Điểm tới hạn trong báo cáo thường niên 2014

(ĐTCK) Báo cáo thường niên (BCTN) năm nay có nhiều điểm tiến bộ rõ nét so với các năm trước. Các công ty thuộc Top trên như thường lệ vẫn chứng tỏ tính chuyên nghiệp trong việc trình bày BCTN. Nhóm các công ty “mới nổi” cũng bắt đầu nhìn vào các công ty Top trên để phấn đấu.
GS.TS Trần Ngọc Thơ GS.TS Trần Ngọc Thơ

Điều này thể hiện rõ nét qua hình thức công phu và cấu trúc chặt chẽ của hầu hết các báo cáo. Những điểm nhấn về tính chuyên nghiệp của các công ty năm nay vô hình trung trùng hợp với trụ sở mới khang trang của Sở GDCK TP. HCM và tính chuyên nghiệp ngày càng cao của các chuyên gia giúp việc cho Hội đồng giám khảo.

Tính chuyên nghiệp ngày càng cao của các công ty trong quá trình đầu tư công phu để xây dựng BCTN khiến ngay từ đầu tôi có cảm giác các báo cáo năm nay dường như đang đi đến “điểm tới hạn”. Trong quá trình đánh giá các BCTN, đôi lúc tôi có trao đổi với một số nhà báo về cảm giác này. Tuy nhiên, càng đi sâu đánh giá và tranh luận với các thành viên Ban giám khảo và đội ngũ chuyên gia giúp việc, tôi nhận thấy mình càng thấm thía khái niệm “điểm tới hạn” này.

Có rất nhiều điều cần phải bàn luận về chất lượng của các BCTN năm nay. Nhưng nếu phải nói ngay điều gì cần phải nhấn mạnh và làm tôi ấn tượng nhất thì đó vẫn là câu chuyện về tính trung thực và mức độ chính xác trong các thông tin công bố. Có cảm giác một số ít các công ty trình bày BCTN chuyên nghiệp nhất và công phu nhất trong số hàng trăm báo cáo gửi đến Hội đồng bình chọn, thì ẩn sau đó là chất lượng thông tin chưa tương xứng.

Điều đầu tiên tôi muốn chia sẻ trong bài viết này là có công ty đánh giá rủi ro hoạt động, rủi ro nhân sự, rủi ro pháp lý và tuân thủ của mình ở mức có độ rủi ro thấp nhất, tuy nhiên, các rủi ro này lại được lãnh đạo công ty đánh giá đang có xu hướng giảm. Nhớ lại nhiều năm trước, một công ty cũng có đánh giá các rủi ro này tương tự như năm nay. Và nếu như không có một dịp tình cờ nào đó, thì năm sau, năm sau và năm sau nữa, có lẽ mọi người vẫn sẽ tiếp tục đọc được hầu hết những nhận định như thế. Dịp tình cờ đó là, các phương tiện truyền thông trong nước đã có những câu chuyện về việc vi phạm hầu hết những rủi ro mà công ty này đánh giá là ở mức thấp.

Câu chuyện thứ hai mà tôi muốn đề cập đến là việc rất thiếu cơ sở khi các công ty đưa ra dự báo cho các năm tiếp theo. Có lẽ do tính phức tạp trong dự báo, nên hầu hết các công ty đều đưa ra dự báo nhiều nhất là cho 1 năm sắp đến. Phần nhiều trong số các dự báo này đều khá trung thực khi các công ty nhìn nhận 2014 là một năm vẫn còn nhiều khó khăn, với các chỉ tiêu kế hoạch đều ở mức khiêm tốn và sụt giảm so với năm trước.

Tuy nhiên, cũng có công ty đưa ra dự báo khá chi tiết từng năm cho 5 năm tới, với hầu hết các chỉ tiêu đều có mức tăng trưởng ấn tượng. Tôi không bàn đến tính đúng sai trong các dự báo này, mà chỉ xin đặt câu hỏi về cơ sở nào để đưa ra các dự báo này? Đọc mỏi mắt hàng trăm trang trong BCTN của 1 công ty, tôi vẫn không thấy bất kỳ một dòng nào thuyết minh cho các dự báo như thế. Nói đến dự báo là nói đến các mô hình dự báo và các dữ liệu đầu vào cho mô hình này. Trong điều kiện nền kinh tế và công ty hoạt động bình thường, các dữ liệu đầu vào và lựa chọn mô hình cho dự báo đã không chính xác, huống hồ trong điều kiện kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn còn nhiều bất định phía trước, thử hỏi độ chính xác của dự báo từng năm cho 5 năm tới của công ty sẽ sai bao nhiêu dặm so với mục tiêu.

Câu chuyện thứ ba tôi muốn đề cập đến là vấn đề định lượng trong các phân tích rủi ro mà các công ty nhận diện. Mãi cho đến năm nay là năm thứ 7 của Cuộc bình chọn BCTN với rất nhiều khuyến cáo của các chuyên gia về vấn đề cần phải định lượng rủi ro, thì câu chuyện vẫn không nhiều thay đổi. Chỉ có một số rất ít các công ty thuộc dạng các công ty tài chính và chứng khoán có đưa ra định lượng cho một số dạng rủi ro như rủi ro thị trường. Còn hầu hết các công ty trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh mới chỉ phân tích rủi ro dưới dạng định tính, mà hoàn toàn không có định lượng thông qua các số liệu minh họa. Có phải việc định lượng rủi ro quá khó nên các công ty không làm được?

