Lỗ trăm tỷ, nghìn tỷ
Năm 2016, lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 4 tập đoàn, tổng công ty, gồm Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Viễn thông Toàn cầu Gtel, Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), Công ty TNHH Một thành viên Duyên Hải (bao gồm lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con) là 1.305 tỷ đồng.
Cụ thể, Vinachem lỗ hơn 335 tỷ đồng; Gtel lỗ hơn 949,8 tỷ đồng; Vinafood 2 lỗ 13,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Duyên Hải lỗ 6,3 tỷ đồng. Riêng Vinachem, lỗ phát sinh theo báo cáo của công ty mẹ là 650 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2016, có 17 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế là 12.504 tỷ đồng và 6 công ty mẹ còn lỗ lũy kế 4.595 tỷ đồng. Đáng chú ý, rất nhiều tên tuổi một thời nay lâm vào cảnh lỗ hàng ngàn tỷ đồng.
Báo cáo này chỉ ra, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có lỗ lũy kế 5.040 tỷ đồng, Gtel lỗ lũy kế 3.905 tỷ đồng, Vinachem lỗ lũy kế 1.348 tỷ đồng; Vinafood 2 lỗ lũy kế 976 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 641 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp lỗ lũy kế 150,522 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn lỗ lũy kế 111,079 tỷ đồng; Tổng công ty Giấy Việt Nam lỗ lũy kế 109 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 93,8 tỷ đồng; Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp thua lỗ hơn 61,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn lỗ lũy kế 40,9 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô lỗ lũy kế 12,1 tỷ đồng… tại thời điểm cuối năm 2016.
Nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trên thua lỗ nặng được chỉ rõ là căn bệnh thích “đông con nhiều cháu”, đầu tư kinh doanh dàn trải. Trong số 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước có lỗ lũy kế theo báo cáo tài chính hợp nhất, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do các công ty con, công ty liên kết có vốn góp của công ty mẹ không có lãi. Một số tập đoàn, tổng công ty, hoạt động của công ty mẹ có lãi sản xuất - kinh doanh có xu hướng tăng đã bù đắp lỗ lũy kế.
Những “con sâu” làm rầu “nồi canh chung” của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước đã khiến khu vực này tụt hậu so với cả nền kinh tế. Tính đến hết năm 2016, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước so với năm 2011 đều giảm, lần lượt giảm 15% và 9%. Tổng số nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011.
Đất vàng “chảy máu”
Được giao quản lý hàng trăm nghìn, hàng triệu mét vuông đất, song nguồn lực quốc gia đang bị sử dụng lãng phí, có dấu hiệu vi phạm, gây thất thoát lớn. Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, hầu hết các đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất đều không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất, mà góp vốn với các đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá.
Công tác lựa chọn nhà đầu tư hợp tác, góp vốn đều theo hình thức chỉ định, không có tiêu chí, chào giá công khai, minh bạch nên làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro trong việc chọn nhà đầu tư không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Việc xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất theo phương thức tự thực hiện, dựa trên đàm phán, thỏa thuận giữa các bên. Một số trường hợp có thuê các đơn vị tư vấn thẩm định giá, nhưng chưa có đầy đủ cơ sở về tính hợp lý của định giá, dễ dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước.
Một số đơn vị hợp tác, liên doanh, góp vốn thành lập pháp nhân mới, sau đó chuyển mục đích sử dụng đất cho các đối tượng không thuộc doanh nghiệp nhà nước và không thuộc đối tượng phải di dời do ô nhiễm môi trường, nhưng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; góp vốn hoặc chậm thoái vốn trong lĩnh vực bất động sản không đúng quy định...
Điển hình là trường hợp Vinafood 2, Tổng công ty này có 6/7 khu đất được kiểm toán (đã có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất) không sử dụng trong 12 tháng liền kề, nhưng chưa được UBND TP.HCM thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/10/2008; thoái toàn bộ vốn đã góp bằng giá trị tài sản trên đất và giá trị thương quyền thuê đất, nhưng vẫn đứng tên hợp đồng thuê đất; không chào bán, đấu giá công khai khi thoái vốn.
Vinafood 2 chủ yếu chỉ định cho CTCP Đầu tư và phát triển Nguyễn Kim làm đối tác liên doanh, liên kết các dự án như khu đất số 561 Kinh Dương Vương (diện tích 56.443 m2), nhưng tất cả các dự án chỉ định nhà đầu tư này đều không được thực hiện, mà đang dừng hoặc đã chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác (dự án tại số 561 Kinh Dương Vương đã chuyển chủ đầu tư từ ngày 25/11/2014 đến nay chưa triển khai).
Tại Hải Phòng, báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích trong phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, có doanh nghiệp tự ý phân đất cho cán bộ, công nhân viên để ở, cho thuê lại hoặc bỏ hoang không sử dụng như CTCP Xây dựng Ngô Quyền, CTCP Thương mại Minh Khai, CTCP Sách và thiết bị trường học, CTCP Phát hành sách Hải Phòng…
Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm hoàn thiện hồ sơ về đất đai, cụ thể như tại Hải Phòng có tổng 799 ha đất các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đang quản lý, tuy nhiên đến nay mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 40% diện tích. Tại tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2001 đến nay, có 21/77 doanh nghiệp chưa lập hồ sơ sử dụng đất…
Những yếu kém và vi phạm nói trên mới chỉ là phần nổi trong các báo cáo, tình trạng lãng phí nguồn lực khiến không ít đại biểu Quốc hội cảm thấy xót xa.
Trong phiên thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đầu tuần này, đại biểu Nguyễn Thái Học, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên đã thẳng thắn nhận xét, quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay còn chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn. Do đó, cần phải xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân nơi vi phạm, chứ không thể bắt bệnh chung chung rồi để đấy.
(Còn tiếp)