tăng năng lực tài chính, mở rộng quy mô hoạt động, gia tăng doanh thu và lợi nhuận.
Trái với diễn biến ồn ào của nhóm DN thuộc ngành ngân hàng - chứng khoán, khối DN thuộc lĩnh vực sản xuất - kinh doanh lại tỏ ra im hơi lặng tiếng. Điểm qua nội dung họp ĐHCĐ khoảng 15 công ty từ giữa tháng 3 trở lại đây, hầu như không có công ty nào có kế hoạch tăng vốn. Mặt tích cực của hành động này được hiểu như hạn chế cung hàng ra thị trường, bớt tình trạng loãng giá cổ phiếu, nhưng mặt trái lại khiến cổ đông không mấy an lòng: DN không có dự án mở rộng sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời, phát triển do đó bị hạn chế. Hãy nghe giám đốc một công ty sản xuất nhựa tâm sự, đã qua rồi thời DN cứ phát hành tăng vốn vô tội vạ, làm như vậy không chỉ cổ đông thiệt thòi, mà chính bản thân lãnh đạo DN tự gây sức ép cho mình. "Phải có dự án mới huy động vốn chứ, cũng tìm tòi ghê lắm nhưng ban lãnh đạo công ty đành chịu, mở rộng sản xuất trong bối cảnh nguyên liệu đầu vào tăng vù vù như hiện nay chỉ có nước lỗ", ông giám đốc này nói và cho biết, nhiều DN thay vì tập trung sản xuất, thời gian qua chuyển hướng sang đầu cơ nguyên vật liệu. Một vấn đề nữa là nếu như trước đây, DN cứ gửi phương án phát hành đến UBCK hầu như được cấp phép thì nay, để đảm bảo chất lượng nguồn cung hàng hóa cho TTCK, UBCK sẽ đưa ra những tiêu chuẩn, điều kiện phát hành chặt chẽ hơn, đồng thời có quy định rõ ràng về việc xử phạt những trường hợp DN sử dụng vốn sai mục đích. Nhìn đi cũng phải ngẫm lại, DN sản xuất Việt Nam, kể cả DN niêm yết mới chủ yếu ở giai đoạn hình thành và tự khẳng định sự tồn tại, chỉ một số ít đang ở vòng đời tăng trưởng và mở rộng, sức hấp dẫn cho thị trường vốn do đó cũng còn nhiều hạn chế.