Thật ra, định lượng rủi ro không quá khó. Ở mức độ đơn giản nhất cũng không cần thiết phải sử dụng tới mô hình gì cao siêu vẫn có thể cung cấp cho người đọc BCTN mức độ rủi ro mà công ty đang phải gánh chịu, thông qua phân tích độ nhạy cảm thay đổi giữa một biến số này với một hoặc nhiều biến số khác. Các công ty có thể phân tích, nếu 1 phần trăm thay đổi trong tỷ giá sẽ làm thay đổi bao nhiêu phần trăm trong thị phần hoặc trong xuất nhập khẩu của công ty, hay trong các khoản nợ ngoại tệ; nếu 1 phần trăm thay đổi trong lãi suất, tiền lương sẽ làm lợi nhuận thay đổi bao nhiêu...

Đối với các loại rủi ro hoạt động liên quan đến hành vi của con người, tuy khó định lượng nhưng cũng nên cung cấp thông tin cho người đọc cơ chế kiểm soát các loại rủi ro này. Chẳng hạn, cơ chế nào để phát hiện một nhân viên ngân hàng bình thường có khả năng trở thành một siêu lừa. Nói chung, đối với hầu hết các loại rủi ro thị trường có thể định lượng được thì các công ty nên định lượng. Còn đối với các loại rủi ro liên quan đến yếu tố con người, đến yếu tố vận hành của hệ thống thì mô tả càng chi tiết càng tốt.

Điều đáng buồn là hầu hết các BCTN cho đến năm nay vẫn chỉ lặp lại những mệnh đề giống như trong sách giáo khoa như các năm trước. Chẳng hạn, rủi ro tỷ giá là…; rủi ro lãi suất là…; công ty chúng tôi sẽ tìm mọi cách theo dõi và xử lý các thay đổi này… Có cảm giác chỉ cần một thay đổi duy nhất là thay đổi năm 2014 vào, sẽ có một kịch bản phân tích rủi ro mới mà nội dung giống hệt với các năm trước.

Các rủi ro mới chỉ được phân tích dưới dạng định tính

Điều cuối cùng tôi muốn đề cập đến là chuyện "tốt khoe, xấu che" khá phổ biến từ các năm trước vẫn lặp lại trong BCTN năm nay. Điều đáng ngạc nhiên trong quá trình phân tích tài chính trên BCTN là thiếu vắng nghiêm trọng các so sánh chéo (cross section) giữa các công ty cùng ngành với nhau. Dữ liệu tài chính của các công ty kinh doanh cùng ngành hiện rất phổ biến. Các công ty nếu muốn thật tâm cung cấp thông tin cho người đọc chỉ cần chịu khó thu thập dữ liệu và tiến hành so sánh theo thời gian tình hình tài chính của công ty mình với các công ty khác có cùng rủi ro trong ngành, sẽ tốt cho người đọc biết mấy.

Không biết vì lý do gì việc so sánh chéo như thế cũng vẫn là chuyện hiếm trong BCTN lần này. Phải chăng vì e ngại phơi bày sự thua kém của mình so với đối thủ hay vì sự hời hợt làm BCTN chỉ để mang tính trình diễn? Câu hỏi này chỉ có người trong cuộc mới có câu trả lời chính xác. Tuy nhiên, điều lạ là có những công ty cũng có so sánh chéo với các công ty khác, nhưng chỉ lựa chọn ra một vài chỉ tiêu mà mình có ưu thế hơn hẳn để so sánh và những chỉ tiêu này cũng chỉ mang tính ngắn hạn, chứ không nói liên nhiều điều thực chất về thành quả trong năm. Phổ biến trong số đó là so sánh chỉ tiêu thanh toán nhanh của mình so với các đối thủ khác để chứng tỏ mình tốt!

Có nhiều vấn đề cần bàn trong BCTN năm 2014, tôi chỉ nêu lên một vài cảm nhận chính của mình về các thiếu sót trên.

Suy cho cùng, “điểm tới hạn” trong BCTN năm nay có thể hiểu là các công ty thuộc Top trên thì luôn nổi trội về hình thức, đến mức khó có thể tốt hơn, nhưng chất lượng thông tin nhìn chung vẫn còn lặp lại các lỗi đã được lưu ý trong các buổi trao giải ở các năm trước.

Nếu không có những thay đổi mạnh trong cách đánh giá và chấm điểm, chắc chắn các công ty Top trên  thiếu động lực để nhận rõ và hoàn thiện khiếm khuyết trong báo cáo.

Theo tôi, trong các năm tới, khung điểm chấm BCTN nên có những điểm trừ thật nặng cho những lỗi vi phạm về tính trung thực trong công bố thông tin. Điều này, rất cần có sự tham gia góp ý của các nhà báo khi tư vấn cho Hội đồng bình chọn và cần có những cuộc thăm dò trong công luận về chất lượng của những công ty đoạt giải cao.

Ban Tổ chức có thể trao giải cao cho những công ty nhỏ, trình bày hình thức tuy không bằng nhóm Top trên, nhưng chứng tỏ họ có sự phấn đấu và biết tiếp thu những lỗi vi phạm mà Hội đồng bình chọn và giới báo chí đã nhắc nhở nhiều năm trước. Thật là không hay nếu các DN được vinh danh Top đầu trong mấy năm qua  có tâm lý cứ tham gia là có giải. Đó là điểm tới hạn nguy hiểm nhất mà chúng ta cần phải tìm cách phá bỏ.

GS.TS Trần Ngọc Thơ

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục